Ký kết Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt - May Hà Nội (lần 2)

17:49 | 22/07/2022
(LĐTĐ) Thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2022), mới đây, Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội và Hội Dệt May thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ngành Dệt - May Hà Nội (lần 2).
Ấm lòng công nhân về quê đón Tết Hội nghị Ban chấp hành Công đoàn ngành Dệt-May Hà Nội lần thứ XVI mở rộng Công đoàn ngành Dệt-May Hà Nội trợ cấp đặc biệt cho gia đình công nhân lao động

Hội nghị được nghe đồng chí Hoàng Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội báo cáo quá trình thương lượng, đối thoại và xây dựng TƯLĐTT ngành (lần 2) như: thành lập Ban soạn thảo; kết quả 4 bước đối thoại, thương lượng, hội thảo và Hội nghị hiệp thương.

Kết thúc quá trình, bản thỏa ước đã được 43/61 (70,49%) người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở nhất trí ủy quyền cho Hội Dệt May Thành phố, Công đoàn ngành Dệt -May Hà Nội ký kết TƯLĐTT cấp ngành (lần thứ 2).

Dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu đã ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực của tập thể Ban Chấp hành Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội và Hội Dệt May Thành phố trong quá trình thương lượng, đối thoại TƯLĐTT ngành.

Ký kết Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt - May Hà Nội (lần 2)
Đại diện Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội và Hội Dệt May thành phố Hà Nội ký kết TƯLĐTT cấp ngành (lần 2)

Đồng thời, đồng chí khẳng định, bản TƯLĐTT ngành Dệt - May Hà Nội sẽ là cụ thể hóa các quy định của pháp luật phù hợp với tính chất, đặc điểm của các doanh nghiệp cùng ngành nghề, làm cơ sở pháp lý để doanh nghiệp thực hiện giao kết hợp đồng lao động, thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động; tạo nên sự cộng đồng trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh trên cơ sở pháp luật lao động, tạo điều kiện cho người lao động thông qua sức mạnh tập thể để thương lượng nhằm đạt được những lợi ích cao hơn so với quy định của pháp luật lao động.

TƯLĐTT ngành còn là cơ sở pháp lý đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động, đặc biệt là khi xảy ra các tranh chấp lao động và quá trình giải quyết tranh chấp lao động phát sinh tại cơ sở.

Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Chính Hữu đề nghị Ban Thường vụ Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội và Hội Dệt May Hà Nội sau hội nghị cần sớm triển khai bản thỏa ước ngành đến các đơn vị trực thuộc; tiếp tục nâng cao số lượng đơn vị tham gia TƯLĐTT ngành trong thời gian tới; hướng dẫn từng đơn vị căn cứ thỏa ước ngành xây dựng thỏa ước doanh nghiệp; kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định của pháp luật lao động, tạo sự đồng thuận, tạo mối quan hệ lao động hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động.

P.Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này