Khai mạc phiên giao dịch việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước

15:14 | 21/07/2022
(LĐTĐ) Sáng nay (21/7), tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội đã diễn ra chương trình khai mạc phiên giao dịch việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước, kết nối trực tuyến giữa 3 tỉnh: Hà Nội, Đồng Tháp, Quảng Nam. Dự chương trình có ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội (TB&XH) Hà Nội.
Cảnh báo khi tham gia “việc làm online” Nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực Công nghệ thông tin - viễn thông tiếp tục tăng

Phát biểu tại phiên giao dịch việc làm, ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Giám đốc Sở Lao động TB&XH Hà Nội cho biết, tình hình kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2022 đã có những tín hiệu khởi sắc, thể hiện sức bật của các ngành kinh tế đang dần hồi phục sau Covid-19.

Ngay từ đầu năm, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động. Tính đến ngày 15/7/2022 toàn Thành phố đã giải quyết việc làm cho 137.326 lao động, đạt 85,8% so với kế hoạch; ước tăng 13,5 so với cùng kỳ 2021.

Khai mạc phiên giao dịch việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
Các đại biểu bấm nút khai mạc phiên giao dịch việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước, kết nối trực tuyến giữa 3 tỉnh: Hà Nội, Đồng Tháp, Quảng Nam.

Trong những năm qua đã có hơn 100.000 lượt người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản theo chương trình EPS và thực tập sinh IM Japan về nước. Chương trình đã mang lại cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao, giúp cải thiện đời sống cho người lao động góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Qua thời gian làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, những người lao động này không chỉ có tay nghề cao mà còn có ưu điểm lớn là biết tiếng bản địa. Bằng kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích lũy được, sau khi về nước đã khởi nghiệp thành công hoặc đảm nhiệm những vị trí làm việc quan trọng trong các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, còn có nhiều lao động khác gặp khó khăn trong tìm kiếm một việc làm phù hợp để phát huy khả năng và kinh nghiệm. Do vậy việc hỗ trợ việc làm trong nước để người lao động sau khi hết thời hạn hợp đồng làm việc nói chung và ở Hàn Quốc nói riêng có thể yên tâm quay về là vô cùng quan trọng”- Phó Giám đốc Sở Lao động TB&XH Hà Nội nhấn mạnh.

Khai mạc phiên giao dịch việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Giám đốc Sở Lao động TB&XH Hà Nội phát biểu tại chương trình.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Lao động TB&XH Hà Nội, trong những năm qua, Sở Lao động TB&XH Hà Nội đã giao Trung tâm dịch vụ việc làm đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giao dịch việc làm, phỏng vấn kết nối trực tuyến online giữa các Điểm/Sàn vệ tinh trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như các Sàn Giao dịch việc làm các tỉnh thành trên khắp cả nước.

Đây là cơ hội cho người lao động nói chung cũng như lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh IM Japan về nước có được cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với kinh nghiệm và trình độ tay nghề của mình, nhằm ổn định cuộc sống.

Tại chương trình, ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi vì sự kiện đã thu hút 53 doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, gần 200 người lao động, thực tập sinh đã từng làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản về nước.

Khai mạc phiên giao dịch việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
Ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước phát biểu tại chương trình.

Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước mong muốn thông qua phiên giao dịch việc làm các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng được những lao động tốt đáp ứng yêu cầu công việc. Người lao động cũng tìm được công việc phù hợp. Gửi gắm tâm tư tới những lao động chuẩn bị sang Hàn Quốc làm việc, ông Hồng mong muốn người lao động sẽ chăm chỉ làm việc, trau dồi kỹ năng nghề, nâng cao trình độ tiếng Hàn, tích lũy vốn cũng như kiến thức để sau này trở về quê hương khởi nghiệp, làm giàu tại quê hương hoặc tìm được những công việc có mức thu nhập cao sau khi về nước.

Bà Kim Yoon Hye, Ủy viên Lao động và việc làm Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, trong số 16 quốc gia đang phái cử người lao động sang Hàn Quốc làm việc, Việt Nam là quốc gia có số lượng người lao động đưa sang làm việc đông nhất, khoảng 130.000 người. Quan hệ giao lưu nhân lực giữa Việt Nam và Hàn Quốc tới nay đã được 30 năm, trong quãng thời gian đó, nguồn nhân lực đi làm việc tại Hàn Quốc và trở lại Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng. Nguồn nhân lực này có tìm được công việc ổn định cuộc sống ở quê nhà cũng là một vấn đề quan trọng đặt ra.

Khai mạc phiên giao dịch việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
Bà Kim Yoon Hye, Ủy viên Lao động và việc làm Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đánh giá cao chất lượng nguồn nhân lực sau khi từ Hàn Quốc trở về Việt Nam
Khai mạc phiên giao dịch việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
Ông Nishizawa Hidekazu, Trưởng Văn phòng IM Japan tại Việt Nam mong muốn các công ty sẽ tuyển dụng các thực tập sinh của IM Japan vì đây là nguồn nhân lực đã được đào tạo kinh nghiệm, kỹ năng khắt khe tại Nhật Bản.

Đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực sau khi từ Hàn Quốc trở về Việt Nam, bà Kim Yoon Hye bày tỏ: “Tôi đánh giá nguồn nhân lực trở về từ Hàn Quốc là nguồn nhân lực rất quý báu. Đại đa số lao động đều biết tiếng Hàn Quốc cũng như học hỏi được kỹ thuật bên Hàn Quốc trong quá trình lao động, làm việc. Thông qua phiên giao dịch việc làm hôm nay tôi cũng nghĩ rằng đây là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc có thể tìm được nhân lực phù hợp với nhu cầu của công ty mình.”

Với vai trò là Ủy viên Lao động và việc làm Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, bà Kim Yoon Hye hứa sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa để các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như người lao động tại Hàn Quốc trở về có nhiều phiên giao dịch việc làm, từ đó có nhiều cơ hội gặp gỡ nhau hơn nữa.

Ông Nishizawa Hidekazu, Trưởng Văn phòng IM Japan tại Việt Nam cho biết Chương trình IM Japan đã được triển khai từ 30 năm trước. Chương trình đào tạo của IM Japan thường kéo dài từ 3 - 5 năm, mặc dù thời gian không dài nhưng trong khoảng thời gian này, các lao động trẻ được học hỏi kinh nghiệm, kiến thức để áp dụng, phát huy tại quê nhà, xây dựng sự nghiệp sau khi về nước.

Khai mạc phiên giao dịch việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
Khai mạc phiên giao dịch việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
Các công ty tiến hành phỏng vấn trực tiếp, online tại phiên giao dịch để tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp.

“Tôi mong muốn các công ty tham gia phiên giao dịch việc làm hôm nay sẽ tham khảo và tuyển dụng thực tập sinh của IM Japan vì các thực tập sinh trong quá trình học tập tại Nhật Bản đã được học kiến thức, cách làm việc, cách suy nghĩ của người Nhật Bản. Chúng tôi nghĩ rằng những kiến thức, kinh nghiệm này sẽ được người lao động áp dụng hiệu quả vào các công ty, không chỉ có công ty Nhật”- ông Nishizawa Hidekazu nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã bấm nút khai mạc phiên giao dịch việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước, kết nối trực tuyến giữa 3 tỉnh: Hà Nội, Đồng Tháp, Quảng Nam. Ngay sau khi kết thúc chương trình khai mạc, các doanh nghiệp đã tiến hành phỏng vấn trực tiếp, online với người lao động để tìm nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của công ty.

Tại phiên giao dịch việc làm đã có 53 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Trong đó, tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội có 37 đơn vị; sàn giao dịch việc làm Quảng Nam: 07 đơn vị; sàn giao dịch việc làm Đồng Tháp: 09 đơn vị. Tổng số nhu cầu tuyển dụng trong phiên giao dịch việc làm là 10.910 vị trí.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này