Vì một nền Y tế phát triển toàn diện

09:20 | 07/07/2022
(LĐTĐ) Y tế là một trong những trụ cột an sinh và lĩnh vực đặc biệt quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Chính nhờ sự quan tâm này, đến nay ngành Y tế đã có những bước phát triển vượt bậc. Hệ thống Y tế từ Trung ương đến địa phương phát triển đồng bộ, đi liền đó chất lượng y, bác sĩ và dịch vụ, trang thiết bị phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân cũng không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, do một số yếu tố chủ quan và khách quan mà hiện tại ngành Y tế đang đối diện với 2 vấn đề, cả tầm ngắn hạn và dài hạn, đó là một số bệnh viện đang thiếu vật tư, thuốc men cho việc khám, chữa bệnh và nhân viên hệ thống Y tế công nghỉ việc, “nhảy việc” sang “đầu quân” cho các bệnh viện tư. Vấn đề thiếu thuốc men, vật tư như hiện tại chắc chắn sẽ được khắc phục một cách sớm nhất, song vấn đề phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực vì một nền Y tế phát triển toàn diện thì cần phải nhìn nhận cả ở góc độ cơ chế, chính sách.
Khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế Dồn sức "chặn đứng" dịch sốt xuất huyết bùng phát tại các tỉnh phía Nam Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội lý giải nguyên nhân gần 900 nhân viên y tế xin nghỉ việc

Từ góc nhìn hiện tại...

Sau cao điểm xảy ra đại dịch Covid-19, tại một số cơ sở y tế công lập trên toàn quốc, nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác sang hệ thống bệnh viện tư. Điều này khiến nhiều chuyên gia trong ngành lo lắng về về tình trạng “chảy máu” nguồn nhân lực trong lực lượng y tế công. Nhân lực từ bệnh viện công “chảy” sang bệnh viện tư nếu xét ở góc độ Y khoa là chuyện bình thường, vì đều mang trong mình sứ mệnh khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Nhưng xét góc độ tài chính (giá), khi hệ thống y tế tư nhân với các bệnh viện có dịch vụ tốt hơn, giá cao hơn lại không nhận khám bảo hiểm, tình trạng "nhảy việc” từ bệnh viện công sang viện tư thì những người có tiềm lực tài chính tốt đến khám, chữa bệnh sẽ được thụ hưởng, còn những người có thu nhập trung bình trở xuống sẽ bị ảnh hưởng, vì không còn được nhiều y, bác sĩ tại các bệnh viện công có trình độ, tay nghề khám, chữa bệnh.

Vì một nền Y tế phát triển toàn diện
Cần có hành lang pháp lý để các bệnh viện công tự chủ. (Ảnh Bệnh viện Bạch Mai)

Quy luật tất yếu của kinh tế thị trường là vậy. Tuy nhiên, đấy là nền kinh tế thị trường của một giai đoạn đang chuyển đổi. Còn mục tiêu của ta hướng tới, là xây dựng nền Y tế phát triển toàn diện, phục vụ nhu cầu của toàn dân. Nên việc cân bằng về chất lượng, chính sách, nguồn thu giữa hệ thống Y tế công- tư là điều mà các cấp, ngành chức năng đang hướng đến.

Để thực hiện mục tiêu trên, chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế, bức tranh Y tế hiện nay. Tham luận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính Phủ thường kỳ vào ngày 4/7, Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo báo cáo của các địa phương giai đoạn năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 có tổng số 9.379 viên chức y tế thôi việc, chuyển việc. Một số tỉnh, thành phố có số lượng nhân viên y tế thôi việc, chuyển việc cao như: Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, An Giang… Đáng chú ý, trong số những nhân viên y tế nghỉ việc, nhiều người có tay nghề cao, kinh nghiệm…

Đó là những người mà hệ thống đào tạo của ngành Y tế không dễ bù đắp, hay bổ sung được trong thời gian ngắn, để chăm sóc người bệnh. Hầu hết cán bộ, nhân viên y tế khi chuyển việc, nghỉ việc được hỏi lý do đều cho biết do chế độ lương, đãi ngộ thấp, công việc căng thẳng; với các cấp trưởng, phó phòng lại thêm tâm lý “trách nhiệm”, càng làm cho họ áp lực, nên quyết định “dứt áo ra đi”!

Theo phân tích của các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ, nhân viên Y tế khối công lập nghỉ việc, chuyển việc. Trong đó, đại dịch Covid-19 chỉ là "giọt nước tràn ly". Bởi vậy, muốn khắc phục tình trạng này cần tìm giải pháp, cũng như quan tâm đến việc hoàn thiện chế độ, chính sách cho người lao động trong Ngành. Đặc biệt, Bộ Y tế cần sớm có các biện pháp ổn định hệ thống thuốc men, trang thiết bị phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Cũng theo số liệu nghiên cứu về “Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong Covid-19”, do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chủ trì khảo sát hơn 2.700 nhân viên Y tế trên cả nước tính đến hết tháng 12/2021, cho thấy: Khoảng 60% số nhân viên Y tế phải đảm đương khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên đáng kể trong thời gian diễn ra đại dịch; hơn 1/3 số nhân viên y tế cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ bị giảm…

Để khắc phục những bất cập về cơ chế chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên ngành Y tế, cuối tháng 5/2022, Công đoàn Y tế Việt Nam tập hợp các kiến nghị của cán bộ, công nhân viên chức trong Ngành để gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong đó, có kiến nghị chính sách viện phí được tính đúng, tính đủ chi phí để đảm bảo duy trì sự hoạt động của các bệnh viện, trong đó có chi phí đảm bảo an toàn cho cán bộ Y tế.

Như chúng ta đều biết, đào tạo bác sĩ là để cứu người, nên muốn có một bác sĩ chuyên khoa có chuyên môn giỏi, công tác đào tạo, chi phí rất lớn. Cụ thể, để đào tạo một bác sĩ, phải mất từ 6-7 năm (trong khi hệ cử nhân chỉ mất 4 năm), nếu bác sĩ muốn vào làm việc tại các bệnh viện lớn, phải học thêm 3 năm bác sĩ nội trú, tiếp đến học lên cao học, tiến sĩ. Nghĩa là để ký được hợp đồng làm việc, tuổi đời cũng phải U30 (bác sĩ ở hệ thống bệnh viện lớn tuyến Trung ương); còn hệ thống bệnh viện nói chung, bác sĩ khi ra trường, đi làm phải mất thêm 18 tháng thực hành mới được hưởng lương bậc 1. Vào nghề muộn, tuổi đời đa số cao hơn các ngành, nghề khác, nhưng tuổi về hưu lại vẫn đang cào bằng như các ngành, nghề khác. Cạnh đó, các hệ số phụ cấp cũng khá thấp, dẫn đến thu nhập không cao.

Trên góc độ người trong cuộc, PGS.TS.BS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương; Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đối với nhiều ngành đào tạo khác như: Báo chí, Kinh tế, Sư phạm,… Sau 4 năm học, tốt nghiệp ra trường, sinh viên có thể đi làm luôn là việc bình thường. Song với sinh viên trường y sau khi học tập 6 năm và tốt nghiệp ra trường, đó mới tạm gọi là “xóa mù” trong Ngành. Và theo quy định, bác sĩ sau khi ra trường phải thực hành liên tục tại các cơ sở khám chữa bệnh thêm 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề y.

Như vậy, với các bác sĩ thì sự đầu tư học hành là rất nhiều. “Thông thường một bác sĩ tốt nghiệp trường y mất 6 năm, học tiếp bác sĩ nội trú (3 năm), để có chứng chỉ hành nghề tổng cộng mất khoảng 10 năm. Còn với các bác sĩ sau tốt nghiệp không học hệ nội trú, con đường học hành của họ phải qua các lớp chuyên khoa định hướng, sau đó học bằng cấp chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, hoặc thạc sỹ, tiến sĩ thì cũng mất 10 - 12 năm mới đủ kinh nghiệm và kiến thức tự tin hành nghề. “Vậy nên hệ số lương khởi điểm tốt nghiệp ra trường khi đi làm giống nhau, là điều không công bằng với ngành Y tế”- bác sĩ Phú nhấn mạnh. Ðây là lý do Công đoàn Y tế đề nghị lương của bác sĩ được áp dụng mức khởi điểm tương đương bậc 2 là 2,67. Bên cạnh đó, các chế độ phụ cấp cũng được đề xuất tương đương một số ngành đặc thù khác.

Trên góc độ thu nhập, chiều 5/7, tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố Hà Nội, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, Hiện cán bộ, nhân viên trung tâm Y tế thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/tháng; khối bệnh viện lớn 11-12 triệu/tháng. Như vậy, so với bệnh viện tư là quá thấp!

Tại sao lương thấp? Phóng viên đề cập vấn đề này với một kế toán ở một bệnh lớn ở Hà Nội thì được biết, mặc dù năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký thông qua Nghị quyết “Về thí điểm tự chủ của 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế”. Theo đó, thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các Bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K. Nhưng do một số vướng mắc trong khâu triển khai liên quan đến vấn đề tự chủ tài chính, đấu thầu… nên vẫn chưa thể “tự chủ”. Đây cũng chính là một trong những vướng mắc, khiến hệ thống bệnh viện công, đặc biệt là các bệnh viện lớn chưa thể trả lương cao cho nhân viên Y tế.

…Đến cần xây dựng cơ chế đặc thù cho Ngành

Để góp phần xây dựng nền Y tế nước nhà vững mạnh ở cả hệ thống công lẫn hệ thống tư, nhìn vào những bất cập hiện tại, các chuyên gia cũng kiến nghị và đưa ra một số để xuất về cơ chế, chính sách.

Thứ nhất, về cơ chế đóng bảo hiểm xã hội và tuổi nghỉ hưu. Như đã đề cập, ngoài việc đào tạo tốn kém thời gian, công sức, nhưng sau khi ra trường, sinh viên y khoa phải học thêm và thực hành nhiều năm mới có hợp đồng làm việc. Điều này đã dẫn đến ngày càng nhiều bác sĩ bị thiệt thòi về số năm công tác. Không ít bác sĩ đến tuổi nghỉ hưu vẫn không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Vì một nền Y tế phát triển toàn diện
Cần có chính sách đặc thù đối với ngành Y để các nhân viên y tế yên tâm công tác, góp phần vì một nền Y tế nước nhà phát triển. Ảnh: Minh Khuê

Do đó, việc tăng bậc lương khởi điểm cho bác sĩ trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết, phù hợp với lộ trình tăng dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu tối đa. Bởi theo Luật Bảo hiểm xã hội, từ năm 2018, muốn hưởng lương hưu ở mức tối đa 75%, lao động nam phải đóng bảo hiểm 35 năm và lao động nữ phải đóng bảo hiểm 30 năm.Từ thực tế này, nhiều người cho rằng, cần tăng bậc lương khởi điểm cho bác sĩ, và có cách tính bảo hiểm đặc thù để thời gian nghỉ hưu đối với ngành Y không bị thiệt thòi.

Đặc biệt, nên chăng Liên bộ Y tế, Tài chính, Nội vụ tham mưu Chính phủ trình các cấp có thẩm quyền cơ chế đóng BHXH ngay khi còn sinh viên như đối với các trường thuộc khối lực lượng vũ trang nhằm góp phần đảm bảo quyền lợi về tính đúng, tính đủ số năm công tác. Đồng thời, tăng hệ số phụ cấp đối với ngành Y, ít nhất cũng bằng hoặc cao hơn các ngành Hải quan, Ngân hàng chính sách, Thuế… “Một lĩnh vực đặc thù, thậm chí đặc biệt với xã hội không có lý do gì hệ số phụ cấp thấp hơn cả các ngành Thuế, Hải quan hay Ngân sách chính sách xã hội…”- một chuyên gia tài chính cho hay.

Cùng chung quan điểm trên, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Vũ Xuân Phú cho rằng cần cải thiện, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy của hệ thống Y tế. Đồng thời, xây dựng hệ thống, hành lang pháp lý an toàn bởi các quy trình, quy định phù hợp thực tế và quy định của pháp luật. “Trong đó cần xây dựng hành lang pháp lý từ luật, văn bản dưới luật, các lĩnh vực trong quản trị hệ thống Y tế”.

Thứ hai, các cơ quan chức năng sớm tham mưu Chính phủ ban hành cơ cơ chế, chính sách về vấn đề tự chủ tài chính đối với hệ thống bệnh viện công. Nên nhớ, tự chủ tài chính không phải là quá trình cổ phần hóa bệnh viện như doanh nghiệp, mà tự chủ tài chính là trao quyền cho bệnh viện về hoạt động, trang bị các loại vật tư, thiết bị y tế, tự chủ đầu vào nguồn nhân lực và trả lương trên cơ sở đúng các quy định của pháp luật. Bệnh viện kinh doanh có lãi cao, trả nhân viên cao; trong hệ thống bệnh viện trả lương cho từng vị trí khác nhau để thu hút chất xám. Có được quyền tự chủ tài chính, có cải cách về chính sách đãi ngộ (hệ số lương), đóng, hưởng bảo hiểm thì mới góp phần tạo được “dư địa” cho đội ngũ y bác sĩ yên tâm công tác trong hệ thống bệnh viện công cũng như tư. Vì xét cho cùng, thu nhập, bảo đảm ổn định cuộc sống vẫn là vấn đề quan trọng nhất. /.

Sửa chính sách lương khởi điểm, thâm niên nghề

Vừa qua, Công đoàn Y tế Việt Nam đã tổ chức Hội nghị về chế độ, chính sách cho cán bộ y tế theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của các đồng chí thuộc Ban Chấp hành Công đoàn các cấp từ hơn 110 đầu cầu trên cả nước. Tại hội nghị, đã có nhiều trao đổi, kiến nghị, nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhân viên Y tế.

Về chính sách lương khởi điểm của bác sĩ ngành Y tế: Ngành y là một ngành đặc biệt theo Nghị quyết 46/NQ-BCT của Bộ Chính trị, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, có cơ chế đào tạo đặc thù. Riêng đối với bác sĩ, thời gian đào tạo kéo dài 6 năm so với các ngành khác thời gian đào tạo chỉ là 4 năm. Tuy nhiên, phải mất thêm 18 tháng thực hành mới được hưởng lương bậc 1. Đề nghị chế độ chính sách tiền lương khởi điểm riêng với bác sĩ ngành y được áp dụng mức khởi điểm tương được bậc 2 là 2,67.

Về chính sách thâm niên nghề: So sánh với ngành Giáo dục, lao động trong ngành y có phần vất vả, độc hại hơn nhiều nhưng họ không được hưởng chế độ thâm niên nghề như hiện nay ngành Giáo dục được hưởng. Đề nghị Đảng, Chính phủ quan tâm đến chế độ được hưởng chế độ thâm niên nghề y như đối với ngành Giáo dục.

Về phụ cấp ưu đãi nghề: Theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ, cán bộ y tế được hưởng mức độ từ 20% tới 70% chế độ phụ cấp ưu đãi nghề. Rất nhiều đối tượng lao động làm việc trong điều kiện môi trường độc hại bệnh viện vẫn phải tiếp xúc với người bệnh, mầm bệnh nhưng lại không được hưởng phụ cấp này. Đề nghị Đảng, Chính phủ quan tâm nâng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100% và mở rộng một số đối tượng người lao động trong ngành Y tế cùng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề.

Về chế độ thu hút đối với các ngành nghề đặc thù: Đối với các lĩnh vực đặc biệt trong ngành y như phong, lao, tâm thần, HIV/AIDS, hồi sức cấp cứu, giải phẫu bệnh… là những công việc có yếu tố nguy hiểm, cần tập trung cao độ tâm sức, trí tuệ của cán bộ y tế, nhưng hiện nay chưa có cơ chế phù hợp trong việc thu hút lao động này. Một số ngành đặc biệt sắp trở thành ngành không có nhân lực chất lượng cao. Đề nghị Đảng, Nhà nước có chính sách đặc biệt hấp dẫn để thu hút nhân lực trong các lĩnh vực này.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Theo chia sẻ của một bác sĩ tại một bệnh viện tuyến Trung ương, tình trạng cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc đồng loạt hiện nay nguyên nhân chính là do thu nhập thấp. Hiện Bộ Y tế đã đề xuất giải pháp cải thiện, thu nhập cho nhân viên y tế bằng cách đề nghị Chính phủ điểu chỉnh tăng mức phụ cấp từ 40%-70% lên 100%. Nhưng tổng thể chưa giải quyết được một cách cơ bản việc cải thiện.

Thiết nghĩ, ngành Y tế, Chính phủ cần đánh giá, nghiên cứu kỹ hơn để có giải pháp tổng thể, căn cơ, phù hợp hơn nhằm cải thiện thu nhập bền vững cho nhân viên y tế. Nên điều chỉnh thay đổi đồng thời 3 cơ cấu hình thành thu nhập cơ bản của nhân viên y tế như sau: Điều chỉnh nâng hệ số lương cơ bản (hoặc điều chỉnh bậc lương khởi điểm cao hơn). Thứ hai là điều chỉnh nâng phụ cấp (lên 100% như đã đề nghị).

Thứ ba điều chỉnh việc thi nâng ngạch bậc lương (nâng hạng).Cụ thể về thâm niên công tác: Hiện hành quy định là 9 năm kể từ ngày tuyển dụng, cần điều chỉnh xuống mốc 3-6 năm. Vì đặc thù của ngành Y tế là thời gian đào tạo dài, học tập liên tục…Về quy định đề tài nghiên cứu khoa học: Hiện hành quy định điều kiện thi nâng ngạch phải có đề tài nghiên cứu khoa học cơ sở/sáng kiến… Nên thay vào đó là đánh giá mức độ hoàn thành tốt nhiệm vụ của 2-3 năm liên tiếp, để hầu hết cán bộ Y tế từ cơ sở đến tuyến trên đều có thể tiếp cận được. Như vậy, mới có thể là giải pháp tối ưu thực sự giải quyết tốt bài toán toán thu nhập thấp, không tương xứng đối với y tế hiện nay.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này