Tự ý đắp thuốc nam chữa bỏng, hậu quả khôn lường

09:03 | 19/07/2022
(LĐTĐ) Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về việc sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc để điều trị bỏng cho trẻ em, nhưng nhiều người vẫn sử dụng dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Đáng lo ngại, việc chữa bỏng bằng các loại thuốc nam theo kinh nghiệm và chưa được kiểm chứng rất nguy hiểm, có thể khiến tổn thương nặng thêm, viêm nhiễm lan rộng hơn, thậm chí gây tử vong cho trẻ.
Tự chữa bỏng tại nhà: Nguy hiểm khôn lường! Bé trai 20 tháng bị hoại tử bộ phận sinh dục vì đắp lá cây chữa bệnh

Nhiễm trùng, hoại tử vì đắp thuốc lá vào vết bỏng

Đơn cử như trường hợp của bé T.H (18 tháng tuổi, ở Nam Định) nhập viện trong tình trạng bỏng nước sôi độ II, độ III và nhiễm trùng. Trước đó, khi đang pha sữa cho con, mẹ của bé H có việc phải ra ngoài, để tạm cốc nước sôi trên bàn. Không may trong lúc chơi đùa, bé đã đánh đổ cốc nước sôi lên người, gây bỏng lớn ở vùng ngực.

Tự ý đắp thuốc nam chữa bỏng, hậu quả khôn lường
Nếu trẻ bỏng tay, chân do nước sôi, bỏng hơi, cháo, ngay khi trẻ bị bỏng cần ngâm bộ phận bị bỏng vào trong nước sạch, mát.

Thay vì đưa con vào bệnh viện điều trị, mẹ bé H lại đưa con đến nhà thầy lang để đắp thuốc nam chữa bỏng. Đến ngày thứ 4 sau khi đắp thuốc, thấy con sốt cao, chị mới tá hỏa đưa con đến bệnh viện tỉnh, rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé bỏng nước sôi độ II-III và nhiễm trùng.

“Lúc con bị bỏng tôi luống cuống không biết phải làm gì, nghe người quen mách có trường hợp bị bỏng cả người đắp thuốc nam không để lại sẹo, tôi vội tin luôn mà đưa con đến. Giờ nhìn con gái bé bỏng mới 18 tháng tuổi đang nằm trên giường bệnh với gần nửa người bị băng kín do bỏng nước sôi tôi rất hối hận, vì đã lỡ tin vào tác dụng “kỳ diệu” của việc đắp lá, thuốc nam” – mẹ bé H chia sẻ.

Tương tự, bé Đ.M (23 tháng tuổi, ở Phú Thọ) bị bỏng toàn bộ cẳng chân phải và đang điều trị tại Đơn vị Bỏng (Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi trung ương). Bé M bị bỏng toàn bộ cẳng chân phải, nhiễm trùng sau đắp lá cây không rõ nguồn gốc…

Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ, bác sĩ Phùng Công Sáng – Phụ trách Đơn vị Bỏng – Phó Trưởng Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Dù đã có rất nhiều cảnh báo về các biến chứng nặng nề có thể gặp phải khi đắp lá cây theo kinh nghiệm mà chưa được khoa học kiểm chứng để xử lý vết thương, vết bỏng, tuy nhiên vẫn nhiều gia đình tự ý điều trị cho con tại nhà, dẫn đến các hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.

Theo bác sĩ Sáng phân tích, việc đắp lá cây, các loại thuốc điều trị theo kinh nghiệm mà chưa được kiểm chứng và không đảm bảo sạch vào vết thương, vết bỏng là việc làm rất nguy hiểm. Việc đắp thuốc vào vết bỏng có thể khiến tổn thương nặng thêm, viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không nhiễm trùng thành nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra các biến chứng như: Viêm mủ màng tim, màng não, viêm mủ màng phổi, áp-xe phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí tử vong hoặc để lại những di chứng suốt đời cho trẻ…

“Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhi, nếu được đưa đến bệnh viện kịp thời khi trẻ mới bị bỏng, sơ cứu tốt thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn nhiều và cũng đỡ tốn kém tiền bạc, thời gian của gia đình. Tuy nhiên, do gia đình đưa đến bệnh viện muộn, vùng bỏng bị nhiễm trùng nặng đã hoại tử sâu, việc điều trị phức tạp hơn, có khi còn phải phẫu thuật nhiều lần và để lại di chứng cho trẻ sau này” – bác sĩ Sáng cho hay.

Chủ động phòng tránh tai nạn bỏng cho trẻ

Theo các bác sĩ, có nhiều tác nhân gây bỏng. Trong đó, tác nhân gây bỏng thường gặp nhất là bỏng do nước sôi, bỏng lửa, bỏng hóa chất, bỏng điện và tổn thương bỏng rất đa dạng ở nhiều vị trí như mặt, chân, lưng, cánh cẳng tay, bàn tay… Khi bị bỏng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh nhất là trẻ em, nếu không kịp thời chữa trị sẽ để lại những di chứng nặng nề.

“Da trẻ em mỏng và liên kết giữa các lớp lỏng lẻo hơn người lớn nên nếu không may bị bỏng, vết bỏng thường nặng và sâu hơn. Đặc biệt, trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, hệ miễn dịch còn yếu nên nguy cơ nhiễm trùng vùng bỏng cũng như sốc bỏng cao hơn dù diện tích bỏng không lớn. Do đó, khi trẻ bị bỏng cần được sơ cứu sớm và đúng cách”- bác sĩ Sang chia sẻ.

Tự ý đắp thuốc nam chữa bỏng, hậu quả khôn lường
Dùng thuốc nam không đúng cách trị bỏng khiến bệnh tình càng nặng thêm.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, để tránh nhiễm trùng và những tổn thương không đáng có, các bậc phụ huynh cần phải sơ cứu bỏng đúng cách cho trẻ. Nếu trẻ bỏng do nước sôi, bỏng hơi, cháo, ngay khi trẻ bị bỏng cần ngâm bộ phận bị bỏng (tay, chân) vào trong nước sạch, mát (từ 16 đến 20 độ C), tốt nhất trong 30 phút đầu sau khi bị bỏng. Nếu trẻ bị bỏng vùng mặt thì dùng khăn ướt mềm đắp vào mặt, nếu diện bỏng rộng thì cần chú ý giữ ấm cho trẻ ở những phần không bị bỏng.

Đối với trẻ bị bỏng điện, người nhà cân nhanh chóng tách nạn nhân với nguồn điện (ngắt cầu dao, dùng gậy gỗ gạt dòng điện cao) và đưa người bệnh đến nơi thoáng mát. Gia đình cần tiến hành đánh giá hô hấp tuần hoàn, ý thức trẻ và tìm xem các chấn thương khác nếu có ngã kèm theo, để tìm cách sơ cứu cho đúng, tránh làm tổn thương cột sống cổ hoặc các chi của trẻ. Nếu trẻ ngừng tuần hoàn thì tiến hành ép tim ngoài lồng ngực đúng cách đồng thời gọi y tế hỗ trợ.

Riêng đối với trẻ bị bỏng hóa chất, cần rửa ngay vùng bị bỏng bằng nước sạch càng nhiều càng tốt. Nếu bỏng mắt do hóa chất cần được rửa mắt bằng cách ngụp mặt vào chậu nước và chớp mắt liên tục cho hoá chất trôi ra hết. Nhanh chóng tháo bỏ ngay quần áo bị dính hóa chất. Không cởi quần áo người bị bỏng rất dễ gây lột da, tốt nhất là nên cắt, xé bỏ quần áo dính hoá chất.

“Ngay sau khi sơ cứu trẻ bị bỏng dù với bất cứ tác nhân nào, gia đình cũng cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa bỏng để được khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không nghe theo lời mách bảo của những người không có chuyên môn, đắp các loại lá, loại thuốc không đúng lên vết thương gây nguy hiểm cho trẻ” – bác sĩ Sáng lưu ý.

Bên cạnh đó, để phòng tránh tai nạn bỏng hiệu quả và hạn chế những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra, cha mẹ cần lưu ý không nên cho trẻ chơi đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện. Thức ăn, thức uống nóng, các vật dễ cháy nổ như xăng, dầu, cồn, diêm quẹt… phải để nơi an toàn và tránh xa tầm tay của trẻ. Không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống, nước ngọt như như Lavie, Trà C2… nhằm tránh các nhầm lẫn đáng tiếc có thể xảy ra.

“Đặc biệt, cha mẹ và người trông trẻ nên học kỹ thuật sơ cứu để hạn chế tổn thương cho trẻ, khi không may bị các tai nạn thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày. Đối với những trẻ đã nhận thức được, cha mẹ, nhà trường, cộng đồng cần trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân, tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra”- bác sĩ Sáng khuyến cáo thêm./.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này