Tác động của việc tăng giá xăng dầu và dự báo những tháng cuối năm 2022

06:25 | 26/07/2022
(LĐTĐ) Giá xăng dầu từ đầu năm đến nay mặc dù giảm trên 6.000 đồng/lít, nhưng so với số tăng là gần 11.000 đồng/lít, thì kỳ vọng của doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn còn muốn giảm tiếp, bởi còn dư địa ở việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, nhập khẩu. Chính vì vậy mà giá hàng hóa trên thị trường tháng 7/2022 hầu như chưa giảm, thậm chí một số mặt hàng còn tăng lên như thịt lợn, thịt bò…
Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo có giải pháp bình ổn giá xăng, dầu Giá xăng, dầu giảm, giá nhiều mặt hàng vẫn cao Cước vận tải, giá hàng hóa vẫn "đứng im" khi giá xăng dầu liên tục giảm

Tính đến nay giá xăng dầu ở thị trường Việt Nam đã có 19 lần điều chỉnh chủ yếu là tăng giá. Với giá hiện nay ở thời điểm cuối tháng 7/2022 thì giá bán lẻ xăng dầu vẫn cao hơn thời điểm đầu tháng 1/2022 từ 2.500 đồng đến 3.600 đồng/lít, với dầu Diezen thì còn chênh lệch cao hơn khoảng 5.000 đồng/lít.

Giá xăng dầu từ đầu năm đến nay mặc dù giảm trên 6.000 đồng/lít, nhưng so với số tăng là gần 11.000 đồng/lít, thì kỳ vọng của doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn còn muốn giảm tiếp, bởi còn dư địa ở việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, nhập khẩu. Chính vì vậy mà giá hàng hoá trên thị trường tháng 7/2022 hầu như chưa giảm, thậm chí một số mặt hàng còn tăng lên như thịt lợn, thịt bò,…

Tác động của việc tăng giá xăng dầu và dự báo những tháng cuối năm 2022
Mặc dù giá xăng dầu đã giảm xuống mức gần 26.000 đồng/lít từ ngày 21/7, tuy nhiên nhiều mặt hàng thực phẩm cho thấy chưa có dấu hiệu giảm giá.

Chúng ta đều biết việc tăng giá xăng dầu đã có nhiều tác động đến sản xuất kinh doanh dịch vụ của doanh nghiệp và đời sống tiêu dùng của nhân dân. Về sản xuất, có thời kỳ 50% tàu cá phải nằm bờ vì bị thua lỗ, chi phí sản xuất hàng công nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp,… bị tăng cao, năng lực cạnh tranh về giá của hàng hoá bị suy giảm, khi chi phí xăng dầu chiếm 3,5% tổng chi phí sản xuất xã hội.

Còn về người tiêu dùng thì sao? Nhiều mặt hàng từ tháng 2-3/2022 đã bắt đầu tăng giá làm nhiều đợt do giá xăng dầu tăng lên, mức tăng thấp nhất từ 5%, cao nhất đến 15-20%, thậm chí cao gấp rưỡi, gấp đôi. Điều đó làm cho đời sống sinh hoạt, ăn uống của các gia đình bị teo tóp, khó khăn nhiều bề. Cũng với đó là những tác động sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19, càng làm cho đời sống người dân khó khăn hơn gấp bội.

Có thể nói tổng quát lại rằng: Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là “lương thực” của sản xuất kinh doanh dịch vụ và đời sống của người dân, không thể không sử dụng và tiêu dùng được. Mỗi một sự biến động tăng giá với biên độ lớn, đã làm ảnh hưởng rất sâu rộng và mạnh mẽ đối với toàn xã hội. Mặc dù sau nhiều ý kiến đề nghị của các chuyên gia, đại biểu quốc hội, các nhà quản lý thì đã có những đợt giảm thuế đối với mặt hàng này, tuy nhiên thời gian giảm đã bị chậm so với kỳ vọng phải giảm ngay từ tháng 2-3/2022.

Chính vì vậy, giá hàng hóa đã bị đẩy lên và nay muốn giảm trở về mức trước là rất khó khăn với nhiều lý do như: Cần có độ trễ, cần phải giảm tiếp thuế phí, giá xăng dầu đã xuống phải giữ được ổn định ít nhất từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp sản xuất họ cũng cần phải bù đắp những thua lỗ khó khăn trong 6 tháng đầu năm vừa qua,…

Ngay ngày 25/7 giá dầu Brent và WTI đều khởi động tuần giao dịch mới với tư thế tăng tốc, dầu WTI đã vượt 95 USD/thùng, dầu Brent lên mức 104 USD/thùng. Những yếu tố làm cho việc giảm giá xăng dầu không được chắc chắn và ổn định đó là nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt, mặc dù có lúc cũng khôi phục lại sản lượng khai thác.

Cùng với đó, những biến động của địa chính trị thế giới giữa Nga và Ukraine vẫn đang tiếp tục chưa có điểm dừng, sự hồi phục của kinh tế thế giới nhất là của Trung Quốc, EU,… chưa bền vững. Do đó, nhu cầu dầu thô cho những tháng cuối năm 2022 chắc chắn sẽ tăng lên do thời tiết dần giá lạnh,... và những quyết định tăng lãi xuất của Fed (công cụ được sử dụng để kiểm soát mức tăng trưởng của kinh tế Mỹ) có tác động không nhỏ đến giá dầu của thế giới.

Từ tình hình trên cho thấy, sản xuất và tiêu dùng ở thế giới cũng như sản xuất tiêu dùng ở Việt Nam còn phụ thuộc rất lớn vào sự tăng giảm của giá xăng dầu trong những tháng cuối năm và những năm tiếp theo. Do đó, đòi hỏi việc điều hành của chúng ta cần phải chủ động hơn, linh hoạt hơn để đảm bảo giữ ổn định mặt hàng chiến lược này cho sản xuất và đời sống.

Mấy vấn đề cần đặt ra cho bài toán xăng dầu là: Việt Nam cần chủ động nguồn cung xăng dầu từ sản xuất trong nước và nhập khẩu, thay việc bình ổn giá bằng tiền, Nhà nước cần đầu tư gấp kho dự trữ xăng dầu quốc gia đủ lớn để chủ động điều tiết giá cả mỗi khi có biến động lên xuống.

Tổ chức chuỗi cung ứng xăng dầu hiệu quả, giảm chi phí phục vụ đắc lực cho xã hội. Bỏ và giảm ngay các loại thuế không phù hợp làm ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước cao một cách vô lý như hiện nay. Trước mắt, ngay trong cuối tháng 7/2022 này, Quốc hội cần quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT nhập khẩu để xăng dầu về mức 20.000 - 22.000 đồng/lít tạo điều kiện cho sự hồi phục phát triển sản xuất kinh doanh và giảm bớt khó khăn cho đời sống tiêu dùng xã hội.

Đó là những việc cần làm ngay của bài toán xăng dầu từ nay đến cuối năm, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế trong 2023 và những năm tiếp theo. Các bộ ngành không nên bỏ lỡ thời cơ giảm thuế một lần nữa, phải lấy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ của mình, không chỉ lo nguồn thu ngân sách một cách cơ học, mà phải đóng góp tích cực hiệu quả cho sự phát triển nhanh và bền vững của các doanh nghiệp và đời sống tiêu dùng của nhân dân.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này