Tham nhũng, tiêu cực sẽ được đẩy lùi!

10:20 | 30/06/2022
(LĐTĐ) Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực sự sẽ là “cánh tay nối dài” và theo đúng tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta phát huy hiệu quả hơn nữa, góp phần đẩy lùi tệ tham nhũng, tiêu cực ra khỏi đời sống.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Infographic: Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Bà Nguyễn Thanh Hải làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên
Tham nhũng, tiêu cực sẽ được đẩy lùi!
Ảnh minh họa.

Tháng 5/2012, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã thông qua chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị. Để cụ thể hóa chủ trương trên, ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tiếp đó, để phù hợp hơn với thực tiễn và những vấn đề cấp bách nảy sinh, ngày 16/9/2021, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành quyết định sửa đổi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Qua 10 năm Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đi vào hoạt động, với phương châm “chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm”, “đặt lợi ích nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết”, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt.

Theo báo cáo tóm tắt của Ban Nội chính Trung ương, trong 10 năm qua, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản pháp luật… Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can)…

Mặc dù công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả toàn diện như trên, song theo nhận định của Trung ương vấn nạn tham nhũng còn diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi. Để “kéo giảm” và tiến tới đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ra khỏi đời sống chính trị - kinh tế - xã hội góp phần vào mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, một xã hội không tham nhũng, tại Hội nghị Trung ương 5, Khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo thống kê sơ bộ đến nay đã có 34 tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong bối cảnh tham nhũng ngày càng tinh vi, đi kèm là sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, theo đánh giá của các chuyên gia thì việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố chính là “cánh tay nối dài” để “phủ sóng” trên mọi mặt trận, lĩnh vực trên khắp địa bàn cả nước, nhằm thực hiện đúng phương châm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

Việc thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các tỉnh, thành phố sẽ là mắt xích quan trọng để không những chống mà phòng tham nhũng, tiêu cực hiệu quả hơn. Có Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố vốn “thông thuộc” địa bàn sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị thuộc địa phương mình… cán bộ, đảng viên cũng sẽ rất sợ. “Thanh bảo kiếm” trao xuống tận tay các địa phương, không có lý do gì tham nhũng, tiêu cực không được đẩy lùi.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này