Đảm bảo quyền cho lao động nữ: Góc nhìn từ doanh nghiệp

09:31 | 05/07/2022
(LĐTĐ) Lao động nữ có nhiều đặc thù đòi hỏi pháp luật phải có những quy định riêng nhằm đảm bảo quyền làm việc và quyền bình đẳng giới, nhất là tạo điều kiện cho lao động nữ thực hiện tốt chức năng lao động và chức năng làm mẹ, chăm sóc và nuôi dạy thế hệ trẻ... Đây là những vấn đề được các cấp Công đoàn, nhất là Ban Nữ công Công đoàn các cấp đặc biệt quan tâm, qua đó thúc đẩy thực hiện quyền của lao động nữ trong doanh nghiệp.
Đừng để làm thêm giờ phát sinh nhiều hệ lụy Bảo vệ lao động nữ, góc nhìn từ Ban Nữ công Thúc đẩy thực hiện quyền của lao động nữ trong doanh nghiệp

Tăng cường thanh tra, xử phạt các vi phạm

Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng thực hiện quyền của lao động nữ trong doanh nghiệp và đề xuất giải pháp của tổ chức Công đoàn thúc đẩy thực hiện quyền của lao động nữ trong doanh nghiệp.

Đảm bảo quyền cho lao động nữ: Góc nhìn từ doanh nghiệp
Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên có chuyền riêng dành cho lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ. Ảnh: B.D

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện quyền của lao động nữ tại doanh nghiệp, bà Hà Thị Hải Yến - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Phụ tùng xe máy ô tô Goshi Thăng Long (thuộc Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội) chia sẻ, tại Goshi Thăng Long đã thực hiện đúng luật về các quyền của lao động nữ như: Quyền được nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi; quyền không phải làm đêm, làm thêm, đi công tác xa khi mang thai hoặc nuôi con nhỏ; quyền được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới khi hợp đồng hết hạn trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ; quyền không bị xử lý kỷ luật khi mang thai và nuôi con nhỏ; quyền được đảm bảo việc làm sau chế độ thai sản; quyền không bị sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi mang thai; quyền được tạm hoãn hợp đồng lao động khi mang thai; quyền được hưởng bảo hiểm xã hội, chế độ thai sản.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thực hiện một số quyền cao hơn luật như: Quyền được chuyển công việc nhẹ hơn khi mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi; đối với phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng thì không phải làm thêm, làm ca đêm và được lựa chọn thời gian giảm 1 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi…

Từ thực tế tại đơn vị, bà Nguyễn Thị Ngọc Giang - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Asia Feed Mills (tỉnh Hà Nam) chia sẻ, lao động nữ có nhiều đặc thù đòi hỏi pháp luật phải có những quy định riêng nhằm đảm bảo quyền làm việc và quyền bình đẳng giới, nhất là tạo điều kiện cho lao động nữ thực hiện tốt chức năng lao động và chức năng làm mẹ, chăm sóc và nuôi dạy thế hệ trẻ…

Bà Giang cho biết, trên thực tế, việc một số doanh nghiệp là chủ sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nữ, nhất là lao động nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi không phải là chuyện hiếm gặp. Từ đó, bà Giang đề xuất giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với các doanh nghiệp không thực hiện nghiêm các quy định pháp luật dành cho lao động nữ, phạt các đơn vị quảng cáo tuyển dụng có phân biệt giới, đồng thời khuyến khích, khen thưởng đối với các doanh nghiệp và cơ quan thực hiện tốt để bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ.

Bên cạnh đó, cần quan tâm các điều kiện đặc thù cho lao động nữ như nhà vệ sinh, nhà tắm, buồng thay quần áo, phòng y tế tại các doanh nghiệp đông lao động nữ, đảm bảo thực hiện các quy định cho nữ trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ. Với Nhà nước, bà Giang cho rằng cần có chính sách và huy động các doanh nghiệp từng bước đầu tư xây dựng nhà trẻ mẫu giáo, nhà ở, khu vui chơi giải trí cho công nhân đặc biệt ở các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Phát huy vai trò của Công đoàn cơ sở

Thông tin tại Hội thảo, bà Đỗ Hồng Vân - Quyền Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, vấn đề quyền của lao động nữ đã được nhiều cơ quan, tổ chức xã hội trong và ngoài nước quan tâm trong suốt thời gian qua. Nội dung này đã được đề cập nhiều trong các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.

Theo bà Vân, trong quá trình hỗ trợ lao động nữ thực hiện các quyền lợi của họ khi tham gia vào quan hệ lao động, bên cạnh nhiều thuận lợi thì tổ chức Công đoàn cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như việc đảm bảo cho lao động nữ thực hiện mục tiêu kép là lao động sản xuất và chăm lo cuộc sống gia đình; hỗ trợ lao động nữ thực hiện tốt các chức năng mang thai, sinh con, nuôi con; bảo vệ lao động nữ trong việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Quyền Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra đòi hỏi người lao động càng phải chú trọng nâng cao tay nghề, trình độ để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công việc. Việc người lao động, đặc biệt là lao động nữ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm, giảm thu nhập đòi hỏi bản thân người lao động phải không ngừng nỗ lực học tập nâng cao trình độ; đồng thời cũng đặt ra yêu cầu đối với tổ chức Công đoàn là phải có những biện pháp hiệu quả hỗ trợ người lao động rèn luyện nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng tay nghề và tích cực đàm phán với người sử dụng lao động về chính sách hỗ trợ lao động nữ, vừa đảm bảo yêu cầu công việc đặt ra vừa làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ trong gia đình.

Từ thực tế tại địa phương, nhấn mạnh thêm vai trò của Công đoàn cơ sở trong chăm lo, bảo vệ quyền cho lao động nữ, bà Chu Xuân Hảo - Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên đề xuất, cần phát huy vai trò của Công đoàn cơ sở thông qua đối thoại tại nơi làm việc, ký kết Thỏa ước lao động tập thể để bảo vệ quyền của lao động nữ trong các doanh nghiệp.

Dẫn chứng về con số 73% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có tổ chức Công đoàn đã ký kết Thỏa ước lao động tập thể, bà Hảo khẳng định, lao động nữ luôn được lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, tạo thuận lợi trong điều kiện làm việc và cuộc sống, với các chế độ phúc lợi dành cho lao động nữ. Cụ thể: 100% lao động nữ mang thai đều được bố trí công việc nhẹ nhàng, một số đơn vị bố trí lao động nữ mang thai được ngồi ghế khi làm việc theo dây chuyền, dành khu vực ăn riêng, được ưu tiên khi xếp hàng lấy suất ăn ca.

Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các chế độ ưu đãi đối với lao động nữ, trên 90% thực hiện việc cấp phát dụng cụ bảo hộ lao động; đầu tư xây dựng, trang bị công nghệ mới; từng bước khắc phục được các yếu tố độc hại như tiếng ồn, bụi, nóng đảm bảo an toàn vệ sinh cho người lao động. Trên 50% đơn vị doanh nghiệp thực hiện việc hỗ trợ tiền gửi trẻ, nhà ở, trợ cấp đời sống cho người lao động từ 15.000 đồng đến 400.000 đồng/người/ tháng.../.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này