Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022

11:11 | 30/06/2022
(LĐTĐ) Sáng 30/6, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012 - 2022), được truyền trực tuyến tới hơn 4.100 điểm cầu trong cả nước, với sự tham gia của hơn 81.000 đại biểu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị.
Đầu tư bài bản, căn cơ để huyện Đông Anh là thành phố tương lai Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, tháo các "điểm nghẽn" đầu tư công để kinh tế Thủ đô phát triển Bí thư Thành ủy Hà Nội: Quá trình đô thị hóa phải đảm bảo sinh kế cho người dân

Dự Hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội Chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Phan Đình Trạc cùng các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự tại điểm cầu Trung ương.

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: TTXVN)

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, cán bộ làm công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực toàn Thành phố.

Hội nghị nhằm đánh giá thực chất kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được; những hạn chế, yếu kém trong 10 năm qua và sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.

Tại Hội nghị, Trưởng ban Nội Chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Phan Đình Trạc báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022.

Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh: TTXVN)

Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 10 năm qua được thể hiện trên các nhóm vấn đề lớn: Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hàng năm có xu hướng giảm dần; riêng năm 2021 đã có 100% các địa phương đã khởi tố các vụ án mới về tham nhũng...

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từng bước được cải thiện. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng. Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.000 nghị định, quyết định. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành hàng ngàn văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả.

Công tác cán bộ; cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được chú trọng, đạt những kết quả tích cực. Công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đổi mới, tăng cường; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phát huy tốt hơn.

Ban Chỉ đạo và các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chú trọng kiện toàn về tổ chức, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Thành ủy Hà Nội
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Thành ủy Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Công)

Dưới sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hoạt động của Ban Chỉ đạo có nhiều đổi mới, nền nếp, bài bản, khoa học, quyết liệt và hiệu quả: tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; quyết liệt chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, với nhiều cơ chế, giải pháp, cách làm bài bản, hiệu quả và không chịu tác động không trong sáng của tổ chức, cá nhân nào; chọn những khâu yếu, việc khó trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc; chú trọng tổng kết thực tiễn, kịp thời sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương (Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực), 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị xử lý do tham nhũng. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (đầu năm 2021) đến nay, 50 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Lao động Thủ đô tiếp tục cập nhật thông tin Hội nghị.

Tháng 5/2012, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã thông qua chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị. Để cụ thể hóa chủ trương trên, ngày 01/02/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tiếp đó, để phù hợp hơn với thực tiễn và những vấn đề cấp bách nảy sinh, ngày 16/9/2021, thay mặt BCH Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành quyết định sửa đổi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hải Lý - Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này