Phủ kín bảo hiểm vì mục tiêu an sinh

08:49 | 14/07/2022
(LĐTĐ) Để đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội và nỗ lực hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội (BHXH) toàn dân, từ nay đến cuối năm, BHXH Thành phố và các quận, huyện sẽ chú trọng phát triển nhóm người có tiềm năng tham BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình; với chỉ tiêu dự kiến đạt phát triển tối thiểu 50 người tham gia/huyện.
6 tháng, gần 6,3 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe Hà Nội: Ra quân vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế - vì sức khỏe, hạnh phúc mọi gia đình Yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc tham gia BHXH, BHYT cho tất cả người lao động

Nhiều lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT

BHXH thành phố Hà Nội cho biết: Tính đến nay, toàn Thành phố có hơn 7,4 triệu người tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ bao phủ BHYT là 91,8% và hơn 63 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện.

Với mục tiêu "Bảo hiểm y tế - vì sức khỏe, hạnh phúc mọi gia đình", từ nay đến cuối năm, BHXH Thành phố và BHXH các quận, huyện sẽ tập trung truyền thông, vận động trực tiếp tới người nông dân và người lao động khu vực phi chính thức về quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, những rủi ro khi không tham gia BHXH, BHYT. Từ đó, thay đổi nhận thức, hành động và thói quen của người dân, chủ động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để đảm bảo an sinh, ổn định cuộc sống.

Phủ kín bảo hiểm vì mục tiêu an sinh
Cán bộ BHXH thành phố Hà Nội tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT tự nguyện vì sức khỏe của bản thân.

Trong đó, BHXH Thành phố và BHXH các quận, huyện sẽ chú trọng phát triển nhóm người có tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để truyền thông chính sách BHXH, BHYT phù hợp, trong đó chú trọng hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ trang trại; thợ thủ công, lao động trong các hợp tác xã, làng nghề truyền thống; người làm nghề tự do có thu nhập như buôn bán, kinh doanh cá thể, tiểu thương, chủ nhà trọ; người lao động dừng tham gia BHXH bắt buộc đang bảo lưu thời gian…

Chia sẻ tại Lễ ra quân hưởng ứng Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 1/7 diễn ra mới đây, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết: Nếu người dân không có thẻ BHYT thực sự là nỗi lo không những của bản thân, gia đình họ, mà còn là nỗi lo của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, tất cả các loại bệnh từ bệnh thông thường đến các bệnh hiểm nghèo đều được Quỹ BHYT chi trả, bù đắp.

Do đó, những người không có điều kiện tham gia BHYT bắt buộc, có thể tham gia BHYT hộ gia đình với những hỗ trợ của Nhà nước như: Được giảm trừ mức đóng, mức đóng giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi; được lựa chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế thuận lợi với nơi ở, học tập, làm việc; được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh từ 80-100%...

Bên cạnh đó, chính sách BHXH tự nguyện cũng là chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước, người dân tham gia BHXH tự nguyện, khi về già có lương hưu, có thẻ BHYT để hưởng quyền lợi khám chữa bệnh…

Hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH tự nguyện

Với mục tiêu không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô, tại kỳ họp thứ bảy, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (diễn ra từ 5-8/7/2022), đã thông qua Nghị quyết quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân Thành phố, trong đó có mức hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, đối tượng áp dụng gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng trước ngày 1/1/2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng từ ngày 1/1/2018 trở đi; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người lao động giúp việc gia đình; người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương; xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; người nông dân, người lao động tự tạo việc làm, bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình; người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH (trừ trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm); người tham gia khác (đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được xác định theo quy định tại Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 5/9/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố quy định chuẩn nghèo đa chiều của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025).

Cụ thể, người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định. Cụ thể: Hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo; hỗ trợ thêm 25% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHXH tự nguyện đối với các đối tượng khác (mức hỗ trợ này ngoài mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện được quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ).

Với đối tượng và mức hỗ trợ trên, trong thời gian thực hiện từ ngày 1/8/2022 đến hết ngày 31/12/2025, thành phố Hà Nội dự kiến kinh phí hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện giai đoạn 2022-2025 là khoảng 181,966 tỷ đồng.

Tiếp tục xem xét, hoàn thiện chính sách

Nhấn mạnh BHYT là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc; BHYT do Nhà nước tổ chức thực hiện không vì mục đích lợi nhuận, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn...

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết: Để tạo điều kiện cho người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục phát triển người tham gia BHYT, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT để ban hành, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, khắc phục bất cập trong tổ chức thực hiện nhằm phát triển người tham gia BHYT.

Đáng chú ý là việc đề nghị xem xét bổ sung người tham gia BHYT bắt buộc đối với nhóm người lao động và người sử dụng lao động là người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; chủ hộ kinh doanh cá thể; người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt đồng bộ với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Quy định việc tham gia BHYT đối với nhóm người lao động đang tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương; nhóm đối tượng người tham gia kháng chiến, nghệ nhân, nghèo đa chiều, dân quân tự vệ thường trực; người sinh sống ở xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh...; trẻ em dưới 6 tuổi có bố hoặc mẹ mang quốc tịch Việt Nam sinh ra ở nước ngoài sau đó được đưa về Việt Nam sinh sống lâu dài hoặc sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam; người nước ngoài sinh sống, làm việc, học tập… trên lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng từ ngân sách Nhà nước cho một số người tham gia như học sinh, sinh viên, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50% mức đóng BHYT./.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này