Việt Nam - Lào: Nhiều chuyển biến tích cực trong hợp tác kinh tế, văn hóa, y tế và khoa học - kỹ thuật

19:45 | 25/07/2022
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng có truyền thống gắn bó lâu đời suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc. Trong chặng đường phát triển quan hệ hai nước 60 năm qua, đặc biệt là sau 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, hai nước đã tích cực triển khai các Hiệp định giữa hai Chính phủ và thỏa thuận tại các kỳ họp của Ủy ban liên Chính phủ; tích cực triển khai Thỏa thuận về Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật đạt nhiều chuyển biến tích cực.
Châu Âu chia rẽ khi kinh tế ngày càng điêu đứng vì trừng phạt Nga Để nông sản trở thành “thương phẩm” giá trị cao Nghệ An phải hành động mạnh mẽ, xây dựng quy hoạch một cách căn cơ, khơi thông các điểm nghẽn

Hai nước Việt Nam - Lào tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tiếp tục ký kết nhiều văn kiện hợp tác, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để thúc đẩy hợp tác. Về đầu tư, tính đến nay, Việt Nam có 214 dự án đầu tư sang Lào còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,33 tỷ USD, tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc, Thái Lan). Một số dự án đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, đã có doanh thu, thực hiện các nghĩa vụ tài chính với cơ quan nhà nước Lào và tạo ra công việc ổn định cho hàng vạn lao động của Lào.

Việt Nam - Lào: Nhiều chuyển biến tích cực trong hợp tác kinh tế, văn hóa, y tế và khoa học - kỹ thuật
Hội đàm cấp cao giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào. (Ảnh: TTXVN)

Từ năm 2017 đến năm 2021, hai bên tích cực triển khai và đưa vào sử dụng nhiều công trình, dự án sử dụng nguồn vốn viện trợ, trong đó có dự án trọng điểm như Bệnh viện Hữu nghị tại tỉnh Hủa - phăn và tỉnh Xiêng - khoảng của Lào. Đặc biệt, hai bên hoàn thành dự án công trình Nhà Quốc hội mới của Lào. Đây là món quà của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, là biểu tượng của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

Về thương mại, hai bên tiếp tục thúc đẩy, đàm phán và ký kết nhiều văn bản quan trọng, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thương mại (Hiệp định thương mại song phương mới, Hiệp định thương mại biên giới, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định quá cảnh hàng hóa Việt Nam - Lào, Đề án phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào ...); chủ động, tích cực triển khai các văn kiện đã ký kết và cơ chế “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đen - xạ - vẳn, tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại.

Giai đoạn 2016 - 2020, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đã có những bước phát triển đáng kể, tốc độ tăng bình quân 4%/năm. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào năm 2021 đạt trên 1,37 tỷ USD (tăng khoảng 33,3% so với năm 2020). Giai đoạn 2021 - 2025, hai nước phấn đấu tăng kim ngạch thương mại hai nước mỗi năm tăng 10%.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai nước đạt 558,2 triệu USD (tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 192,2 triệu USD, tăng 11,8% và nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 366 triệu USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Về giao thông vận tải, hai bên tiếp tục tập trung thực hiện Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, hai bên phối hợp nghiên cứu, thúc đẩy tìm kiếm nguồn vốn triển khai các dự án trọng; triển khai Hiệp định hợp tác và đầu tư phát triển cụm bến cảng 1, 2, 3 tại cảng Vũng Áng; cơ bản hoàn thành dự án xây dựng sân bay Nỏng - khạng tại tỉnh Hủa - phăn.

Hai bên ký kết thỏa thuận về xây dựng và khai thác tuyến đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn; phối hợp đề nghị với Nhật Bản xem xét triển khai thực hiện dự án tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về giao thông vận tải.

Về lĩnh vực năng lượng điện, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ về phát triển các dự án thủy điện Lào và mua bán điện giữa hai nước đến năm 2030 và Hiệp định về hợp tác phát triển các công trình năng lượng điện và mỏ; ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác mua bán điện từ các công trình điện gió.

Về nông lâm và phát triển nông thôn, hai bên thống nhất coi hợp tác trong lĩnh vực này là rất quan trọng, theo đó đã tăng cường trao đổi, chuyển đổi công nghệ, kỹ thuật và xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm nghèo, nâng cao năng lực thể chế, chính sách trong quản lý, sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi.

Hai bên tiếp tục hỗ trợ có hiệu quả cho phát triển nông thôn vùng trọng điểm tại các tỉnh: Xiêng - khoảng, Hủa - phăn, Xay - xổm - bun; hoàn thành xây dựng các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp; thống nhất xây dựng một số dự án thủy lợi. Hai bên phối hợp thực hiện tốt việc quản lý và bảo vệ rừng, tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn việc buôn bán - vận chuyển gỗ trái phép và lâm sản - thú rừng xuyên biên giới.

Về lĩnh vực y tế, công tác khám, chữa bệnh cho cán bộ và nhân dân Lào tại Việt Nam, nhất là tại các tỉnh có chung đường biên giới và công tác phối hợp khám, chữa bệnh từ xa tiếp tục được quan tâm thúc đẩy. Việt Nam luôn tạo điều kiện giúp Lào đào tạo cán bộ y tế; phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

N.Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này