Đề xuất bỏ quy định loại trừ giao dịch điện tử với thủ tục cấp sổ đỏ, đăng ký kết hôn, khai sinh

17:11 | 08/07/2022
(LĐTĐ) Trong Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, phạm vi điều chỉnh đã được mở rộng, cụ thể: “Luật này quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.”
Triển khai đăng ký giao dịch điện tử cho cá nhân chưa có chứng minh thư, căn cước công dân Nghiêm cấm các hoạt động giao dịch điện tử nhằm lừa đảo người khác

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu vừa chủ trì phiên thẩm định dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 hiện hành loại trừ, không áp dụng giao dịch điện tử đối với “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác”.

Việc loại trừ này có thể gây khó khăn cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cũng như triển khai ứng dụng giao dịch điện tử trong các lĩnh vực thuộc phạm vi kể trên.

Do đó, trong Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, phạm vi điều chỉnh đã được mở rộng, cụ thể: “Luật này quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.” Như vậy, với quy định này, dự thảo Luật sửa đổi đã bỏ nội dung loại trừ nêu trên nhằm mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội.

Đề xuất bỏ quy định loại trừ giao dịch điện tử với thủ tục cấp sổ đỏ, đăng ký kết hôn, khai sinh
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì phiên họp thẩm định.

Quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử sẽ không phát sinh chi phí trực tiếp tới các hoạt động triển khai quản lý điều hành hiện tại. Tuy nhiên các cơ quan quản lý nhà nước sẽ cần bổ sung kinh phí, thời gian để xây dựng, nâng cấp các hệ thống hiện tại để đáp ứng yêu cầu thực hiện giao dịch điện tử, đặc biệt với các lĩnh vực nằm trong nhóm được loại trừ trước đây.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước đã được giao nhiệm vụ tại Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang tiến hành triển khai xây dựng chính phủ điện tử, hoàn thiện mục tiêu đến năm 2025 đạt 80% dịch vụ công trực tuyến ở mức 3, 4. Vì vậy, chi phí phát sinh nêu trên đã được dự kiến trong kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ điện tử của các Bộ, ngành, địa phương.

Giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính

Cũng theo cơ quan soạn thảo, việc tăng cường thực hiện các giao dịch điện tử trong mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội sẽ tiết giảm các chi phí về giấy tờ, in ấn, thời gian đi lại, công chứng, chứng thực… cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đặc biệt là với các vấn đề liên quan nhiều bộ, ban, ngành. Bên cạnh đó, việc triển khai giao dịch điện tử đối với tất cả các lĩnh vực trong đời sống, xã hội sẽ góp phần tiết kiệm các chi phí trực tiếp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Đối với giao dịch trên môi trường mạng, thì giá trị pháp lý là vấn đề đặc biệt quan trọng, dự thảo Luật sửa đổi cũng cụ thể hóa chính sách về bảo đảm giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu. Nội dung này gồm các quy định về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, gửi, nhận thông điệp dữ liệu, bổ sung quy định chuyển đổi tài liệu điện tử sang tài liệu giấy, quy định về phương thức chuyển đổi, tổ chức xác nhận, điều kiện đáp ứng của tài liệu giấy được chuyển đổi từ tài liệu điện tử, giá trị pháp lý của tài liệu giấy được chuyển đổi từ tài liệu điện tử.

Qua rà soát, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy, các quy định nêu trên cơ bản bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản hiện hành có liên quan. Các quy định này là bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Kinh doanh chứng khoán, Luật Thương mại điện tử,….

Đồng thời, đồng bộ với nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại được thiết lập giữa các bên, nguyên tắc áp dụng tập quán trong hoạt động thương mại, nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại, ngân hàng, tài chính và các lĩnh vực dân sự, hành chính.

Sau khi nghe các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá, cho ý kiến về các nội dung của dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá cao dự thảo Luật Giao dịch điện tử lần 3, nội dung cơ bản phù hợp, đảm bảo tính cần thiết, hợp hiến, hợp pháp, phù hợp đường lối, chính sách của Đảng.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn đối với một số chính sách, xác định rõ hơn nữa về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, cân nhắc các quy định mang tính loại trừ để bảo đảm tính khả thi. Đồng thời, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp, rà soát kỹ các quy định của các Luật khác để tránh quy định lại hoặc bị trùng lắp...

H.L

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này