Lan tỏa các mô hình chung tay bảo vệ môi trường

16:11 | 23/06/2022
(LĐTĐ) “Chung tay hành động vì Hà Nội xanh” là thông điệp đang được thành phố Hà Nội triển khai nhân Tháng hành động vì môi trường năm nay. Từ thông điệp đó, thời gian qua, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực trong việc chung tay bảo vệ môi trường.
Sôi nổi ngày hội “Chung tay hành động vì Hà Nội xanh” Hà Nội: Các tổ chức tôn giáo Thành phố chung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu Tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn Thủ đô là cần thiết

Từ các mô hình thiết thực

Xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo vệ môi trường đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, những năm qua, Hà Nội luôn chú trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên hệ thống truyền thông, tuyên truyền trực quan thông qua kẻ vẽ pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu…

Tại các quận, huyện, khu dân cư… trên địa bàn Thành phố cũng đã có những cách làm hay, sáng tạo đem lại hiệu quả thiết thực từ các mô hình bảo vệ môi trường. Có thể kể đến, tại xã Lê Lợi (huyện Thường Tín), Hội nông dân xã đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia bảo vệ môi trường bằng nhiều mô hình, hoạt động thiết thực, góp phần hình thành lối sống xanh, sạch, đẹp, an toàn trong đời sống, sản xuất của người dân.

Lan tỏa các mô hình chung tay bảo vệ môi trường
Lắp đặt thùng đựng vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật tại xã Lê Lợi.

Theo đó, nông dân xã Lê Lợi đã chủ động triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường như thành lập tổ thu gom rác; tổ chức phong trào vệ sinh môi trường; trồng và chăm sóc cây xanh… Để mỗi hội viên nông dân, mỗi người dân xã Lê Lợi đều là những tuyên truyền viên và trực tiếp tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng xóm, làng xanh.

Nhằm bảo vệ môi trường đồng ruộng góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới, gần đây, Hội nông dân xã Lê Lợi triển khai lắp đặt thùng đựng vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng thôn An Cảnh. Hội nông dân xã đã trích kinh phí của hội lắp đặt 4 thùng nhựa có nắp đậy đặt tại cánh đồng của thôn An Cảnh để bà con thu gom vỏ bao, lọ đựng, lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, Hội nông dân xã vận động nhân dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân xanh, phân hữu cơ tại chỗ kết hợp với phân hóa học, không dùng phân tươi bón trực tiếp cho cây trồng. Việc triển khai lắp đặt các thùng đựng vỏ thuốc bảo vệ thực vật chỉ là một trong nhiều hoạt động, phong trào của nông dân xã Lê Lợi nhằm bảo vệ môi trường, xây dựng làng quê xanh.

Là địa phương có chợ gia cầm Hà Vỹ lớn nhất miền Bắc, để cho công tác bảo vệ môi trường đạt hiệu quả, Hội Nông dân xã Lê Lợi đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân ký cam kết sản xuất sạch, bảo vệ môi trường chăn nuôi, giết mổ trong gia đình và tại các gian hàng trong chợ.

Hội Nông dân xã Lê Lợi đã phát động toàn dân sử dụng thùng rác có nắp đậy. Sau phát động đã có 288/300 hộ đăng ký tham gia, kinh phí do các hộ tự nguyện đóng góp. Hội nông dân xã đã phân công hội viên cùng các hội viên trong tổ thu gom rác của xã đi kiểm tra các điểm bố trí thùng rác, đến từng gia đình hướng dẫn người dân phân loại rác, để rác đúng quy định...

Ông Hà Văn Chí, Chủ tịch Hội nông dân xã Lê Lợi, cho biết: Việc phát động nhân dân sử dụng thùng rác có nắp đậy đã mang lại hiệu quả thiết thực, đường làng lối xóm không còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi. Đa số các hộ tham gia đều chấp hành tốt việc phân loại, xử lý rác thải, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Hội nông dân xã sẽ duy trì và tiếp tục hướng dẫn người dân thực hiện tốt mô hình, góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Lan tỏa những hành động xanh

Không chỉ tại huyện Thường Tín mà trên địa bàn quận Hà Đông, thời gian qua, mô hình “Giờ môi trường trong ngày, ngày môi trường trong tuần” tại chung cư 8A-8B, Tổ dân phố số 6, Khu đô thị Văn Quán cũng đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực.

Theo đó, sân chung cư của 2 tòa nhà 8A và 8B nơi nhiều người dân xuống vui chơi, tập thể dục thể thao, tham gia các hoạt động xã hội. Do lượng người tập trung sinh hoạt đông, kéo theo đó là một số bộ phận người dân chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung, xả rác, giấy, chất thải bừa bãi làm ô nhiễm cảnh quan chung của khu chung cư.

Lan tỏa các mô hình chung tay bảo vệ môi trường
Nhiều mô hình thiết thực trong việc chung tay bảo vệ môi trường đã được lan tỏa đến mọi người dân.

Ban đầu, công tác môi trường gặp nhiều khó khăn do người dân bỏ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định. Trước thực trạng đó, Hội phụ nữ khu đã phát động, vận động chị em hội viên thực hiện mô hình: “Giờ môi trường trong ngày, ngày môi trường trong tuần”.

Kể từ khi phát động mô hình này, các hộ gia đình, thành viên hộ gia đình thuộc hai tòa chung cư đều hưởng ứng rất nhiệt tình. Hơn cả mong đợi, phong trào còn được các hộ gia đình ở khu liền kề xung quanh chung cư hưởng ứng, cùng góp sức góp công. Không những vậy, các gia đình còn tự nguyện góp tiền, mua những thùng rác lớn đặt ở các góc sân và treo các biển báo để cư dân tòa nhà cùng như người dân nơi khác đến được chỉ dẫn vứt rác đúng nơi quy định.

Còn tại huyện Thạch Thất, thời gian qua, phong trào “Phụ nữ Thạch Thất chung tay bảo vệ môi trường năm 2022” cũng đã lan tỏa với nhiều hoạt động thiết thực. Đồng chí Khuất Thị Khuyên - Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên trong toàn huyện tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường bằng các hoạt động cụ thể; phát động phong trào, triển khai các công trình, phần việc bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình làn nhựa đi chợ, đoạn đường nở hoa, nâng cao hiệu quả mô hình đoạn đường phụ nữ tự quản, phân loại rác thải tại hộ gia đình. Tiếp tục triển khai thực hiện quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trong đó, chú trọng triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn, trao tặng thùng rác nhựa cho các hộ gia đình.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường như: Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố; các chỉ thị của UBND thành phố về hạn chế sử dụng bếp than tổ ong; về hạn chế đốt rơm rạ...

Sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, thành phố đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm; tăng cường thẩm định hồ sơ, cấp phép về bảo vệ môi trường trên địa bàn.

K.Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này