Lấy ý kiến người dân về tổ chức giao thông trên tuyến xe buýt nhanh BRT

21:08 | 01/07/2022
(LĐTĐ) Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết đang nghiên cứu phương án để đảm bảo phát huy hết làn đường ưu tiên hiện có của buýt nhanh BRT. Về công tác tổ chức giao thông trên tuyến, Sở sẽ lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và quan trọng nhất là được sự đồng tình cao của nhân dân trước khi thực hiện.
Hà Nội: Bắt đầu cấp hộ chiếu phổ thông theo mẫu mới Kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ trong quý II năm 2022

6 tháng đầu năm, nộp ngân sách Thành phố trên 20 tỷ đồng từ hoạt động thu phí đỗ xe

Chiều 1/7, tại buổi họp báo của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, phóng viên đã nêu vấn đề thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố năm 2021 lỗ 8 tỷ đồng trong công tác tổ chức thu phí đỗ xe theo giờ tại 20 tuyến phố. Tại Hà Nội hiệu quả hoạt động của các điểm trông giữ xe dưới lòng đường, trên vỉa hè như thế nào? Cơ quan quản lý có giải pháp thanh kiểm tra gì để tránh thất thoát nguồn thu hay không?

Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, căn cứ Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 5/3/2018 của UBND thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe trên các tuyến đường thuộc Thành phố quản lý; UBND quận, huyện, thị xã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe trên các tuyến đường do UBND quận, huyện, thị xã quản lý và cấp phép sử dụng tạm thời hè phố để đỗ xe trên địa bàn quản lý.

Lấy ý kiến người dân về tổ chức giao thông trên tuyến xe buýt nhanh BRT
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo phát biểu tại cuộc họp báo.

Đơn vị tổ chức cấp phép (Sở Giao thông Vận tải, UBND quận, huyện, thị xã) sẽ thực hiện thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông, giữ xe đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép; Mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo theo quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội và nộp 100% số phí thu được vào Ngân sách nhà nước.

Tổ chức, cá nhân được cấp phép tổ chức thực hiện việc trông, giữ xe và thu giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô trên địa bàn Thành phố theo quy định tại Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của UBND Thành phố về việc Ban hành giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo các quy định trên, thành phố Hà Nội không phải bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách để tổ chức công tác trông, giữ xe và thu phí, ngược lại còn thu được một khoản phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông, giữ xe hàng năm. Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải đã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để trông, giữ xe cho 31 đơn vị với diện tích 31.705m2 trên 134 tuyến đường, phố.

Năm 2021 Sở Giao thông vận tải đã thu phí và nộp ngân sách Thành phố trên 46 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022 đã thu phí và nộp ngân sách Thành phố trên 20 tỷ đồng. Đối với UBND quận, huyện, thị xã đã có 12/30 quận, huyện, thị xã tổ chức cấp phép trông, giữ xe thuộc thẩm quyền với tổng diện tích cấp phép là 91.930m2, đã thu phí và nộp ngân sách Nhà nước theo quy định.

Để tăng cường thu, tránh thất thoát nguồn thu, Sở Giao thông Vận tải đã giao cho Thanh tra giao thông vận tải xây dựng kế hoạch hàng năm, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Công an thành phố, Sở Tài chính, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động trông, giữ xe trên địa bàn thành phố như: Hành vi trông, giữ xe quá diện tích; Trông, giữ xe trái phép, không phép… theo thẩm quyền để tránh thất thoát nguồn thu.

Sở Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi thu sai giá dịch vụ trông giữ xe theo quy định tại Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của UBND Thành phố đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép, để tránh thất thoát nguồn thu. UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong phạm vi thẩm quyền và theo các quy định hiện hành.

Nghiên cứu phương án phát huy ưu tiên hiện có của làn đường BRT

Cũng tại buổi họp báo, một số phóng viên nêu câu hỏi: "Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất cho xe buýt và các loại xe đi vào làn buýt BRT, quan điểm của UBND thành phố Hà Nội về đề xuất này như thế nào và Thành phố có chủ trương phát triển loại hình buýt BRT trong thời gian tới không trước nhiều ý kiến loại hình này hoạt động không hiệu quả?".

Lấy ý kiến người dân về tổ chức giao thông trên tuyến xe buýt nhanh BRT
Toàn cảnh cuộc họp.

Trả lời nội dung này, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, tuyến xe buýt nhanh BRT là tuyến đầu tiên của thành phố Hà Nội triển khai thí điểm, tuyến này chính thức đưa vào hoạt động từ năm 2017, có chiều dài hơn 14km.

Đây là tuyến có làn đường dành riêng, với tần suất khai thác từ 3,5 - 15 phút/lượt trong ngày thường và từ 7 - 15 phút/lượt vào ngày chủ nhật, hoạt động từ 5h sáng đến 22h đêm.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cho biết, lộ trình tuyến BRT đi qua hầu hết các tuyến đường là trục chính có mật độ tham gia giao thông cao như đường Lê Trọng Tấn, đường Lê Văn Lương, đường Tố Hữu. Đặc biệt là vào những giờ cao điểm nên đôi khi xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông trên tuyến.

"Sở Giao thông Vận tải đang nghiên cứu phương án để đảm bảo phát huy hết làn đường ưu tiên hiện có của buýt nhanh BRT, đồng thời phù hợp với công tác tổ chức giao thông trên tuyến", Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải nói và khẳng định, phương án cụ thể thì sẽ được lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và quan trọng nhất là được sự đồng tình cao của nhân dân trước khi thực hiện.

Phương Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này