Người thổi hồn vào trà sen

09:19 | 05/07/2022
(LĐTĐ) Đến phường Quảng An (quận Tây Hồ) hỏi đến gia đình nhiều đời ướp trà sen, ai nấy đều biết đến nghệ nhân Ngô Văn Xiêm. Ông là một trong số ít nghệ nhân đến nay vẫn dành nhiều tâm huyết với nghề ướp trà sen, lưu giữ nét tinh hoa văn hóa đặc trưng của mảnh đất Kinh kỳ.
Thương hiệu trà sen Tây Hồ Người dân Tây Hồ bận rộn vào mùa làm trà sen

Trọn tâm với nghề truyền thống của gia đình

Trà ướp hương sen Tây Hồ là một thức uống tao nhã trong văn hóa của người Hà Nội. Nhắc đến nghề truyền thống ướp trà sen không thể không nói tới phường Quảng An. Trải qua thời gian, ngày nay trà sen đã đem đến niềm tự hào cho người dân nơi đây. Tuy nhiên dưới sự cạnh tranh của thị trường, với phương pháp làm thủ công, nhiều áp lực, số hộ theo nghề ướp trà sen chỉ còn rất ít.

Người thổi hồn vào trà sen
Ba thế hệ trong gia đình ông Xiêm gìn giữ bản sắc nghề ướp trà sen Tây Hồ.

Trò chuyện cùng ông Xiêm trong buổi chiều cuối tháng 6, đúng mùa sen nở, ông Xiêm cho biết bản thân ông cũng không xác định chắc chắn nghề ướp trà sen ở làng có từ bao giờ nhưng ông sinh ra và lớn lên đã gắn bó với nghề ướp trà truyền thống của gia đình. Tuổi thơ của ông gắn liền với hoa, trà sen bởi vậy mà nghề truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm hồn ông.

Nhấp chèn trà nóng, ông Xiêm kể, đến đời con ông, gia đình ông đã có 5 đời làm trà sen. Trước đây, các cụ chỉ ướp trà để uống, đãi bạn và làm quà biếu mỗi dịp lễ, Tết. Khi kinh tế thị trường phát triển, nhiều người tìm đến trà sen như một món quà quý của Hà Nội để làm quà biếu, khiến nhu cầu tăng cao, khi đó ông mới phát triển nghề của gia đình phục vụ nhu cầu của thị trường.

Điều may mắn lớn nhất khi theo nghề mà ông Xiêm có được là sự ủng hộ của vợ và các con. Hàng ngày, vợ ông, bà Lưu Thị Hiền (người phụ trách chính công đoạn sấy trà) cũng miệt mài cùng ông làm nghề. Mỗi mẻ trà phải qua đủ 21 ngày với 7 lần vào hương và 7 lần sấy mới hoàn thành, đủ tiêu chuẩn xuất đi cho khách. Cứ vậy dưới cái nắng 38 - 40 độ C của thời tiết mùa hè, cộng thêm nền nhiệt của lò sấy nhưng bà Hiền vẫn say mê “nâng giấc” cho mỗi mẻ trà mà chưa từng than phiền nhọc nhằn.

Cho tới nay, cùng ông làm nghề không chỉ có vợ, con mà cả các cháu cũng tham gia và các công đoạn làm trà. Gắn bó với nghề truyền thống đã mấy chục năm, đến nay mong ước của ông là con cháu mình sẽ tiếp nối cha ông, giữ cho nghề truyền thống không bị mai một, thất truyền. Cũng vì thế, ông đã cùng các nghệ nhân của làng đăng ký thành công thương hiệu “Chè sen Quảng An”. Với thương hiệu này, những hộ theo nghề sẽ phải tuân thủ chặt chẽ quy trình ướp trà theo bí quyết cổ truyền.

“Ngay từ nhỏ, tôi đã biết tách cánh, phơi nhụy, xem bố mẹ ướp trà. Cứ thế, nghề ướp trà “ngấm” vào tôi lúc nào không biết. Đến giờ, tôi làm trà sen vì đam mê chứ không đặt nặng chuyện kinh doanh lỗ, lãi. Nghề này vốn nhiều vất vả, thức khuya, dậy sớm, phải nâng giấc cho từng mẻ trà sấy bằng phương pháp thủ công, những ngày nắng nóng, ít người chịu được sức nóng trong lò sấy than củi để sấy trà, bởi vậy nhiều hộ đã bỏ nghề. Nếu không tâm huyết thì không thể theo đuổi được nghề này. Biết nghề nhiều vất vả nhưng tôi vẫn muốn giữ nghề của gia đình, hiện tại tôi truyền bí quyết làm trà cho hai con trai và con dâu để các con tiếp tục gìn giữ”, nghệ nhân Xiêm bộc bạch.

Lưu giữ tinh hoa văn hóa

Năm nay nghệ nhân Ngô Văn Xiêm đã bước sang tuổi 76, gắn bó với nghề ướp trà sen mặc dù trải qua những vất vả nhưng chưa khi nào ông cảm thấy chán nản công việc hay mất đi tình yêu nghề. Theo lời kể của ông, tôi nhận thấy trong ông luôn có một niềm tự hào, hãnh diện về nghề với những cảm xúc khó có thể đo, đếm được. Ông như bị nghiện vị đậm chát của trà và bị say hương sen thanh khiết mà mê đắm gắn bó trọn đời. Với ông, làm trà sen là để gói những nét tinh hoa, đặc trưng của Hồ Tây gửi tới khách hàng trong nước và quốc tế để quảng bá thức trà nổi tiếng của làng Quảng An.

Nói về bí quyết để tạo ra những ấm trà sen mang hương vị đặc biệt của người Quảng An, nghệ nhân Ngô Văn Xiêm bộc bạch: “Nghề ướp trà sen khô rất kì công, vất vả, không phải ai cũng làm được. Đòi hỏi người làm phải có tâm, yêu nghề chứ không thể chạy theo lợi nhuận kinh tế. Người làm phải biết độ nóng, nguội của trà, phải kiên trì nâng giấc trong từng mẻ sấy. Chúng tôi làm trà sen hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Trà được sấy theo cách truyền thống bằng than hoa để cho ra hương thơm đặc trưng. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện, trà càng thơm lâu”.

Để phục vụ ướp trà đòi hỏi phải có nguồn hoa sen ổn định, gia đình ông Xiêm đã thuê 7 héc ta đầm ở khu vực hồ Tây để canh tác, trồng sen bách diệp. Hoa sen vốn ưa nguồn đất và nước sạch, do đó ông Xiêm chú trọng trong từng khâu chăm sóc. Khi tôi hỏi về thu nhập từ nghề làm trà sen, ông Xiêm cười, nhẹ nhàng cầm túi trà trên tay, ông bộc bạch: “Chúng tôi làm để giữ nghề truyền thống của gia đình chứ không phục vụ mục đích kinh doanh, bởi lợi nhuận nghề đem lại không lớn như kinh doanh các ngành nghề khác. Nghề làm trà đem lại hương thơm cho gia đình, cho người làm, không mang tính chất cạnh tranh kinh tế”.

Giúp tôi hình dung rõ hơn về lợi nhuận mà nghề ướp trà sen đem lại, nghệ nhân Xiêm nhẩm tính: “Để ướp được 1kg trà sen phải có 1.500 bông hoa sen, cộng với trà loại ngon, sạch. Hiện nay với mức giá mười nghìn đồng/bông hoa sen thì để làm một kg trà sen, chi phí đầu vào đã lên tới trên chục triệu, chưa kể tiền nhân công. Nhiều năm nay, tôi không đặt mục đích thương mại khi làm trà. Tôi làm vì những người khách quen, họ uống trà của tôi và gọi điện đặt hàng. Cứ vậy, đến vụ sen là gia đình tôi làm. Với gia đình tôi quan trọng nhất làm sao đưa đến những mẻ trà thơm ngon, đạt chất lượng tốt nhất tới tay khách hàng”, nghệ nhân Ngô Văn Xiêm chia sẻ.

Với những tâm huyết trong nghề, đến nay trà sen của gia đình ông Xiêm đã được người tiêu dùng đánh giá cao. Sản phẩm đã được lựa chọn, cho phép phục vụ tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Thủ đô Hà Nội năm 2019. Sau Hội nghị, ông Xiêm đã được Ủy ban nhân dân Thành phố tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong phục vụ tại Hội nghị./.

Nguyễn Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này