Góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Đề nghị quy định quyền thỏa thuận và lựa chọn mức độ tin cậy của chữ ký điện tử

16:44 | 24/07/2022
(LĐTĐ) Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị, cần bổ sung vào Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nguyên tắc cơ quan nhà nước buộc phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp, không được phép từ chối hoặc yêu cầu nộp thêm hồ sơ là bản cứng thì mới tiến hành xử lý hồ sơ.
Điều tra mở rộng đường dây đánh bạc qua sàn SFX Capital, số tiền giao dịch hơn 2.000 tỷ đồng Đề xuất bỏ quy định loại trừ giao dịch điện tử với thủ tục cấp sổ đỏ, đăng ký kết hôn, khai sinh Nhà tuyển dụng đánh giá cao chất lượng nguồn lao động

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức góp ý đối với Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo.

Theo VCCI, Dự thảo Luật quy định nếu pháp luật yêu cầu văn bản cần có chữ ký thì thông điệp dữ liệu đáp ứng yêu cầu này là thông điệp dữ liệu được ký bằng chữ ký số.

“Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này có thể khiến các giao dịch điện tử trở nên phức tạp hơn, từ đó gia tăng chi phí cho doanh nghiệp và cản trở việc người dân thực hiện các giao dịch điện tử, trong khi các bên trong giao dịch dân sự, thương mại có quyền thoả thuận và lựa chọn mức độ tin cậy của chữ ký điện tử. Các loại chữ ký điện tử khác vẫn nên được coi là có giá trị pháp lý và có giá trị xác nhận giao dịch của các bên tham gia”, VCCI cho biết.

Chữ ký số chỉ có giá trị tin cậy (giá trị chứng minh) cao hơn so với các loại chữ ký khác (do được chứng thực bởi một bên thứ ba). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định theo hướng các bên tham gia có quyền thỏa thuận và lựa chọn mức độ tin cậy của chữ ký điện tử, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Thông điệp dữ liệu được ký bằng chữ ký số có giá trị chứng cứ (mặc nhiên có giá trị), trừ khi có bằng chứng thể hiện điều ngược lại.

Về chữ ký điện tử nước ngoài, Dự thảo quy định việc sử dụng và công nhận chữ ký điện tử nước ngoài. Theo đó, Nhà nước sẽ thực hiện việc công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài khi đáp ứng đủ một số điều kiện nhất định. Theo VCCI, quy định như vậy có thể dẫn đến cách hiểu rằng tất cả các giao dịch điện tử sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài sẽ phải trải qua một “bài kiểm tra” về giá trị pháp lý.

Đề nghị quy định quyền thỏa thuận và lựa chọn mức độ tin cậy của chữ ký điện tử
VCCI tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). (Ảnh: Vân Anh/VOV)

Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cho phép các bên trong hoạt động thương mại được tự thoả thuận về việc sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài hoặc chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài. Ngoài ra, Dự thảo Luật cần đưa ra khái niệm cụ thể thế nào được coi là một chữ ký điện tử nước ngoài.

Đáng quan tâm, theo VCCI, Dự thảo bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới là dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu. Tuy nhiên, quy định này có nguy cơ chồng chéo, trùng lặp với dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 85/2013/NĐ-CP).

Dự thảo đã tách việc chứng thực thông điệp dữ liệu thành 2 loại là chứng thực thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại và chứng thực thông điệp dữ liệu trong các giao dịch khác. Theo VCCI, việc này sẽ cực kỳ phức tạp và gây tốn kém chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, với khách hàng sử dụng dịch vụ: Doanh nghiệp sẽ cần mua dịch vụ từ 2 nhà cung cấp khác nhau, hoặc 2 gói dịch vụ khác nhau để đảm bảo nhu cầu chứng thực các loại thông điệp dữ liệu khác nhau. Còn với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có thể phải xin cấp 2 giấy phép kinh doanh cho cùng một loại dịch vụ để đảm bảo khả năng cung cấp đầy đủ dịch vụ cho khách hàng;

Do vậy, VCCI đề nghị cân nhắc lại nhóm quy định này, có thể nâng cấp toàn bộ quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP lên thành dịch vụ chứng thực dữ liệu điện tử. Đồng thời, xác định rõ Bộ chuyên ngành quản lý dịch vụ này và nên chỉ có duy nhất một Bộ quản lý dịch vụ để phù hợp với nguyên tắc việc ban hành điều kiện kinh doanh phải tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, hiện nay, có tình trạng một số doanh nghiệp và người dân mong muốn được thực hiện các giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước, nhưng nhiều trường hợp bị từ chối tiếp nhận bản điện tử hoặc tiếp nhận xong vẫn yêu cầu doanh nghiệp và người dân nộp thêm bản giấy.

Điều này gây cản trở rất lớn đối với việc điện tử hoá các dịch vụ công, thủ tục hành chính, gây mất thời gian, công sức, tiền bạc của người dân và doanh nghiệp, thậm chí còn là cơ hội cho nhũng nhiễu, tiêu cực. Vì vậy, VCCI cho rằng, Dự thảo Luật cần bổ sung nguyên tắc cơ quan nhà nước buộc phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp, không được phép từ chối hoặc yêu cầu nộp thêm hồ sơ là bản cứng thì mới tiến hành xử lý hồ sơ.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này