Cần sớm nghiên cứu để Lịch sử trở thành môn học bắt buộc

10:01 | 24/06/2022
Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV yêu cầu Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội về việc lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục cấp THPT. Hiện nay, giáo viên, các trường học đang chờ hướng dẫn của Bộ GDĐT với môn học Lịch sử để chuẩn bị kế hoạch cho năm học mới 2022-2023.
Tham vấn chuyên gia về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và dạy học môn Lịch sử Đề nghị giữ quy định Lịch sử là môn học bắt buộc với bậc trung học phổ thông
Cần sớm nghiên cứu để Lịch sử trở thành môn học bắt buộc
Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) thuyết trình trong môn học Lịch sử. Ảnh: H.Thảo

Nghiên cứu để môn Lịch sử là môn học bắt buộc cấp THPT

Theo nghị quyết, Quốc hội yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học; triển khai có hiệu quả, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn Lịch sử; nghiên cứu tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội về môn Lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục cấp THPT...

Đón nhận thông tin này, nhiều giáo viên, cử tri và nhân dân trong nước vui mừng trước nghị quyết của Quốc hội đã đề cập tới định hướng của môn Lịch sử trong chương trình bậc THPT.

Ông Trần Trung Hiếu - giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) - cho rằng: “Mỗi môn học đều có vai trò, nhiệm vụ khác nhau trong việc cung cấp kiến thức phổ thông, nhưng Lịch sử là môn học đặc thù và đặc biệt. Lịch sử luôn gắn liền và song hành với chính trị, là cội nguồn của mọi quốc gia, dân tộc, thể chế. Giá trị lớn nhất của giáo dục lịch sử là giúp hậu thế phải rút ra những bài học kinh nghiệm từ quá khứ và giáo dục cho thế hệ trẻ biết rõ cội nguồn gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước, biết quý trọng những giá trị của lịch sử để kế thừa và phát huy các giá trị đó cho hiện tại và tương lai”.

Ông Hiếu kiến nghị Bộ GDĐT rất cần có tinh thần cầu thị, bình tĩnh tiếp thu sự phản biện và ý kiến của Quốc hội, cẩn trọng rà soát lại những chỗ còn bất cập để điều chỉnh, cân nhắc các phương án phù hợp.

“Chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận thực trạng dạy học môn Lịch sử trong nhiều năm qua còn những bất cập mà chính giáo viên cũng cần đổi mới phương pháp dạy sử để đến mỗi tiết học môn Lịch sử tạo cho học sinh hứng thú hơn, say mê hơn, dù nhiều em không chọn Lịch sử là môn thi. Nhưng muốn đổi mới mang lại hiệu quả hơn từ đội ngũ các giáo viên sử thì Bộ GDĐT phải thay đổi cách nhìn nhận và kiểu hành xử với môn Lịch sử. Đừng xem Lịch sử như là 1 “môn phụ” - ông Trần Trung Hiếu thẳng thắn bày tỏ.

Mong sớm có hướng dẫn để kịp chuẩn bị cho năm học mới

Chia sẻ về công tác triển khai cho chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu ở lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023 tới, ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - cho hay, việc triển khai Chương trình phổ thông mới có những khó khăn nhất định, một số nơi lúng túng trong tổ hợp môn học, một số môn học như Mỹ thuật, Âm nhạc trong điều kiện cơ sở vật chất hiện tại, đội ngũ giáo viên cũng chưa thể đáp ứng được.

Mặt khác, dư luận xã hội cũng có ý kiến khác nhau về môn Lịch sử là bắt buộc hay lựa chọn.

“Các nhà trường tuy có khó khăn nhưng không quá lớn, chỉ còn lúng túng nhất chỗ môn Lịch sử. Vì thế, chúng tôi đều mong Bộ GDĐT có phương án, hướng dẫn sớm nhất để giải quyết những khó khăn trong nhà trường, giúp nhà trường sớm hoàn thiện kế hoạch giảng dạy” - ông Bình cho hay.

Trả lời Lao Động, một thành viên tham gia nhóm biên soạn chương trình Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, trước khi Quốc hội ra Nghị quyết thì Bộ GDĐT theo chỉ đạo của Chính phủ đã tổ chức 4-5 cuộc họp chuyên gia và những người có trách nhiệm đã bàn bạc “nát nước” các hướng, để lựa chọn phương án tối ưu. Tuy nhiên, phương án nào cũng có ưu điểm và hạn chế nhất định do đó hiện chưa “chốt” phương án cuối cùng.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua từ năm 2018. Sau 4 năm chuẩn bị, khi sắp được triển khai với lớp 10 vào năm học 2022-2023 đã nhận ý kiến trái chiều về việc Lịch sử là môn tự chọn. Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã nêu ra thực trạng này.

Tại phiên họp toàn thể ngày 22/.5, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề xuất giữ môn học Lịch sử là bắt buộc ở bậc THPT. Ngày 2/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ GDĐT tổ chức hội thảo với các đơn vị liên quan, nhà khoa học để đánh giá toàn diện về chương trình giáo dục môn Lịch sử, đề xuất phương án phù hợp.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 4/6, Thủ tướng đã yêu cầu tiếp tục nghiêm túc, cầu thị lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, xử lý, có giải pháp kịp thời, vừa bảo đảm chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vừa phù hợp thực tiễn, đáp ứng mong muốn của người dân và các chuyên gia; cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập môn Lịch sử. Thủ tướng cũng gợi ý, có thể quy định theo hướng môn Lịch sử vừa có phần bắt buộc, vừa có phần tự chọn.

Theo người đứng đầu Chính phủ, truyền thống văn hóa lịch sử cũng là một nguồn lực, đầu tư cho giáo dục, văn hóa, lịch sử là đầu tư cho sự phát triển. Với các chính sách tác động tới toàn dân, lợi ích chính đáng của người dân thì phải thận trọng, tính toán kỹ lưỡng.

Theo Huyên Nguyễn/Laodong.vn

https://laodong.vn/giao-duc/can-som-nghien-cuu-de-lich-su-tro-thanh-mon-hoc-bat-buoc-1059937.ldo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này