Nhận "bảo kê" cho "trùm" buôn lậu xăng dầu, cựu Tư lệnh Cảnh sát Biển bị đề nghị mức án đến 17 năm tù

18:07 | 14/07/2022
(LĐTĐ) Sáng ngày 14/7, đại diện Viện Kiểm sát Quận sự đã tiến hành luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng RON 95-III.
Xét xử 2 Cựu tư Lệnh Cảnh sát Biển vì "bảo kê" buôn lậu Cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển được ông "trùm" buôn lậu xăng dầu biếu tiền tỷ để chơi golf

Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Tòa tuyên phạt các bị cáo: Phùng Danh Thoại (cựu Đại tá, Trưởng phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) từ 7 - 9 năm tù về tội "Buôn lậu"; Nguyễn Thế Anh (cựu Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) tù chung thân về tội "Nhận hối lộ", từ 1 - 2 năm tù về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép". Tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Thế Anh là tù chung thân.

Nhóm 11 bị cáo còn lại đều bị xét xử về tội "Nhận hối lộ" gồm: Nguyễn Văn An (trú tại phường Hòa Thanh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) bị Viện Kiểm sát đề nghị từ 17 - 18 năm tù; Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) từ 15 - 17 năm tù.

Nhận
Các bị cáo tại phiên xử.

Nguyễn Văn Hùng (cựu Thượng tá, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh) 17 năm tù; Lê Xuân Thanh (cựu Thiếu tướng; Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) 15 năm tù; Phan Thị Xuân (vợ bị cáo Lê Xuân Thanh) từ 2 - 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Nguyễn Thanh Lâm (cựu Trung tá, Hải đội trưởng Hải độ 2 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng) từ 10 - 12 năm tù; Phạm Văn Trên (cựu Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh) từ 9 - 11 năm tù; Sơn Hoàng Ngự (cựu Thượng úy, nhân viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh) 4-5 năm tù.

Lưu Thế Đức (cựu Thiếu tá, Phó Đoàn trưởng Đoàn Trinh sát số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) 4 - 5 năm tù, Lê Văn Phương (cựu Thượng tá, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Trà Vinh) 3 - 4 năm tù, Phạm Hồ Hải (Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Cần thơ tại Duyên Hải, Trà Vinh) từ 7 - 8 năm tù.

Riêng bị cáo Cao Phước Hoài (trú tại phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) bị đề nghị từ 6 - 7 năm tù về tội "Không tố giác tội phạm".

Bản luận tội của Viện Kiểm sát nêu, từ tháng 9/2019, Phan Thanh Hữu cấu kết với một số đối tượng vận chuyển xăng lậu sang Campuchia bán kiếm lời đã nhờ Nguyễn Thế Anh giúp đỡ. Sau đó, được cựu phó chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đồng ý giúp.

Theo thỏa thuận, mỗi tháng Hữu chi cho Thế Anh số tiền 30.000 USD và 100 triệu đồng. Tổng số tiền từ tháng 10/2019 - tháng 2/2020, Hữu đã chi cho Nguyễn Thế Anh tổng cộng 150.000 USD và 500 triệu đồng.

Đến đầu năm 2020, Hữu và đồng phạm có ý định vận chuyển xăng nhập lậu vào tiêu thụ trong nội địa nên Hữu hẹn gặp Nguyễn Thế Anh tại khách sạn REX (trước đây có tên là khách sạn Bến Thành), ở đường Nguyễn Huệ, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Tại cuộc gặp, Nguyễn Thế Anh yêu cầu Hữu phải chi cho cấp trên và một số lực lượng khác với tổng số tiền hằng tháng 60.000 USD và 950 triệu đồng.

Phan Thanh Hữu chấp nhận chi hối lộ cho Nguyễn Thế Anh từ tháng 3/2020 - 8/2020, tổng cộng 360.000 USD và 5,7 tỷ đồng. Từ tháng 9/2020 - tháng 1/2021, khi chuyển về làm chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang mỗi tháng Hữu chi cho Nguyễn Thế Anh 10.000 USD.

Trong thời gian từ tháng 10/2019 - tháng 1/2021, Nguyễn Thế Anh đã nhận số tiền là 560.000 USD và 6,2 tỷ đồng của Phan Thanh Hữu, nhiều lần thông qua em họ là Nguyễn Văn An. Ngoài ra lợi dụng quan hệ cá nhân Thế Anh còn tổ chức cho Nguyễn Văn An trốn ra nước ngoài.

Bị cáo Nguyễn Văn An tại tòa thay đổi lời khai, loanh quanh chối tội, tuy nhiên những lời khai đó của bị cáo không có cơ sở chấp nhận. Hoạt động điều tra đối với bị cáo hoàn toàn khách quan, đúng pháp luật, đủ căn cứ kết luận bị cáo An nhận hối lộ như truy tố.

Đối với hành vi nhận hối lộ của bị cáo Lê Văn Minh, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, quá trình điều tra bị cáo nhận có quen biết và đã nhận tiền hối lộ của “trùm” buôn lậu xăng Phan Thanh Hữu. Bị cáo Minh đã khắc phục hậu quả.

Việc thay đổi lời khai của Hữu cho rằng, tiền bị cáo Minh nhận từ Hữu là được tặng, cho để công đức... dù với bất kỳ hình thức nào cũng không được chấp nhận.

Nhận
Bị cáo Nguyễn Thế Anh.

Viện Kiểm sát cũng nêu rõ, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hầu hết các bị cáo trong vụ án đều có chức vụ cao trong lực lượng quân đội và công an, được giao chức năng, nhiệm vụ đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm nói chung và chống buôn lậu nói riêng.

Nhưng vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, các bị cáo này đã nhận tiền hối lộ của Hữu để giúp đỡ, bao che và "bảo kê" cho hoạt động vi phạm pháp luật, giúp nhiều tàu của Hữu buôn lậu xăng trót lọt, không bị phát hiện, bắt giữ và xử lý.

Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự quản lý hành chính, sự đúng đắn trong hoạt động phòng, chống buôn lậu của cơ quan Nhà nước, gây mất trật tự, an toàn xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Quân đội và lực lượng thi hành công vụ.

Đồng thời, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, nội dung cáo trạng của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương truy tố các bị cáo là đúng người đúng tội, đúng pháp luật.

Các bị cáo là cựu sĩ quan quân đội trước khi phạm tội đều có nhân thân tốt, nhưng vì cám dỗ, vụ lợi, đã tiếp tay hoặc làm ngơ cho các đối tượng buôn lậu xăng hoạt động, cần phải xử lý nghiêm minh để giáo dục các bị cáo và răn đe cho người khác.

Mộc Thanh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này