Tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển kinh tế - xã hội

19:28 | 05/07/2022
(LĐTĐ) Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, chiều nay (5/7), 5 tổ đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội đã tiến hành thảo luận tại các tổ về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2022 trên địa bàn thành phố.
HĐND Thành phố đổi mới, sáng tạo nâng cao hiệu quả hoạt động Hà Nội theo dõi chặt chẽ thị trường, đảm bảo cân đối điện và xăng dầu các tháng cuối năm

Đại biểu đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Cụ thể, các đại biểu thảo luận về 4 nội dung: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của Thành phố; Phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố; Giao kế hoạch vốn đầu tư công và kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của Thành phố; Tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Thành phố.

Thảo luận tại các tổ, hầu hết đại biểu đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của Thành phố trong triển khai các Nghị quyết của Trung ương và Thành phố đã được xác định từ cuối năm 2021.

Các đại biểu cũng đánh giá UBND Thành phố đã tích cực chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế; đồng thời đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội của Thành phố đã đạt được, tổng thu ngân sách nhà nước tăng cao.

Các đại biểu khẳng định, Thành phố đã sáng tạo, đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành để đạt được kết quả đáng khích lệ: Kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá cao, cân đối thu - chi ngân sách được đảm bảo, GRDP 6 tháng tăng 7,79% (quý I tăng 6,03%, quý II tăng 9,49%) - gấp 1,32 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (5,91%). Thành phố cũng đã kịp thời triển khai các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển kinh tế - xã hội
Các đại biểu thảo luận tại tổ.

Đặc biệt, đại biểu các quận, huyện, thị xã đánh giá nỗ lực của hệ thống chính trị Thành phố trong việc phối hợp chặt chẽ với các tỉnh hoàn thiện và trình Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; là tiền đề mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho Thành phố trong tương lai gần.

Tin tưởng đường Vành đại 4 thực hiện đúng tiến độ

Theo đại biểu Nguyễn Tiến Minh - Bí thư Huyện ủy Thường Tín, huyện có đường Vành đai 4 chạy qua, hiện huyện đã thành lập xong Ban chỉ đạo đền bù tái định cư; huyện cũng làm tốt tuyên truyền công tác giải phóng mặt bằng và nhìn chung dư luận nhân dân phấn khởi đồng tình ủng hộ.

Đại biểu Nguyễn Xuân Đại - Bí thư Huyện ủy Hoài Đức, cho biết, đường Vành đai 4 với 17,1 km chạy qua huyện, trong đó 244ha đất phải thu hồi, 7700 ngôi mộ phải di dời. Huyện quyết tâm thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và tin tưởng đường Vành đại 4 thực hiện đúng tiến độ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân - Bí thư Quận ủy Hà Đông, tán thành những kết quả kinh tế, xã hội Thành phố đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế được chỉ ra. Ông Xuân cho rằng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 rất nặng nề, tuy nhiện với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị Thành phố đã thực hiện một khối lượng công việc lớn. Chiến lược về phòng, chống dịch của Thành phố được người dân tin tưởng. Công tác an sinh cũng được Thành phố thực hiện rất tốt. SEA Games được tổ chức thành công.

Tháo gỡ những điểm nghẽn để doanh nghiệp phát triển

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ đại biểu Hoàng Mai) đánh giá, đại dịch Covid-19 để lại hậu quả nặng nề, các cơ sở y tế bộc lộ những tồn tại, một số vụ việc xảy ra tác động lớn về mặt chính trị, trong đó có thành phố Hà Nội.

Tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển kinh tế - xã hội
Nhiều đại biểu đánh giá cao công tác lãnh đạo, điều hành của Thành phố.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức kiến nghị, cần tập trung phát triển kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp phải được phục hồi, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hậu Covid-19 phải thực chất, đi vào cuộc sống. Đồng thời, tháo gỡ những điểm nghẽn để doanh nghiệp phát triển, như tháo gỡ chính sách đất đai, minh bạch trong công tác giao đất.

Đại biểu đề nghị cần phải hỗ trợ chính sách cho nông nghiệp công nghệ cao. Hàng năm phải có đánh giá, tổng kết, nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tạo động lực cho người dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Đại biểu Bùi Thị Thu Hiền (tổ đại biểu Ứng Hòa) đề nghị Thành phố chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công trục đường kinh tế phía Nam thành phố Hà Nội (17 km đi qua huyện Ứng Hòa); xem xét, chỉ đạo việc xây dựng các dự án cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn huyện, vì hiện tại tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch trên địa bàn từ các nhà máy cấp nước sạch tập trung mới đạt tỷ lệ 34%; sớm chấp thuận cho Công ty Cổ phần nước sạch Hà Nam thực hiện dự án cấp nước sạch cho các xã huyện Ứng Hòa.

Để đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng theo kế hoạch, cũng như kế hoạch giải ngân Thành phố giao, đại biểu Bùi Thị Thu Hiền cũng đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính sớm xác định hệ số điều chỉnh, giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ, giá thu tiền sử dụng đất tái định cư và trình UBND Thành phố phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, đồng thời sớm chấp thuận địa điểm bố trí tái định cư làm căn cứ tổ chức thực hiện 3 dự án: Nâng cấp tỉnh lộ 428; đường Cần Thơ - Xuân Quang, đường 429C.

Bà Hiền cũng đề nghị Thành phố quan tâm hỗ trợ huyện chi phí mua sắm thiết bị giáo dục trường học để đủ điều kiện công nhận chuẩn mới, công nhận đạt chuẩn mức độ 2 và công nhận lại đối với các trường đã quá hạn công nhận lại để Huyện hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra...

Kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không giải ngân được

Cho rằng việc giải ngân vốn đầu tư công thấp nguyên nhân cơ bản do dịch, vật tư đầu vào khó khăn, tuy nhiên ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho rằng, công tác tham mưu giải quyết khó khăn của các địa phương chưa tốt. Đang xảy ra tình trạng vốn ngân sách của quận, huyện thì giải ngân nhanh còn ngân sách của Thành phố lại không giải ngân được.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, tới đây Thành phố xem xét lại vấn đề đấu thầu và tổ chức đấu thầu, kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không giải ngân được, hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước, các dự án có khả năng giải ngân tốt.

Đại biểu Dương Minh Ánh (tổ đại biểu Thanh Trì) cho hay, trong lĩnh vực giáo dục, tiến độ công nhận đạt chuẩn quốc gia của các trường công lập còn chậm, năm 2022 công nhận đc 25/70 trường chuẩn quốc gia. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên do cơ sở vật chất còn hạn chế, nhất là các trường trong khu vực nội đô.

Bên cạnh đó, một số dự án dự án cải tạo trường bị chậm tiến độ, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, số lượng học sinh/lớp cao hơn so với quy định... Từ đó, đại biểu đề nghị Thành phố tháo gỡ khó khăn cho các trường để đạt chuẩn quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà - Bí thư Quận ủy Thanh Xuân cho biết, đường Vành đai 2,5 từ Giải Phóng đến Ngụy Như Kon Tum còn khoảng 1km từ Nguyễn Trãi đến Ngụy Như Kon Tum chưa được giao nhiệm vụ, trong khi đó, nếu không thông toàn tuyến thì không giải quyết được ùn tắc giao thông, đề nghị Thành phố quan tâm giao triển khai nhiệm vụ này...

Thu ngân sách từ đấu giá đất ở các quận, huyện còn thấp

Bên cạnh đán giá những kết quả Thành phố đã đạt được các đại biểu cũng nhìn nhận khó khăn, hạn chế cần tìm các giải pháp tháo gỡ, như thu ngân sách từ đấu giá đất ở các quận, huyện còn thấp, 13/25 quận huyện chưa thực hiện được đấu giá quyền sử dụng đất; Tình trạng giải ngân dự án đầu tư công còn thấp; Quản lý phát triển đô thị, tỷ lệ đất giành cho giao thông chưa đảm bảo; Công tác vận hành khu xử lý bãi rác còn bất cập, chưa đảm bảo tiến độ; tình trạng úng ngập tại một số tuyến phố còn bất cập…

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng cho rằng, công tác quản lý chung cư tái định cư, quỹ nhà chuyên dùng thuộc quản lý nhà nước còn nhiều tồn tại; quản lý vận hành Khu xử lý rác Nam Sơn, Xuân Sơn còn bất cập; tình trạng úng ngập cục bộ một số nơi trên địa bàn thành phố khi lượng mưa có cường độ lớn xảy ra ngày càng thường xuyên.

Một số đại biểu cho rằng, kết quả trúng đấu giá thì phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản, vì thế thời điểm duyệt giá sàn rất quan trọng, để bảo đảm tính khả thi cho thu ngân sách. Trên địa bàn Thành phố có nhiều dự án đấu giá trên 30 tỷ đồng, việc phê duyệt giá sàn đấu giá thuộc thẩm quyền của Thành phố, vì thế, thời gian tới, Thành phố cần có sự chỉ đạo quyết liệt trong thời điểm chốt giá sàn, bảo đảm hiệu quả trúng thời điểm...

X.Sinh - H.Lý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này