Phát triển giao thông xanh: Tất yếu và không thể chần chừ

09:10 | 30/06/2022
(LĐTĐ) Hà Nội đã và đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm và quá tải hạ tầng giao thông. Ô nhiễm từ giao thông đô thị cũng được xem là một trong những tác nhân gây ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chất lượng môi trường sống…đặc biệt là tới sức khỏe con người. Chính vì vậy, phát triển giao thông xanh là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững.
Nỗ lực phát triển giao thông xanh, thông minh Hà Nội nỗ lực phát triển "giao thông xanh" từ giải pháp xe đạp công cộng

Xu hướng phát triển tất yếu

Theo các chuyên gia, giao thông xanh có thể hiểu là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là góp phần tham gia giao thông xanh.

Phát triển giao thông xanh: Tất yếu và không thể chần chừ
Hà Nội đang nỗ lực đồng bộ hạ tầng giao thông, hướng đến phát triển giao thông xanh. Ảnh: Đinh Luyện

Tại Hà Nội, định hướng phát triển giao thông xanh cũng được thể hiện rõ. Dễ thấy, Hà Nội đã xem việc phát triển loại hình xe buýt thân thiện với môi trường là một trong những giải pháp quan trọng hướng tới giao thông xanh. Đặc biệt, vấn đề này đã xác định rõ tại Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 và Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030”.

Theo đó, việc đưa vào vận hành các tuyến xe buýt điện được xem là giải pháp mới mang tính đột phá, góp phần từng bước tiến gần mục tiêu đến năm 2030 đạt 20% số lượng đoàn xe buýt trên địa bàn Hà Nội sử dụng nhiên liệu CNG, động cơ điện.

Tại cuộc tọa đàm “Giải pháp cho giao thông bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030” do báo Kinh tế và Đô thị tổ chức ngày 28/6, ông Nguyễn Công Nhật, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus cho biết, buýt điện đã và đang góp phần làm thay đổi hình ảnh xe buýt trong mắt người dân đẹp hơn, thân thiện hơn..., thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn. Đặc biệt, bằng việc đưa xe buýt điện không phát thải vào vận hành, Vinbus sẽ góp phần làm giảm số lượng CO2 thải ra môi trường lên tới 22.000 tấn/năm.

“Việc mở rộng triển khai dịch vụ sẽ giúp giảm càng nhiều CO2 mà vẫn đảm bảo được khối lượng lượt khách gia tăng”, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tuyển - Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, Hà Nội đã có kế hoạch phát triển phương tiện công cộng đến năm 2030. Theo kế hoạch, thì đã có sự phân chia lượng hành khách nhất định như xe buýt đảm nhận 25%, tàu điện đảm nhận 3 - 4%... Đáng chú ý, Hà Nội hiện đã có hơn 2.000 xe buýt, trong đó số lượng phương tiện sử dụng năng lượng sạch đạt trên 10%.

“Hà Nội có định hướng phát triển phương tiện sử dụng năng lượng sạch, hiện nay đã có 8 tuyến xe buýt chạy bằng năng lượng điện. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu với Thành phố thay thế những tuyến xe buýt trong nội đô trở thành những chiếc xe năng lượng sạch. Đồng thời, tiếp tục phát triển những phương tiện với sức chứa nhỏ hơn như xe đạp công cộng, xe điện cỡ nhỏ để tăng cường kết nối mạng lưới phương tiện công cộng. Hà Nội đang có đơn vị đề xuất thí điểm thực hiện xe đạp công cộng, chúng tôi đang hướng dẫn đơn vị thực hiện, nghiên cứu sao cho phù hợp với Hà Nội”, ông Nguyễn Tuyển thông tin.

Hoàn thiện chính sách

Theo GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên trường Đại học Giao thông Vận tải, hiện Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn nói chung phải đương đầu với 5 vấn đề lớn của đô thị là nhà ở, việc làm, giao thông đô thị, môi trường và nước sạch. Trong đó, ở Hà Nội lo ngại nhất là tình trạng ách tắc giao thông đang ngày càng trầm trọng. Nguyên nhân của tình trạng trên là do hạ tầng giao thông không theo kịp sự phát triển của phương tiện giao thông. Trong khi đó, phương tiện giao thông công cộng mới chỉ đáp ứng tỉ lệ rất nhỏ, ở chiều ngược lại thì phương tiện cá nhân, nhất là xe máy lại đang có xu hướng phát triển bùng nổ.

Tại Hà Nội, định hướng phát triển giao thông xanh cũng được thể hiện rõ. Dễ thấy, Hà Nội đã xem việc phát triển loại hình xe buýt thân thiện với môi trường là một trong những giải pháp quan trọng hướng tới giao thông xanh.

“Trong bối cảnh ùn tắc giao thông đang ngày càng trầm trọng và được dự đoán vẫn sẽ là vấn đề nhức nhối trong 20 năm tới thì đã đến lúc chúng ta cần có bài toán cải thiện và khắc phục trong đó có giải pháp phát triển phương tiện công cộng có sức chứa lớn và xe điện”, GS.TS Từ Sỹ Sùa đưa ra cảnh báo.

Cũng theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, việc chuyển đổi năng lượng sử dụng, trong đó có năng lượng sử dụng cho phương tiện giao thông có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện môi trường. Lấy ví dụ về Bắc Kinh của Trung Quốc. GS.TS Từ Sỹ Sùa cho biết, khi Bắc Kinh đăng cai Olympic 2008 đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối do tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của thành phố này. Để khắc phục, Bắc Kinh đã cam kết và thực hiện một loạt các giải pháp để cải thiện môi trường. Đáng chú ý, trong các giải pháp được áp dụng có giải pháp thay đổi phương tiện giao thông ở Bắc Kinh bằng phương tiện sử dụng năng lượng sạch và việc làm quyết liệt này đã mang lại những hiệu quả tích cực.

Ở góc độ đơn vị nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế năng lượng sạch, ông Vũ Thắng - Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc VinFast chia sẻ, sở dĩ VinFast hướng tới xe điện mục đích chính là nhằm giải quyết vấn đề về ô nhiễm môi trường. Nói cách khác, hiện nay, khoảng 30% ô nhiễm môi trường có liên quan đến giao thông nên VinFast muốn phát triển phương tiện xanh vì đây là xu hướng của thế giới, không thể đảo ngược và ngày càng phát triển.

Theo thông tin từ ông Vũ Thắng - Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc VinFast, hiện đơn vị không ngừng nghiên cứu và đưa ra thêm nhiều giải pháp để loại hình công cộng xanh phát triển hơn. “Với VinGroup, VinFast và Vinbus đều đang xây dựng hệ thống xe điện thân thiện hơn với môi trường. Về phương tiện xe điện công cộng Vinbus được xem là đơn vị đầu tiên triển khai tại Việt Nam. Sau nửa năm hoạt động, Vinbus đã được nhiều khách hàng quan tâm, tạo cơ hội mở rộng nhiều hơn. Đây là tín hiệu cho thấy phương tiện giao thông công cộng xanh được ủng hộ và là mong chờ của người dân”, ông Vũ Thắng chia sẻ.

Đó là những thuận lợi, ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Trung tâm phát triển trạm sạc VinFast cũng nêu ra một số khó khăn mà các doanh nghiệp ứng dụng năng lượng sạch đã và đang phải đối mặt là hiện nay, chính sách hỗ trợ cho xe điện ở Việt Nam còn khá ít. Hiện Nhà nước mới có sự hỗ trợ về thuế suất tiêu thụ đặc biệt. Trong khi đó, quy chuẩn chung về hạ tầng trạm sạc cũng chưa có nhiều. Bởi vậy, trong tương lai, để doanh nghiệp phát triển phương tiện giao thông xanh, cần rất nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước.

Rõ ràng, phát triển đô thị xanh, giao thông xanh là định hướng mang tính chiến lược, cần có sự quan tâm vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương và toàn thể cộng đồng. Để phát triển giao thông theo đúng định hướng, Thành phố cần tăng thêm nhiều ưu đãi để thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hướng tới sử dụng xe buýt chạy bằng khí thiên nhiên, điện. Coi yếu tố xanh là một trong những tiêu chí bắt buộc trong việc cạnh tranh quyền khai thác các tuyến vận tải công cộng. Đồng thời, đưa ra các biện pháp hạn chế xe cá nhân lưu thông để hướng người dân đến với dịch vụ vận tải công cộng, vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế, vừa hạn chế những trở ngại cho phương tiện công cộng khi lưu thông trên đường./.

Đinh Luyện - Phan Thanh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này