Giấy phép lái xe giả, hệ lụy thật - Kỳ cuối: Người dân không sử dụng, giấy phép lái xe giả sẽ hết "đất" sống

16:48 | 23/06/2022
Có thể khẳng định, hành vi bán giấy phép lái xe (GPLX) giả trên các website và các tài khoản Facebook là phạm pháp. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, hành vi sử dụng GPLX giả còn nguy hiểm hơn các loại giấy tờ giả khác như văn bằng chứng chỉ, vì vậy cần tăng chế tài xử phạt thậm chí là xử lý hình sự với các trường hợp nghiêm trọng.
Giấy phép lái xe giả, hệ lụy thật - Kỳ 1: Những lời dẫn dụ người mua trên mạng xã hội Giấy phép lái xe giả, hệ lụy thật - Kỳ 2: "Treo" tính mạng dưới bánh ô tô

Hành vi vi phạm pháp luật

Luật sư Lê Thị Quyên (Công ty Luật Công ty Luật Hợp danh The Light) cho biết: Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (BLHS) hành vi làm giả GPLX bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 341 BLHS). Trong trường hợp này, mức phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù. Bên cạnh đó, hành vi làm giả GPLX nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác còn có thể bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS) nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Như vậy, làm giả bằng lái xe, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người khác để thực hiện hành vi cung cấp bằng lái xe giả nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu tài sản trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 174 BLHS thì có thể bị truy tố hình sự với khung hình phạt cao nhất từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Vì thế, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả 2 tội tại Điều 174 và Điều 341.

Giấy phép lái xe giả, hệ lụy thật - Kỳ cuối: Người dân không sử dụng, giấy phép lái xe giả sẽ hết

Mua bán, sử dụng bằng lái xe giả là hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, theo luật sư Lê Thị Quyên, việc sử dụng bằng lái xe giả cũng bị xử lý rất nghiêm khắc. Pháp luật quy định người có hành vi sử dụng bằng lái xe giả có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định tại Khoản 11, Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 21, Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, mức xử phạt phụ thuộc vào loại phương tiện do người đó sử dụng, cụ thể:

Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự, người điều khiển phương tiện giao thông cố ý sử dụng GPLX giả để qua mắt cơ quan chức năng sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội Làm giả con giấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc sử sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức, theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Như vậy, việc làm giả hay sử dụng GPLX giả đều được pháp luật quy định rõ ràng và có những khung hình phạt tương xứng với từng hành vi. Việc các đối tượng bất chấp luật pháp buôn bán, sử dụng bằng lái xe giả là hành vi vi phạp pháp luật và gây nguy hại cho xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của những kẻ sử dụng bằng giả khi tham gia giao thông.

Cần tăng chế tài xử phạt

Trên thực tế, việc buôn bán GPLX giả tràn lan, công khai, coi thường pháp luật của các đối tượng trên các nền tảng mạng xã hội đã được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý. Từ trước đến nay, lực lượng công an đã từng bắt rất nhiều vụ liên quan đến việc làm bằng giả.

Mới đây, trong tháng 4/2022, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an thành phố Hà Nội cũng đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ, triệt phá 5 ổ nhóm làm giả GPLX ô tô, mô tô có quy mô liên tỉnh, tạm giữ 44 đối tượng liên quan. Lực lượng chức năng đã phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ đồng loạt triển khai 12 tổ công tác tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nam Định, khám xét tại 12 địa điểm liên quan đến đường dây làm GPLX giả có quy mô lớn.

Giấy phép lái xe giả, hệ lụy thật - Kỳ cuối: Người dân không sử dụng, giấy phép lái xe giả sẽ hết
Mới đây, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an thành phố Hà Nội cũng đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ, triệt phá 5 ổ nhóm làm giả giấy phép lái xe ô tô, mô tô có quy mô liên tỉnh.

Cơ quan công an đã triệu tập, đưa về trụ sở tổng số 44 đối tượng có liên quan; tạm giữ số đồ vật có liên quan gồm: 400 bộ hồ sơ giấy phép lái xe ô tô, xe máy giả (giấy khám sức khỏe, kết quả thi sát hạch, GPLX ô tô, xe máy); 10.800 miếng ni-lon dán thẻ nhựa giấy phép lái xe; 4 tập tem tròn in chữ “Tổng cục đường bộ Việt Nam”; 7 máy in màu; 4 máy in thẻ nhựa; 9 bộ máy tính cây và 1 laptop; 25 thùng giấy chứa khoảng 50 nghìn phôi nhựa bằng lái xe máy giả; 3 máy ép; 1 máy cắt, dập; 45 điện thoại di động các loại...

Mặc dù thường xuyên bắt, xử lý các đối tượng mua, bán, sử dụng GPLX giả nhưng một số cán bộ Công an cho rằng, hiện nay, việc xử lý vi phạm sử dụng bằng giả quá nhẹ, chỉ ở mức xử phạt hành chính.

Nói về việc cần quyết liệt hơn trong việc xử lý “nạn” GPLX giả, ông Nguyễn Đại Thắng - Giám đốc một công ty vận tải trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, cho rằng, tình trạng có lái xe sử dụng GPLX giả khi xin vào công ty, tham gia giao thông, doanh nghiệp cũng “bó tay”. Vì doanh nghiệp không phải là cơ quan chuyên môn nên rất khó xác định GPLX giả hay thật.

“Chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý, lực lượng chức năng xử lý nghiêm tình trạng mua bán, sử dụng giấy phép lái xe giả. Đồng thời phối hợp doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc giấy phép lái xe của những lái xe vào đơn vị làm việc. Như vậy sẽ ngăn chặn, hạn chế được tình trạng lái xe sử dụng giấy phép lái xe giả để điều khiển phương tiện tham gia giao thông, giữ an toàn giao thông trong quá trình vận tải hàng hóa, hành khách; doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn trong công tác quản lý”, ông Nguyễn Đại Thắng cho biết.

Giấy phép lái xe giả, hệ lụy thật - Kỳ cuối: Người dân không sử dụng, giấy phép lái xe giả sẽ hết
Bằng nghiệp vụ, kinh nghiệm, lực lượng Công an cho biết việc kiểm tra GPLX thật hay giả không khó. (Ảnh minh họa)

Còn theo ông Vũ Ngọc Quỳnh - Giảng viên Trung tâm Công nghệ ô tô và Đào tạo lái xe (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội), để nạn mua, bán GPLX giả được xử lý triệt để thì theo công tác tuyên truyền là quan trọng nhất. Theo đó, cần nâng cao chất lượng tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là tại các nhà trường.

“Trên thực tế, tôi cũng đã thấy tại nhiều trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở đã đưa nội dung tuyên truyền các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông; khuyến cáo không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, ví dụ như không mua, bán GPLX giả… vào trong các chương trình ngoại khóa. Bên cạnh việc tuyên truyền, theo tôi, các cơ quan chức năng cũng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tăng chế tài xử phạt… để xử lý tận gốc vấn đề”, ông Quỳnh nhấn mạnh.

Cùng với cố gắng của lực lượng chức năng, mỗi người dân cũng cần tự giác nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình, sử dụng GPLX đúng quy định theo loại xe mình điều khiển đã được cơ quan có thẩm quyền cấp để tham gia giao thông an toàn, tránh để tiền mất, tật mang, làm ảnh hưởng xấu cho cộng đồng…

2 cơ quan có thẩm quyền cấp GPLX đó là:

Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Cơ quan có thẩm quyền cấp GPLX trong phạm vi cả nước và những đối tượng thuộc quyền quản lý của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Người có hộ khẩu ngoài tỉnh vẫn có thể tham gia kỳ thi sát hạch ở bất kỳ tỉnh nào khi có nhu cầu để được cấp Giấy phép lái xe thông qua Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Sở Giao thông vận tải: Cơ quan có thẩm quyền cấp GPLX trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Người có hộ khẩu thường trú của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào thì sẽ được Sở Giao thông vận tải của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của nơi đó cấp GPLX khi có nhu cầu.

K. Tiến - M.Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này