NGHỊ QUYẾT SỐ 18-NQ/TW: Ý ĐẢNG HỢP LÒNG DÂN

Kỳ 2: Gần dân, lắng nghe dân - "chìa khóa" để cụ thể hóa "ý Đảng, lòng dân"

16:07 | 03/07/2022
(LĐTĐ) Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Thực tế đã chứng minh, từ nghị quyết đến cuộc sống (triển khai) là một khoảng cách xa, muốn chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, lãnh đạo địa phương (nơi ban hành các quyết định về quản lý nhà nước...) phải sát dân hơn, gần dân hơn để lắng nghe những tâm tư, những nguyện vọng của nhân dân cũng như “hiến kế” của họ nhằm kịp thời điều chỉnh. Trọng thị và cầu thị là tố chất của người lãnh đạo.
Ý Đảng, lòng dân Kỳ 3: Dân vận khéo trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành trọng trách trước Đảng và Nhân dân

Kỳ 2:  Gần dân, lắng nghe dân -
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cập mỗi cán bộ, đảng viên cần gần dân và sát dân hơn. (Ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chung vui Ngày hội Đại đoàn kết cùng đồng bào xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, Đắk Lắk- TTXVN)

Dư luận từng đề cập đến câu chuyện có vị Bí thư Tỉnh ủy từng “đi xe đạp”, đi xe biển số trắng “vi hành” xem đời sống nhân dân và thực thi công vụ của công chức ra sao; một số Bí thư Tỉnh ủy được điều động về các địa phương, đích thân “vi hành” xuống tận xã, phường nhìn tận mắt “công bộc” của dân làm việc, “công bộc” của dân tiếp dân và đêm về đọc không sót bất kỳ lá đơn nào của dân gửi đến để kịp thời giải quyết cho dân, đồng thời kịp thời điều chỉnh “guồng quay” (phong cách, lề lối làm việc) của bộ máy là những điểm sáng khiến chúng ta càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và càng thêm khẳng định chân lý: Cứ gần dân, lắng nghe dân mọi việc sẽ thông.

Trở lại vấn đề đất đai, tin tưởng chắc chắn rằng, nếu những mâu thuẫn đất đai mới bắt đầu từ đốm nhỏ, khi dân kiến nghị lãnh đạo các cấp quận, huyện, đặc biệt là cấp tỉnh, thành (Bí thư, Chủ tịch) trực tiếp đến lắng nghe dân nói, trực tiếp khảo sát hiện trạng, tham khảo các ý kiến để kịp thời điều chỉnh thì không xảy ra những vụ khiếu kiện kéo dài; không xảy ra quy hoạch treo, dự án treo và từ đó cũng hạn chế tối đa tiêu cực, tham nhũng khiến nhiều cán bộ, đảng viên phải kỷ luật, khởi tố hình sự.

Từng đi nhiều nơi, gặp gỡ với nhiều người dân trong cả nước, mẫu số chung mà chúng tôi nhận được ở người dân là sự chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ở họ cũng có suy nghĩ: Không thể cứ ôm khư khư đất để chịu cái nghèo mà phải chuyển đổi mục đích sử dụng những nơi có lợi thế về công nghiệp, du lịch, dịch vụ để thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Song mấu chốt chuyển đổi đất đai thế nào để đáp ứng được một số yêu cầu: Khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai để Nhà nước - doanh nghiệp và nhân dân đều hưởng lợi; tránh cho bằng được việc chuyển đổi mục đích sử dụng để đầu cơ bằng việc mua bán qua tay kiếm lời dẫn đến đất bị bỏ hoang hoặc san lô, bán nền; thậm chí triển khai dự án không đúng với chủ trương đầu tư lúc ban đầu. Nói nôm na là tránh mang danh nhà đầu tư làm dự án để “buôn đất”. Các trọng án, vụ án đã, đang bị xử lý liên quan đến đất đai là ví dụ điển hình.

Kỳ 2:  Gần dân, lắng nghe dân -
Vai trò của người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền địa phương rất quan trọng trong vấn đề quản lý đất đai (Ảnh minh họa: Hội nghị lần lần thứ 14, BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XIX)

Qua trao đổi, nhiều người dân nói rằng, điều quan trọng họ cần một bộ phận tham mưu cho chính quyền sáng suốt trong khâu lập quy hoạch, mời gọi các nhà đầu tư. Vì tài nguyên đất đai có hạn, chính quyền phải thể hiện tầm nhìn trong quy hoạch và mời các doanh nghiệp đến đầu tư. Chính quyền phải là “ông chủ” thay vì nhà đầu tư là “ông chủ” thích bao đất dự án thì cứ xin chính quyền là không ổn, rất dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Khi có dự án, thì chính quyền tỉnh, thành phải công khai năng lực nhà đầu tư đó thế nào? Dự án cam kết trong bao lâu sẽ xong (trừ những trường hợp bất khả kháng). Nếu dự án bị “bẻ cong” thì phải chịu trách nhiệm. Còn khi tiến hành đầu tư, dù dự án lớn hay nhỏ đều phải tính đến việc tạo chỗ an cư mới cho người dân. Nghĩa là chính quyền phải quy hoạch dư địa diện tích đất cho công tác giải phóng mặt bằng. Vì thực tế, giá đất hiện đang rất đắt, trong khi đất của người dân tiến hành đền bù thì theo khung giá, người dân sẽ không thể nào lấy tiền đền bù để mua đất theo giá trị trường.

“Đất đai có hạn, nên từ tỉnh có diện tích rộng, đến tỉnh có diện tích nhỏ, khi chính quyền quyết định lấy khoảng 10 ha trở lên để chuyển đổi mục đích sử dụng (trừ các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh, dân sinh) cho doanh nghiệp đầu tư thì lãnh đạo tỉnh nếu không bí thư tỉnh, thì chủ tịch nên đến lắng nghe ý kiến dân, khảo sát thực địa để xem dự án đó hợp quy hoạch không? Với tổng thể đất tự nhiên, vị trí trí địa lý, tiềm năng và lợi thế so sánh thì lấy đất có phù hợp không, có bị manh mún không? Cơ chế đền bù và quỹ đất dành cho tái định cư thế nào? Cái gì dân chưa hiểu thì giải thích, cái gì dân kiến nghị thì tiếp thu. Trong phạm vi Thường vụ tỉnh, thành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quyết được thì điều chỉnh, cái gì vượt thẩm quyền thì đề xuất, kiến nghị Trung ương”, một số cán bộ về hưu hiến kế.

Kỳ 2:  Gần dân, lắng nghe dân -
Người dân mong muốn khi tiến hành thu hồi đất, người đứng đầu tỉnh, thành hãy đến lắng nghe ý kiến của dân (Ảnh: minh họa)

Cũng theo một số cán bộ lão thành, điều “sợ nhất” khi Nghị quyết 18 của Trung ương mới ban hành, chúng ta chưa kịp cụ thể hóa bằng sửa Luật Đất đai, một số nơi vẫn “lách luật” trong việc thu hồi đất gây ra những khiếu kiện trong dân thì rất nguy hiểm. Do đó, ngay từ bây giờ, mỗi cấp ủy Đảng (Đảng bộ tỉnh, thành, quận, huyện) phải chỉ đạo chính quyền địa phương tổng rà soát các dự án đất đai. Nếu dự án nào đã tiến hành (xây dựng) thì tiếp tục triển khai, những dự án nào đang nằm trên giấy hoặc mới đồng ý về mặt chủ trương phải tiến hành xem xét lại, chờ các văn bản hướng dẫn mới tiến hành. Mỗi cán bộ, đảng viên, cấp lãnh đạo cao nhất của địa phương, phải thường xuyên kiểm tra, thậm chí vi hành để nắm bắt tình hình.

Nghị quyết số 18 đã thể hiện đầy đủ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về chính sách đất đai. Dù đất đai thuộc “sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” không trái ngược với thực tiễn sinh động người dân đã, đang và sẽ ngày càng sử dụng đất đai phục vụ cho nhu cầu cầu canh tác, sản xuất...

Đặc biệt với Nghị quyết số 18, Đảng ta chủ trương mở rộng hạn điền sử dụng đai, xóa bỏ cơ chế hai giá, lấy lợi ích của người dân làm trung tâm là bước tiến quan trọng thể hiện tầm nhìn của Đảng ta về quản lý đất đai và cũng là thể hiện quan điểm xuyên suốt "người dân là trung tâm", là chủ thể thụ hưởng, không cần cái gọi là "tư hữu hóa đất đai". Nghị quyết về đất đai của Đảng được ban hành, Đảng đã lắng nghe dân để kịp thời điều chỉnh chính sách đất đai, dân càng tin Đảng, “Ý Đảng đã hợp lòng dân” mấu chốt còn lại chỉ phụ thuộc vào các cấp từ bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các cấp ủy Đảng (Đảng bộ) đứng đầu là các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư áp dụng, triển khai Nghị quyết 18 thế nào mà thôi...

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này