Doanh nghiệp xin ngừng khai thác nhiều tuyến buýt: Quy luật tất yếu của kinh tế thị trường

16:33 | 05/07/2022
(LĐTĐ) Mới đây, thông tin một doanh nghiệp xe buýt xin dừng hoạt động, chuẩn bị phá sản đã dấy lên sự lo ngại trong dư luận, đặc biệt điều này cũng phần nào phản ánh tình trạng khó khăn của các đơn vị vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, nhìn nhận sự việc ở góc độ tổng thể, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, đây là sự đào thải tất yếu của thị trường.
Transerco thay thế phương tiện mới trên 3 tuyến buýt Hà Nội chú trọng phát triển giao thông công cộng Đề xuất mở mới và điều chỉnh lộ trình xe buýt qua địa bàn huyện Phú Xuyên

Vận tải hành khách công cộng gặp nhiều khó khăn

Theo tìm hiểu, mới đây Công ty TNHH Bắc Hà kiến nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xin dừng vận hành 5 tuyến buýt xã hội hóa. Cụ thể, 5 tuyến buýt của đơn vị đang triển khai gồm: Tuyến 41 (Nghi Tàm - Bến xe Giáp Bát); 42 (Bến xe Giáp Bát - Đức Giang); 43 (Công viên Thống Nhất - Đông Anh); 44 (Trần Khánh Dư - Bến xe Mỹ Đình) và 45 (Khu đô thị Times City - Nam Thăng Long). Nguy cơ ngừng hoạt động của một số tuyến buýt khiến nhiều người lo ngại bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc tham gia giao thông công cộng.

Được biết, nguyên nhân xin ngừng hoạt động của đơn vị được xác định là do hoạt động kinh doanh thời gian qua chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 nên gặp nhiều khó khăn dẫn đến doanh thu bị sụt giảm. Hạn mức vay sử dụng hết dẫn đến việc đơn vị mất khả năng thanh toán các chi phí thiết yếu…

Doanh nghiệp xin ngừng khai thác nhiều tuyến buýt: Quy luật tất yếu của kinh tế thị trường
Xe buýt tuyến 41 do Công ty TNHH Bắc Hà vận hành. (Ảnh: Đinh Luyện)

Thực tế cho thấy, trước ảnh hưởng từ dịch Covid-19, tất cả các đơn vị doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội đều vấp phải khó khăn.

Sản lượng hành khách dịch vụ vận tải khách công cộng bằng xe buýt tại Hà Nội có xu hướng sụt giảm. Có thời điểm, các phương tiện phục vụ mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thủ đô phải tạm ngưng hoạt động và hoạt động 50% công suất để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với những khó khăn khách quan kể trên, theo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội, hiện vận tải hành khách công cộng Hà Nội cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, hiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Thành phố đang trong quá trình đầu tư xây dựng, dẫn đến hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng còn thiếu và chưa đồng bộ.

Chẳng hạn, hiện hệ thống vận tải hành khách công cộng có 5 điểm trung chuyển nội bộ của mạng lưới xe buýt và 12,9km đường dành riêng cho xe buýt dẫn tới chưa phát huy, tận dụng được lợi thế năng lực cung ứng của hệ thống vận tải hành khách công cộng và chi phí đi lại so với phương tiện cá nhân.

Thêm nữa, hiện việc kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng nhằm thu hút và trung chuyển hành khách tại các khu dân cư, tối ưu hóa năng lực của hệ thống vận tải hành khách công cộng vẫn đang tồn tại bất cập, có thể kể đến như thiếu kết nối các phương thức vận tải sức chứa nhỏ như xe mini buýt, xe đạp công cộng để hỗ trợ hệ thống vận tải hành khách công cộng sức chứa lớn.

Ngoài ra, hạ tầng trông giữ phương tiện cá nhân tại các nhà ga, các điểm trung chuyển còn hạn chế đã và đang trực tiếp dẫn đến khó khăn trong việc mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống giao thông công cộng.

Gỡ khó cách nào?

Để gỡ khó cho vận tải hành khách công cộng, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội đề xuất sẽ phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, thu hút người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới tuyến buýt, trong đó chú trọng loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường (xe buýt điện, sử dụng nhiên liệu sạch CNG...) phấn đấu đến năm 2025 đoàn phương tiện xe buýt có khoảng 4.000 - 4.500 xe, sức chứa bình quân 60 chỗ, với tỉ lệ phương tiện sạch đạt 20%, mở rộng vùng phục vụ của xe buýt tới các khu dân cư tập trung vùng ngoại thành, các khu đô thị mới, khu công nghiệp, trung tâm vui chơi giải trí, trung tâm hành chính...

Doanh nghiệp xin ngừng khai thác nhiều tuyến buýt: Quy luật tất yếu của kinh tế thị trường
Thời gian qua mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố được quan tâm phát triển và ngày một đồng bộ, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô. (Ảnh: Đinh Luyện)

Phấn đấu đến năm 2025, hệ thống hạ tầng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có 13 làn đường riêng với tổng số 60,8km đường ưu tiên, với 21 điểm trung chuyển trong đó có 2 điểm trung chuyển đa phương thức. Đồng thời, tăng mức độ bao phủ của điểm dừng để 80% người dân có thể tiếp cận dịch vụ xe buýt; đẩy mạnh phát triển hệ thống thẻ vé thông minh liên thông…

Quanh câu chuyện vận tải hành khách công cộng gặp nhiều khó khăn khiến doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, không nên nhìn nhận sự việc ở khía cạnh quá tiêu cực. Thay vào đó, việc Công ty TNHH Bắc Hà rút lui khỏi lĩnh vực này là do sự chi phối bởi kinh tế thị trường. Đơn vị doanh nghiệp nào không cạnh tranh được thì giải thể, điều này là tất yếu.

“Trong tình hình hiện nay, không chỉ có Công ty TNHH Bắc Hà mà còn hàng trăm, hàng ngàn đơn vị doanh nghiệp đứng trước bờ vực giống Bắc Hà. Thế nhưng, đi kèm với đó cũng có hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp nộp đơn xin thành lập mới. Như vậy, đây là quy luật phát triển của thị trường, cạnh tranh để tồn tại và phát triển”, ông Bùi Danh Liên nêu quan điểm.

Chia sẻ về những khó khăn trước mắt khi một số tuyến buýt thuộc Công ty TNHH Bắc Hà đang phụ trách có nguy cơ bị gián đoạn, gây ảnh hưởng đến hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng cần phải xác định rõ ở câu chuyện này không phải đơn vị bỏ 5 tuyến mà chỉ tạm ngưng.

Nói cách khác, Công ty TNHH Bắc Hà ngưng tham gia 5 tuyến trên thì các đơn vị quản lý Nhà nước sẽ có kế hoạch khắc phục. Thành phố sẽ có kế hoạch xử lý, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội sẽ có trách nhiệm điều hành và đưa các đơn vị doanh nghiệp có năng lực vào thay thế, vận hành.

Để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị tham gia vận tải hành khách công cộng, ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị đã có văn bản kiến nghị tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan về một số nội dung cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo đó, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội kiến nghị Thành phố Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng cách điều chỉnh kế hoạch sản lượng, doanh thu. Bởi thực tế, sản lượng vận tải hành khách công cộng thời gian qua suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, để cải thiện cần tăng tần suất trên tất cả các tuyến vận tải hành khách công cộng, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội cũng kiến nghị tới Thành phố và Sở GTVT Hà Nội kiên trì chủ trương ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, sao cho hành khách khi sử dụng xe công cộng được thuận tiện, tiếp cận an toàn và đi nhanh hơn khi sử dụng xe cá nhân.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này