Lãi "khủng" và gánh nặng giá lên sách giáo khoa: Có nên áp trần lợi nhuận?

09:34 | 05/07/2022
Nhìn vào khoản lợi nhuận khủng sau thuế của NXB Giáo dục Việt Nam năm 2021, lên đến hơn 287 tỉ đồng (đạt 250% kế hoạch được giao), có lẽ nhiều bậc phụ huynh có con em đến trường phải mua sách giáo khoa không khỏi giật mình.
Không ép buộc, vận động học sinh mua xuất bản phẩm tham khảo Xem xét bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá Bán sách giáo khoa với giá hợp lý

Giật mình vì cách đây chưa lâu, một số sách giáo khoa được công bố với mức giá bán ra cao gấp 2-3 lần so với mức giá cũ. Và bây giờ, vấn đề giá sách cao được liên kết với kết quả lãi "khủng" của NXB Giáo dục Việt Nam, càng thấy được mối quan hệ nhân - quả. Đó là mối quan hệ nhân - quả tất yếu. Bởi giá sách giáo khoa cao thì mới có thể lãi khủng.

Theo phân tích từ báo cáo kết quả kinh doanh của NXB Giáo dục Việt Nam, doanh thu hơn 1.800 tỉ đồng chủ yếu đến từ việc phân phối sách giáo khoa và các khoản doanh thu liên quan đến hoạt động kinh doanh. Và đáng chú ý hơn, với khoản lãi sau thuế khủng 287 tỉ đồng, NXB Giáo dục Việt Nam có tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân là 39,9%. Đây là mức tỉ suất lợi nhuận mơ ước của bất cứ doanh nghiệp nào.

Lãi
Sách giáo khoa giá cao, NXB Giáo Dục thì lãi khủng. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhưng vấn đề ở chỗ, NXB Giáo dục Việt Nam không thể chỉ thuần túy là kinh doanh, là làm sách giá cao để có lợi nhuận nhiều. Bởi nếu chạy theo lợi nhuận, giá sách giáo khoa bị đẩy lên cao, thì làm sao con em của nhà nhà đều có thể tiếp cận được sách giáo khoa, làm sao có thể góp phần hỗ trợ một cách thiết thực cho sự nghiệp phổ cập giáo dục của nước nhà.

Bởi lãi khủng thì đối tượng phải gánh chịu không ai khác là các em học sinh mà người chi trả thực chất chính là các bậc phụ huynh. Dư luận gần đây đã phản ứng dữ dội về các sách giáo khoa "đẹp hơn, tốt hơn, to hơn" nhưng giá cũng cao hơn nhiều lần. Nhiều phụ huynh cho rằng, họ không cần những thứ “hơn” như thế để rồi phải chi phí nhiều hơn.

Đặc biệt các gia đình, phụ huynh và con em vùng núi, vùng sâu vùng xa khó khăn về kinh tế, những khu vực thu nhập thấp, sách còn không có để học thì cần gì những thứ “hơn” và “hơn” để rồi còng lưng gánh thêm chi phí trong bối cảnh lạm phát, nhiều loại hàng hóa tăng giá đã đủ tạo ra áp lực quá lớn lên đời sống dân sinh.

Có lẽ nên đặt lại vấn đề “hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 hiệu quả” của NXB Giáo dục Việt Nam nói riêng và ngành xuất bản sách giáo khoa nói chung.

Hiệu quả của ngành này, tiêu chí tiên quyết nên đặt ra là sản phẩm sách giáo khoa có chất lượng tốt, phù hợp, ít sai sót, hỗ trợ hiệu quả cho sự nghiệp giáo dục.

Còn hiệu quả về sản xuất kinh doanh, chỉ nên là thứ yếu, thậm chí có thể áp tỉ lệ lợi nhuận trần hằng năm để tránh tình trạng vì lợi nhuận mà tăng giá sách giáo khoa ảnh hưởng đến hàng chục triệu học sinh và phụ huynh trên khắp đất nước.

Tất nhiên cùng với biện pháp áp tỉ lệ lợi nhuận trần cũng cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ chi tiêu để tránh trường hợp tránh đụng trần lợi nhuận bằng cách vung tay chi tiêu. Bởi nếu không kiểm soát chặt vấn đề này, các chi tiêu lãng phí xảy ra cũng sẽ không giúp giảm giá sách giáo khoa.

Chính vì thế, hai vấn đề chính yếu cần được kiểm soát có liên quan mật thiết với nhau, đó là mức giá trần của sách giáo khoa và mức lợi nhuận trần của nhà xuất bản.

Theo Thế Lâm/Laodong.vn

https://laodong.vn/ban-doc/lai-khung-va-ganh-nang-gia-len-sach-giao-khoa-co-nen-ap-tran-loi-nhuan-1064085.ldo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này