Khởi tố vụ án vỡ đường ống nước Sông Đà

08:14 | 30/07/2014
Ngày 29.7, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (C46), Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố vụ án vỡ đường ống nước Sông Đà để điều tra.

 

Một trong 9 lần khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sông Đà. Ảnh: Thành An

Chưa khởi tố bị can

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh - Cục trưởng C46 - thì Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án theo Điều 229 Bộ luật Hình sự để điều tra về tội: “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Cũng theo Tướng Thịnh, trước mắt, Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án để điều tra, trong quá trình điều tra nếu xét thấy người nào có hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can để điều tra. Đã có những thông tin cho rằng, sẽ có không ít cán bộ của Vinaconex, thậm chí có cả những người đã nghỉ hưu nhưng khi tại vị có liên quan đến vụ án sẽ bị khởi tố trong một vài ngày tới. 

Cũng trong ngày 29.7, Vinaconex đã có thông báo gửi UB Chứng khoán Nhà nước công bố thông tin vụ việc. Theo đó, vào 8 giờ, ngày 29.7, Cơ quan CSĐT đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự số 03/C46-P10 ngày 24.7.2014 liên quan đến việc thiết kế, phê duyệt, sản xuất và xây lắp tuyến ống truyền tải nước sạch (giai đoạn 1) của Vinaconex. Báo cáo nêu rõ: “Hiện Vinaconex đang phối hợp chặt chẽ với Cơ quan CSĐT để báo cáo, giải trình và làm rõ hơn các nội dung có liên quan đến tuyến ống truyền tải nước sạch Sông Đà (giai đoạn 1) theo yêu cầu.

Vụ án xuất phát từ việc ngay từ khi đưa vào sử dụng, dự án cung cấp nước sạch từ nước mặt Sông Đà cho cư dân thủ đô với tổng trị giá hơn 1.500 tỉ đồng liên tục xảy ra sự cố. Bắt đầu từ tháng 2.2012 đến ngày 12.7.2014 đoạn đường ống này đã 9 lần bị vỡ khiến hàng vạn hộ dân thủ đô Hà Nội điêu đứng vì không có nước sinh hoạt.

 

 Xử lý vỡ đường ống nước sông Đà lần 7. Ảnh: T.L

Bộ Xây dựng nói gì?

Liên quan đến vụ việc này, ông Đỗ Đức Duy- Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Xây dựng - đã cho báo Lao Động biết: Vinaconex là Tổng Cty cổ phần, hoạt động theo điều lệ của Tổng Cty do đại hội cổ đông thông qua trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về DN cổ phần. Đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vinaconex là Tổng Cty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trực thuộc Bộ Tài chính, tổ chức Đảng của Tổng Cty Vinaconex là Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy Hà Nội. 

Vì vậy, Bộ Xây dựng không phải là cơ quan chủ quản của Vinaconex, không được giao làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vinaconex, không trực tiếp quản lý cán bộ lãnh đạo của Vinaconex. Việc xem xét, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân Vinaconex không thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng. 

Tuy nhiên, ông Đỗ Đức Duy cũng khẳng định, ngay khi sự việc vỡ ống nước xảy ra, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương giám định sự cố, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm cũng như đề ra các biện pháp nhằm xử lý, khắc phục sự cố trong trước mắt cũng như lâu dài, để đảm bảo cấp nước an toàn cho nhân dân trong phạm vi cung cấp nước của Nhà máy nước Sông Đà.

Tuy nhiên ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, UBND TP.Hà Nội vẫn giao cho Vinaconex đầu tư giai đoạn II dự án cấp nước Hòa Bình - Hà Nội, trong đó, ưu tiên xây dựng tuyến ống truyền dẫn nước mới từ Hòa Lạc về đường vành đai III (Hà Nội) khiến cho dư luận thủ đô hoài nghi về năng lực của nhà thầu này.

P.V

Điều 229. Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của bộ luật này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Là người có chức vụ, quyền hạn;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 8 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

 

 

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này