Nghe dân “hiến kế” quản lý đất

11:42 | 14/07/2022
(LĐTĐ) Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Hy vọng từ Nghị quyết quan trọng này, Quốc hội sẽ sớm thông qua việc sửa đổi Luật Đất đai vừa để khơi thông nguồn lực, vừa để không xảy ra những vấn đề liên quan đến tham nhũng, tiêu cực dẫn đến khiếu kiện liên quan đến đất đai như thời gian qua.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý đất đai Hà Nội: Không để xảy ra tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất
Nghe dân “hiến kế” quản lý đất
Ảnh minh họa.

Có gần dân, sát dân thì mới nghe được những câu chuyện dân nói, mới kịp thời điều chỉnh những quyết định mang tính hành chính đối với những nhà quản lý. Mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của chúng ta là “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Cán bộ càng sát dân, công tác quản lý Nhà nước và hoạch định chính sách càng chuẩn. Cán bộ càng xa dân thì ngược lại. Tôi cũng là công dân, vừa qua có dịp về quê, nghe người dân tâm tư mới thấu hai từ “trải lòng”.

Sau bao ngày gió Nam Lào thổi bỏng rát, khô héo cả cỏ cây, hôm về quê trời chuyển mát. Ngồi trên bờ ngắm hoàng hôn dần buông trên mặt biển thôn Phú Đông, phường Hải Lĩnh lộng gió, một số bác, cả hưu trí, cả nông dân, chỉ tay về phía bãi đất hoang sát bờ biển nói: “Anh đi thoát ly lâu, có nhớ bãi đất đó trước đây là gì không?”. “Dạ thưa đó là rừng phi lao chắn sóng, tránh gió cho dân làng, chúng cháu còn chăn bò, săn chim trong rừng phi lao đấy”, tôi trả lời. Một bác thở dài: “Vậy mà nay nó thành bãi đất hoang. Năm 2017, tỉnh giao cho một doanh nghiệp làm khu du lịch sinh thái, với kỳ vọng đây sẽ là khu dịch sinh thái góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương và tạo công ăn việc làm cho người dân.

Lúc đầu bà con cũng mừng lắm. Nhưng bẵng đi mấy năm dù 3 lần thay tên vẫn chẳng thấy triển khai. Không triển khai thì phải thu hồi, thế mà “đến lạ”, tháng 4 vừa qua, đọc báo, rồi được nghe chính quyền nói tỉnh Thanh Hóa vẫn cho mở rộng quy mô dự án lẫn nguồn vốn.

Rồi một bác nói tiếp, các anh đừng nghĩ dân chúng tôi ở quê không biết gì. Chúng ta đã là dân Việt Nam, đa phần xuất thân từ nông dân, càng thấm thía cụm từ “đất với dân như máu với thịt”. Tuy nhiên, chúng ta không thể cứ ôm khư khư đất để chịu cái nghèo mà phải chuyển đổi mục đích sử dụng những nơi có lợi thế về công nghiệp, du lịch, dịch vụ để thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Song mấu chốt chuyển đổi đất đai thế nào để đáp ứng được một số yêu cầu: Khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai để Nhà nước- doanh nghiệp và nhân dân đều hưởng lợi; tránh cho bằng được việc chuyển đổi mục đích sử dụng để đầu cơ bằng việc mua bán qua tay kiếm lời dẫn đến đất bị bỏ hoang hoặc san lô, bán nền; thậm chí triển khai dự án không đúng với chủ trương đầu tư lúc ban đầu. Nói nôm na là tránh mang danh nhà đầu tư làm dự án để “buôn đất”. Các trọng án, vụ án đã, đang bị xử lý liên quan đến đất đai là ví dụ điển hình.

Vậy dân chúng tôi cần gì? Cần một bộ phận tham mưu cho chính quyền sáng suốt trong khâu lập quy hoạch, mời gọi các nhà đầu tư. Vì tài nguyên đất đai có hạn, chính quyền phải thể hiện tầm nhìn trong quy hoạch và mời các doanh nghiệp đến đầu tư. Chính quyền phải là “ông chủ” thay vì nhà đầu tư là “ông chủ” thích bao đất dự án thì cứ xin chính quyền là không ổn, rất dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Khi có dự án, thì chính quyền tỉnh, thành phải công khai năng lực nhà đầu tư đó thế nào? Dự án cam kết trong bao lâu sẽ xong (trừ những trường hợp bất khả kháng).

Nếu dự án bị “bẻ cong” thì phải chịu trách nhiệm. Còn khi tiến hành đầu tư, dù dự án lớn hay nhỏ đều phải tính đến việc tạo chỗ an cư mới cho người dân. Nghĩa là chính quyền phải quy hoạch dư địa diện tích đất cho công tác giải phóng mặt bằng. Vì thực tế, giá đất hiện đang rất đắt, trong khi đất của người dân tiến hành đền bù thì theo khung giá, người dân sẽ không thể nào lấy tiền đền bù để mua đất theo giá trị trường.

Cuối cùng là người dân, chúng tôi luôn có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng; chúng tôi luôn thượng tôn pháp luật, luôn muốn đất nước phát triển, đời sống bà con địa phương khá giả, nhưng qua những câu chuyện từ các vụ án tham nhũng, sai phạm trong công tác quản lý liên quan đến đất đai cũng như nhìn mảnh đất đang nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt” kia, chúng tôi chỉ mong, lãnh đạo tỉnh xuống hiện trường, nhìn tận mắt, tiếp xúc với nhân dân để kịp thời điều chỉnh về mặt hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước. “Khi cán bộ tỉnh, thành sát dân, gần dân, nhất là vi hành càng tốt, tin tưởng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn”, bác cho hay.

Nghe các bác nói càng thấm thía, những tâm sự cũng giống như hiến kế về công tác quản lý đất đai của các bác đáng để nghĩ suy nhất là trong bối cảnh chúng ta đang triển khai Nghị quyết 18.

T.Giang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này