Nhìn lại 1 năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị: Tổ chức bộ máy địa phương gọn hơn

09:14 | 07/07/2022
(LĐTĐ) Qua một năm thực hiện, đến thời điểm hiện nay, qua báo cáo đánh giá hoạt động của các đơn vị, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội tại thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả bước đầu, xác định được các vướng mắc hạn chế trong quá trình triển khai để qua đó đề xuất, kiến nghị tới Trung ương nhằm hoàn thiện hơn nữa mô hình chính quyền đô thị.
Bổ sung 2.625 biên chế tại các phường theo mô hình thí điểm chính quyền đô thị Bước cải cách hành chính lớn mang lại hiệu quả Đề xuất nhiều chính sách phân cấp, phân quyền cho Thủ đô Hà Nội

Tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô

Bộ Tư pháp vừa tổ chức Hội thảo một số giải pháp tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô Hà Nội trong điều kiện đổi mới mô hình chính quyền đô thị và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô.

Nhìn lại 1 năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị: Tổ chức bộ máy địa phương gọn hơn
Người dân làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa quận Ba Đình. Ảnh: HL

Báo cáo nghiên cứu của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đề xuất mô hình tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) ở quận, huyện, thị xã, phường.

Đồng thời, phân cấp cho chính quyền Thủ đô được quyết định các vấn đề: Điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố; thành lập một số cơ quan chuyên môn đặc thù cấp Thành phố và cấp huyện; tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách HĐND Thành phố, đảm bảo mỗi quận, huyện, thị xã sẽ có ít nhất một đại biểu chuyên trách.

Chính quyền Thủ đô cũng được ban hành các biện pháp hành chính hoặc biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính đối với 3 lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy; Thường trực HĐND Thành phố được quyết định một số vấn đề (phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đầu tư công, những vấn đề cấp bách khác…) giữa hai kỳ họp…

Về thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô, báo cáo nghiên cứu đề xuất Hà Nội được quy định việc tuyển dụng thẳng những người có tài năng, năng lực, trình độ cao về giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, khoa học công nghệ vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Thủ đô. Đồng thời, được quy định việc ký hợp đồng và quyết định mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thỏa thuận đối với một số vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị của Thủ đô cần có sự đảm nhiệm của người có năng lực, kinh nghiệm và trình độ cao…

Tinh gọn, nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn cho biết, thành phố Hà Nội xác định việc triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp chính quyền. Thành ủy, HĐND và UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các kế hoạch cụ thể, phân công các nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, các đơn vị có liên quan, trong đó tập trung công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tại các phường; xây dựng, ban hành quy chế làm việc mẫu của Đảng ủy, UBND phường phù hợp với mô hình mới; ban hành bổ sung các văn bản quy định, hướng dẫn các nội dung mới liên quan mô hình chính quyền đô thị.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ - Đinh Dũng Sỹ đề xuất, nếu chúng ta còn muốn tổ chức cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương với hai cấp thì cần bỏ cấp trung gian là HĐND cấp quận, huyện và cần giữ lại HĐND cấp xã, phường. Vì cấp xã, phường là cấp cơ sở, là nơi gần dân nhất, sát dân nhất, cần phải giữ, còn HĐND cấp Thành phố thì ở xa cấp xã, phường. Mặt khác, cấp huyện chỉ là cấp trung gian, HĐND thành phố dễ gần và dễ giám sát hơn.

Qua một năm thực hiện, đến thời điểm hiện nay, qua báo cáo đánh giá hoạt động của các đơn vị cho thấy tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn, nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc không tổ chức HĐND phường, UBND phường là chính quyền địa phương ở phường, là cơ quan hành chính thuộc UBND quận, đã theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18 Hội nghị BCHTW 6 khóa XII của Đảng.

Tổ chức bộ máy chính quyền trong khu vực các quận đã gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn; cơ quan hành chính phường đã tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân. Công tác quản lý Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của quận, thị xã và các phường đều đảm bảo đạt kết quả theo Kế hoạch đã đặt ra, đáp ứng các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất.

Phương thức hoạt động của UBND thay đổi theo hướng tích cực, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng lên. Việc thay đổi phương thức hoạt động từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng đã tạo điều kiện cho Chủ tịch phường chủ động hơn trong điều hành, giải quyết công việc của phường nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn...

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Chí Đoàn cũng cho hay, với quy mô dân số trung bình của những phường thuộc các quận lớn, với hơn 22.300 người (theo tiêu chuẩn là 15.000 người), khối lượng công việc tại các phường là rất lớn, gây áp lực trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với công chức phường. Số lượng biên chế công chức làm việc bình quân tại các phường là 15 người/phường, về cơ bản bằng mức bình quân công chức cấp xã, chưa có cơ chế chính sách đặc thù đối với các phường có quy mô dân số lớn.

Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận tăng trong khi số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND quận, thị xã còn ít, nên việc tổ chức các hoạt động giám sát mới được duy trì ở mức độ như trước khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, chưa có sự thay đổi tích cực rõ nét, chủ động thực sự về số lượng và chất lượng khi không tổ chức HĐND ở phường.

Thực hiện theo cơ chế quản lý mới, phường là một đơn vị dự toán, phụ thuộc vào dự toán của cơ quan cấp trên nên một số nhiệm vụ phát sinh, đột xuất không có trong dự toán gặp khó khăn trong việc triển khai, thực hiện. Việc bố trí kinh phí chi lương, phụ cấp, các khoản theo lương và chi hoạt động của Đảng ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nằm trong kinh phí dự toán của UBND phường chưa thật sự thuận lợi, chưa đảm bảo tính chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và hoạt động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội tại phường...

Thành phố phải được ban hành mức chi để thu hút nhân tài

Nói về chính sách thu hút nhân tài cho Hà Nội, TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và công vụ, Văn phòng Chính phủ cho rằng, thành phố Hà Nội có thể được trao một số thẩm quyền. Cụ thể như quy định việc ký hợp đồng với người có kiến thức, trình độ, năng lực, kinh nghiệm đã và đang làm việc ở khu vực tư nhân hoặc ở các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý một số tổ chức, cơ quan, đơn vị của Thủ đô.

Thành phố tuyển dụng thẳng, không qua thi đối với người có tài năng, năng lực, trình độ cao về giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, khoa học công nghệ vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Thủ đô; quy định việc ký hợp đồng và quyết định mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thỏa thuận đối với một số vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị của Thủ đô; quyết định việc chi thu nhập tăng thêm từ ngân sách Thành phố cho cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị sự nghiệp do ngân sách đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động.

Để thực hiện các biện pháp nêu trên, theo bà Ngân, HĐND Thành phố phải được quyền ban hành mức chi cụ thể để thu hút, đãi ngộ và trọng dụng nhân lực chất lượng cao, chế độ nhà ở, phương tiên đi lại. /.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này