Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội:

Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng

16:25 | 05/07/2022
(LĐTĐ) Trong 6 tháng đầu năm 2022, Toà án nhân dân (TAND) hai cấp thành phố Hà Nội đã thụ lý 23.163 vụ việc các loại; giải quyết 14.404 vụ việc, đạt tỷ lệ 62,18%. Trong đó có nhiều vụ án trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Bồi thường 25 tỷ đồng, ông Nguyễn Đức Chung được giảm 3 năm tù Đối tượng bắt cóc, dọa giết con nợ trên xe lĩnh án

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội khóa XVI về công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022 của TAND hai cấp thành phố Hà Nội, Phó Chánh án TAND thành phố Hà Nội Đào Sỹ Hùng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022 TAND hai cấp thành phố Hà Nội đã thụ lý 23.163 vụ việc các loại; giải quyết 14.404 vụ việc, đạt tỷ lệ 62,18%. So với cùng kỳ năm 2021, số thụ lý tăng 40 vụ việc (tăng 0,17%), số giải quyết giảm 52 vụ việc (giảm 0,36%).

Trong đó có nhiều vụ án trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Về án hình sự, TAND hai cấp thành phố Hà Nội thụ lý 4.871 vụ/9.643 bị cáo (tăng 361 vụ/1.529 bị cáo so với cùng kỳ năm 2021); giải quyết 3.947 vụ/7.253 bị cáo (tăng 353 vụ/1.113 bị cáo so với cùng kỳ năm 2021).

Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng
Phó Chánh án TAND thành phố Hà Nội Đào Sỹ Hùng phát biểu tại Kỳ họp.

Đối với tội phạm tham nhũng, công tác đấu tranh chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, với nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. Các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã được TAND thành phố Hà Nội khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, TAND hai cấp thành phố Hà Nội thụ lý 39 vụ/112 bị cáo bị truy tố về tội phạm tham nhũng (trong đó thụ lý theo thủ tục sở thẩm 31 vụ/94 bị cáo, thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 08 vụ/18 bị cáo); giải quyết 25 vụ/68 bị cáo (trong đó giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 19 vụ/58 bị cáo, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm 6 vụ/10 bị cáo).

Về tội phạm ma túy, TAND hai cấp thành phố Hà Nội cũng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để tăng cường giải quyết các vụ án ma túy, đưa ra xét xử kịp thời, theo đó thụ lý 1.719 vụ/2.398 bị cáo bị truy tố các tội về ma túy (trong đó thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.564 vụ/2.223 bị cáo, thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 155 vụ/175 bị cáo); giải quyết 1.520 vụ/2.069 bị cáo (trong đó giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 1.400 vụ/1.938 bị cáo, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm 120 vụ/131 bị cáo).

“Thời gian gần đây, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” - cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn biến phức tạp. Hoạt động “tín dụng đen” là mầm mống phát sinh các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng”, Phó Chánh án TAND thành phố Hà Nội Đào Sỹ Hùng nhấn mạnh.

Trong 6 tháng đầu năm TAND hai cấp thành phố Hà Nội thụ lý 19 vụ/76 bị cáo bị truy tố các tội liên quan đến tín dụng đen (trong đó thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 16 vụ/71 bị cáo, thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 3 vụ/5 bị cáo). Phần lớn các bị cáo đều bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn, đảm bảo hiệu quả răn đe, phòng ngừa chung.

Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng
Toàn cảnh kỳ họp.

Về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, trong 6 tháng đầu năm 2022, TAND hai cấp thụ lý 45 vụ/50 bị cáo bị truy tố các tội xâm hại tình dục trẻ em; giải quyết 43 vụ/48 bị cáo…

Đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, TAND thành phố Hà Nội luôn chú trọng đến công tác thông tin, tuyên truyền, bố trí thêm phòng trực tuyến để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí, phóng viên theo dõi đưa tin kịp thời về diễn biến và kết quả phiên tòa, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.

Bên cạnh đó, ngay sau khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực (từ ngày 1/1/2021), các đơn vị thuộc TAND Thành phố đã tiến hành lựa chọn nhân sự, chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như phổ biến các quy định của pháp luật, cũng như những kỹ năng trong quá trình hòa giải, đối thoại cho các hòa giải viên.

Trong 6 tháng qua, các trung tâm hòa giải, đối thoại thuộc TAND hai cấp thành phố Hà Nội tiếp nhận 4.085 đơn khởi kiện; đã tiến hành hòa giải, đối thoại với 3.330 đơn, trong đó có 1.073 đơn hòa giải, đối thoại thành, 389 đơn người khởi kiện rút đơn, 821 đơn không tiến hành hòa giải, đối thoại được, 1.047 đơn hòa giải, đối thoại không thành. Tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành và rút đơn trên tổng số đơn đã giải quyết đạt 43,9%.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, TAND hai cấp thành phố Hà Nội vẫn còn một số vụ án chậm giải quyết; một số đơn vị vẫn còn chậm triển khai Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án…

Trong 6 tháng cuối năm, TAND thành phố Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử. Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản nhà nước, chú trọng công tác thu hồi tài sản, kiên quyết khởi tố vụ án tại phiên tòa nếu phát hiện tội phạm mới và người phạm tội mới.

Ngân Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này