Nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

08:51 | 14/07/2022
(LĐTĐ) Nhờ các kết quả đạt được trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam trở thành một trong hai nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được Tổ chức S&P nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+, triển vọng “ổn định”. Tuy nhiên, để đưa ngành tài chính tránh những “cú sốc” cuối năm, cần có giải pháp kịp thời.
Bức tranh tài chính Quốc gia qua những con số Đổi mới và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại

Tích cực với hạng triển vọng “ổn định”

Điểm lại tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, có thể thấy nhiều chuyển biến tích cực sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Cụ thể, số doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục, vượt 76,2 nghìn doanh nghiệp so với cùng kỳ; GDP quý II tăng 7,72% - mức tăng cao nhất kể từ 10 năm trở lại đây; lãi suất, tỷ giá cơ bản ổn định.

Nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, giá cả nhất là các mặt hàng quan trọng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn giá. Ảnh minh họa: Bảo Thoa

Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; xuất khẩu tăng 17,3%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 371 tỷ USD; an ninh, quốc phòng được giữ vững; các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm lo, bảo vệ sức khỏe người dân được quan tâm thực hiện tốt.

Liên quan đến tình hình thu chi ngân sách nhà nước, theo kết quả báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, lũy kế 6 tháng thu ngân sách Nhà nước đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán, tăng 19,9% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa đạt 747,9 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 63,6% dự toán, tăng 16,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 đạt 56,7% dự toán, tăng 14,8%). Thu từ dầu thô đạt 35,4 nghìn tỷ đồng, vượt 25,6% dự toán, tăng đột biến 87,2% so với cùng kỳ.

Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 157,9 nghìn tỷ đồng, bằng 79,4% dự toán, tăng mạnh mẽ 28,3% so cùng kỳ, trên cơ sở tổng số thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 225,6 nghìn tỷ đồng, bằng 64,1% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 67,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán.

Ngành tài chính cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành gần 7 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và nguồn còn lại của ngân sách Trung ương năm 2021 để đảm bảo nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; chủ động đề xuất thực hiện giải pháp tiết kiệm chi thường xuyên (cắt giảm các khoản chưa phân bổ sau 30/6/2022). Trên cơ sở đó Chính phủ ban hành các giải pháp tại Nghị quyết số 77 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022.

Nhờ các kết quả đạt được trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam được Tổ chức S&P nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”. Để đạt được những kết quả nêu trên có sự đóng góp không nhỏ của ngành Tài chính và các bộ, ngành, địa phương.

Cùng với đó, ngành Tài chính đã kịp thời có giải pháp chấn chỉnh, tăng cường quản lý nhà nước để ổn định, phát triển đồng bộ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, ban hành các chính sách giảm thuế, phí để góp phần kìm hãm đà tăng và bình ổn giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, kiểm soát lạm phát. Bộ Tài chính cũng chủ động phối hợp với các bộ, ngành khác xử lý những vấn đề còn tồn đọng, khai thông các điểm nghẽn của nền kinh tế.

7 giải pháp tránh “cú sốc” những tháng cuối năm

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành Tài chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, những tháng còn lại của năm 2022 còn nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng lớn tới việc hoàn thành các mục tiêu phấn đấu của cả năm. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương phải theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó với các tình huống khẩn cấp, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu lớn của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Theo đó, để hoàn thành mục tiêu của cả năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải tập trung vào 7 giải pháp chủ yếu.

Một là, tiếp tục nghiên cứu các chính sách tài khóa về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để kịp thời tham mưu, tăng cường phân tích dự báo, rà soát, cập nhật các kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo điều hành trên các lĩnh vực được giao. Kịp thời đề xuất các giải pháp để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Hai là, tập trung rà soát những điểm chồng chéo ảnh hưởng đến hoạt động sản xuát, kinh doanh; huy động và khơi thông nguồn lực đưa đất nước phát triển bền vững. Tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, nhất là các lĩnh vực về thuế, hải quan. Đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển mô hình kinh tế số, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công, xử lý hồ sơ nghiệp vụ, thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Định kỳ đối thoại với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người nộp thuế.

Ba là, Bộ Tài chính cần phối hợp với các bộ ngành, địa phương để làm tốt công tác thu ngân sách. Rà soát, nắm chắc các nguồn thu, tiếp tục mở rộng cơ sở thuế, chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu; tăng cường chống thất thu, chống chuyển giá, xử lý và thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn,… Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý thuế, cắt giảm hơn nữa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính thuế; chủ động đề xuất ban hành, thí điểm các thể chế chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới.

Bốn là, trong phạm vi dự toán được giao, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, linh hoạt, kịp thời, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhất là thể chế, thủ tục hành chính. Rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, cắt giảm tối đa các khoản chi thực sự không cần thiết theo đúng quy định; triển khai thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong các cơ quan Nhà nước; ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng cấp bách, nhất là phòng, chống Covid-19, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, phòng, chống khắc phục bão lũ, thiên tai.

Năm là, tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, giá cả nhất là các mặt hàng quan trọng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn giá. Tăng cường công tác kiểm tra pháp luật về giá để phát hiện xử lý những trường hợp sai phạm. Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá cần quán triệt tinh thần quyết tâm thực hiện điều hành giá đúng mục tiêu từ đầu năm đề ra.

Sáu là, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, bảo đảm dự toán thu và giảm áp lực chi ngân sách nhà nước.

Bảy là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại của Ban chỉ đạo 389 quốc gia để chống buôn lậu, gian lận thương mại; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán.

“Từ nay đến cuối năm cần tập trung đánh giá có giải pháp ứng xử phù hợp để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, không tạo ra “cú sốc” cho nền kinh tế, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, đảm bảo việc làm, đảm bảo thu nhập và ổn định đời sống của người dân”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý. /.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này