Không thể bỏ quên an toàn nông phẩm

09:55 | 19/07/2022
(LĐTĐ) Trong dòng chảy bất tận của mưu sinh vì cơm áo gạo tiền, rốt cuộc điều đọng lại ai cũng muốn một sức khỏe tốt, những bữa cơm ngon và cuộc sống hạnh phúc. Để có một sức khỏe tốt, những bữa cơm ngon vai trò của dinh dưỡng, đặc biệt chất lượng nguồn nông phẩm cung cấp cho chúng ta mỗi ngày rất quan trọng.
"Chợ công nhân" và nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm ở TP. Hồ Chí Minh Hà Nội: Tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn thực phẩm
Không thể bỏ quên an toàn nông phẩm
Tăng cường kiểm tra các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn quận Thanh Xuân. (Ảnh minh hoạ: VGP/Thiện Tâm)

Một trong những thông tin trong tuần được các cơ quan báo chí đăng tải rất đáng chú ý, đó là số liệu đưa ra tại Hội nghị sơ kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm do UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, số liệu mà Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho hay, gần 50% số mẫu rau quả, trái cây ở các chợ đầu mối xét nghiệm có dư lượng hóa chất, hơn 40% mẫu hải sản phát hiện kim loại nặng, trong đó có nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép, cá biệt có sản phẩm phát hiện dư lượng của 7 hoạt chất.

Đáng chú ý, qua lấy mẫu các sản phẩm tham gia "Chuỗi thực phẩm an toàn" gửi kiểm tra ghi nhận còn có các mẫu sản phẩm tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục được phép sử dụng. Cụ thể, phát hiện hoạt chất carbendazim (trị nấm) trên cải bó xôi, cà chua, cải ngọt, cải thìa, cải xanh...; phát hiện hoạt chất permethrine (thuốc trừ sâu) trên cải bó xôi, cải ngọt, cải thảo, cải thìa, rau muống; hoạt chất cypermethrine trên cải dún, cải ngọt, cải xanh, củ cải trắng...; hoạt chất imidacloprid trên cải ngọt, cà chua; hoạt chất chloramphenicol, ciprofloxacin và enrofloxacin trên sản phẩm thủy sản. Đặc biệt, qua kiểm tra sản phẩm rau, quả, trái cây tại 3 chợ đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan này phát hiện tỉ lệ sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất cao.

Thực ra vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là câu chuyện “nóng” đã được nêu ra từ cả chục năm trước nhưng đến nay bỗng nhiên thành “nguội”. Nhớ tại một kỳ họp Quốc hội, khi các đại biểu thảo luận chuyên đề giám sát tối cao về an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2015, đại biểu Trần Ngọc Vinh, đoàn Hải Phòng, phải thốt lên “chưa bao giờ đường từ dạ dày đến nghĩa trang ngắn đến thế”.

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, đất nông nghiệp đang có xu hướng bị thu hẹp, trong khi nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp liên tục tăng cao vì dân số ngày một tăng, tiếp đến là sức ép tài chính, lợi nhuận khiến không ít người dân, cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, chế biến… đã lạm dụng các loại hóa chất vào các công đoạn (nuôi, trồng, lưu thông, chế biến) để bán ra thị trường nhằm mang lại hiệu quả cao nhất mà bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng.

Có một điều bất hợp lý nhiều người dân đã thắc mắc từ lâu mà chưa thấy khắc phục, đó là trong khi các sản phẩm xuất khẩu, tuân thủ rất nghiêm ngặt về quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, còn các sản phẩm lưu thông trong nước, các sản phẩm bán chợ đầu mối, chợ dân sinh… thì ít thấy lực lượng chức năng đến kiểm tra, lấy mẫu. Công tác quản lý không nghiêm, nông sản không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mãi còn đất sống.

Có một điều hiển nhiên, trong thời đại 4.0, không có một loại nông sản nào lại không dùng đến sản phẩm hóa học (phân bón, thuốc bảo quản…), song vấn đề các cơ quan chức năng từ cấp Trung ương đến cấp địa phương phải ban hành, phân loại và đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con nông dân, thương lái, nhà sản xuất biết loại nào thì được sử dụng các loại hóa chất gì? Sử dụng trong thời gian bao lâu thì được tiêu thụ. Sau khi đã có đầy đủ thông số trên, tuyên truyền rộng rãi đến mọi đối tượng, nếu phát hiện khâu nào vi phạm sẽ xử lý thật nặng để răn đe. Luật hiện hành chưa có quy định thì tiến hành sửa đổi cho phù hợp. Hơn lúc nào hết, phải đặt sức khỏe nhân dân lên trên hết, phải nói không với sản phẩm nông nghiệp không đảm bảo an toàn.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này