Làm rõ thêm một số đề xuất trong Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

12:57 | 08/07/2022
(LĐTĐ) Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, vừa góp ý vào Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), do Ngân hàng Nhà nước chủ trì soạn thảo.
Quyết tâm ngăn chặn việc lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền Đề xuất bổ sung dịch vụ liên quan đến tài sản ảo phải báo cáo để phòng, chống rửa tiền

Theo VCCI, Dự thảo Luật quy định các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ ủy thác được coi là đối tượng kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan. Tuy nhiên, ủy thác dường như chưa được định nghĩa cụ thể trong pháp luật Việt Nam. Bộ luật Dân sự không có quy định về vấn đề này, Luật Thương mại cũng chỉ quy định về vấn đề ủy thác mua bán hàng hoá giữa hai thương nhân, các văn bản pháp luật chuyên ngành cũng rất ít đề cập đến thuật ngữ này khi quy định về các loại hình dịch vụ.

“Việc này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc xác định mình có thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự thảo hay không để thực hiện các nghĩa vụ cho phù hợp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định làm rõ hoặc đưa ra giới hạn các loại hình dịch vụ được xếp vào nhóm dịch vụ ủy thác”, VCCI đề nghị.

Dự thảo Luật sửa đổi đã bổ sung một số dịch vụ mới vào danh mục các tổ chức tài chính, trong đó có: Dịch vụ cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ; dịch vụ cung cấp tài sản ảo. Theo đó, các tổ chức được cấp phép thực hiện các hoạt động này sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự thảo. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định các ngành nghề này thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện (nên không cần cấp phép hoạt động).

Làm rõ thêm một số đề xuất trong Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
Ảnh minh họa. (ảnh: VGP)

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo Dự thảo Nghị định để cho phép dịch vụ cho vay ngang hàng được cấp phép thử nghiệm (sandbox). Theo đó, chỉ có một số (rất ít) các doanh nghiệp sẽ được cấp phép để tham gia vào cơ chế thử nghiệm. Các doanh nghiệp khác vẫn tiếp tục được hoạt động mà không cần tham gia cơ chế thử nghiệm này.

VCCI cho rằng, quy định như Dự thảo có thể dẫn đến tình trạng không công bằng giữa các doanh nghiệp tham gia thử nghiệm và không tham gia thử nghiệm. Do vậy, cần bổ sung quy định không áp dụng với các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động theo diện cơ chế thử nghiệm. Sau quá trình thử nghiệm, khung pháp lý chính thức được ban hành thì các doanh nghiệp được cấp phép theo khung pháp lý đó sẽ thực hiện nghĩa vụ tại Dự thảo.

Dự thảo Luật cũng quy định khách hàng cá nhân là người Việt Nam cần thu thập các thông tin nhận biết khách hàng, trong đó có số điện thoại liên lạc. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là chưa phù hợp với một số khách hàng, đặc biệt là đối tượng khách hàng là người cao tuổi hoặc người có thu nhập thấp, từ đó gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng cho phép không thu thập thông tin này.

Điều 12 Dự thảo quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp phải sử dụng các tài liệu, dữ liệu để xác minh thông tin nhận biết khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp mới chỉ được kết nối vào một số cơ sở dữ liệu này một cách thủ công, mà chưa được kết nối vào hệ thống này để tiến hành khai thác và đối chiếu thông tin tự động bằng công nghệ.

Việc này làm phát sinh thêm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc tự động hoá và ứng dụng công nghệ vào quy trình xác minh của doanh nghiệp.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kết nối giữa các cơ sở dữ liệu có thể được chia sẻ do đơn vị mình quản lý với hệ thống của các đối tượng báo cáo nhằm phục vụ mục đích xác minh thông tin nhận biết khách hàng.

H.L

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này