Thị trường lao động có nhiều tín hiệu khởi sắc

12:01 | 22/06/2022
(LĐTĐ) Đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, kinh tế phục hồi đã giúp cho thị trường lao động từ đầu năm 2022 đến nay có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Tăng lương để tăng năng suất lao động và ổn định thị trường lao động Hà Nội nỗ lực giải quyết việc làm cho người lao động Cơ hội để người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động

Thị trường lao động từng bước phục hồi

Sau thời gian bùng phát dữ dội, từ đầu năm 2022, dịch bệnh Covid-19 đã dần dần được kiểm soát. Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội cùng với nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động của Chính phủ đã phát huy tác dụng, giúp cho thị trường lao động từ đầu năm tới nay có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Thị trường lao động có nhiều tín hiệu khởi sắc
Tư vấn, giới thiệu việc làm tại một phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Lê Văn Thanh nhận định, bước sang năm 2022, thị trường lao động đang phục hồi trở lại. Theo đó, quý I/2022 nguồn cung lao động là 51,2 triệu người, tăng 160 ngàn người so với cùng kỳ. Cầu lao động cũng đã tăng trở lại, trong đó nhu cầu tuyển dụng năm 2022 của doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021. Đáng chú ý, số lao động thất nghiệp, thiếu việc làm giảm giảm 489 ngàn người so với quý IV năm 2021, còn 1,1 triệu người (tương đương 2,46%). Cùng với đó, xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động quay trở lại chiều hướng tích cực, trong đó giảm lao động trong khu vực nông nghiệp và tăng lao động trong khu vực công nghiệp, dịch vụ so với quý IV/2021 (tỷ lệ lao động nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ hiện tại là 27,8% - 33,5% - 38,7%).

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2022, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động khoảng 1,3 triệu người, giảm 135.200 người so với quý trước. So với quý IV/2021, số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 đã giảm mạnh, từ 24,7 triệu người, xuống còn 16,9 triệu người (giảm 7,8 triệu người). Ngược lại, số người gia nhập lực lượng lao động tăng thêm 500.000 người; lao động có việc làm tăng gần 1 triệu người. Thu nhập bình quân tháng của người lao động đã dần được cải thiện, đạt 6,4 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, bên cạnh tín hiệu khởi sắc, những biểu hiện thiếu bền vững của thị trường lao động cũng bộc lộ rõ nét hơn. Đó là nguồn cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, nhất là đối với lao động có trình độ chuyên môn cao. Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ cao hơn những năm trước đại dịch, trong đó chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ là những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Cơ cấu lao động giữa khu vực chính thức và phi chính thức cũng chưa thể trở lại trạng thái trước khi có dịch bệnh và đang thiếu những động lực tích cực để thúc đẩy cho sự chuyển dịch mạnh mẽ số lao động phi chính thức sang chính thức.

Đáng chú ý, theo các chuyên gia, thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều thách thức khi chất lượng nguồn lao động vẫn chưa đạt yêu cầu do tay nghề thấp, thiếu kỹ năng mềm. Bên cạnh đó là khả năng thích ứng của người lao động với các phương thức, mô hình làm việc mới. Việc chưa thể làm quen đã khiến người lao động khó bắt kịp tốc độ đổi mới của doanh nghiệp, làm chậm quá trình phục hồi. Dịch bệnh tác động đến tâm sinh lý của người lao động cũng làm giảm năng suất và làm kém đi hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Cần chiến lược đồng bộ để tiếp tục phát triển thị trường lao động

Tại hội thảo “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19”- một hoạt động nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ tư do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, cần tạo môi trường phục hồi và phát triển thị trường lao động, đáp ứng cao nhất nhu cầu phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng lao động; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về quan hệ cung - cầu lao động; hoàn thiện nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm việc làm. Để làm được điều này, ông Ngọ Duy Hiểu đề xuất sớm cải tiến, hoàn thiện chính sách về tiền lương, an sinh xã hội, sửa đổi toàn diện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nâng cấp chuẩn nhà trọ hiện hữu.

Sở LĐTBXH thành phố Hà Nội cho biết, 5 tháng đầu năm 2022, toàn Thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 96.931/160.000 lao động. Trong đó, có 29.444 lao động được tạo việc làm thông qua vay vốn từ nguồn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; 628 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; 6.646 lao động tìm được việc làm thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm; tự tạo việc làm và qua báo cáo kết quả tư vấn, giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn Thành phố là 60.213 lao động. Ước 6 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố Hà Nội giải quyết việc làm cho 117.931 lao động, đạt 73,7% kế hoạch năm, tăng 20.066 lao động, tương đương tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong những tháng cuối năm 2022, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy thị trường lao động: Rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm; triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất; khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp truyền thống.

Đối với cơ cấu lao động chính thức và phi chính thức đang lệch pha, Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan phù hợp với Bộ luật Lao động nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức. Trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho lao động, phát triển các tổ chức tài chính và tài chính vi mô dành cho khu vực kinh tế phi chính thức.

Ở góc độ khác, TS.Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động cho rằng, trong bối cảnh mới, một số ngành nghề khả năng thiếu hụt lao động, để giữ chân lao động cần có kế hoạch dài hơi. Điểm nghẽn lớn nhất bây giờ là chất lượng nguồn lao động. Vì vậy, phải quan tâm đến việc đào tạo, đào tạo lại để phù hợp với sự phục hồi và mở rộng của thị trường, đồng thời cần gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, yêu cầu phát triển kinh tế của từng vùng. Hệ thống trung tâm đào tạo việc làm phải có những cải cách tốt, tăng nhu cầu kết nối việc làm trên diện rộng hơn để người lao động có thể nắm bắt. Về phía doanh nghiệp phải tạo được môi trường làm việc tốt như an toàn việc làm, nâng mức tiền lương, thực hiện nghĩa vụ an sinh xã hội. Cùng với đó phải tăng cường cung cấp thông tin về thị trường và phối hợp với người lao động để tổ chức đào tạo lại.

Lãnh đạo Bộ LĐTBXH thì cho rằng, để phục hồi chuỗi cung ứng lao động, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm đặt trong tổng thể Chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Trước mắt, Bộ LĐTBXH đã đề xuất và triển khai nhiều giải pháp, như tập trung bảo đảm an sinh xã hội cơ bản cho người lao động, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng chuyển đổi số, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường kết nối cung - cầu lao động để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực… Về lâu dài, cần giải quyết những vấn đề cốt lõi mang tính chất quyết định đến sự phát triển của thị trường lao động là chính sách về tiền lương, an sinh xã hội, chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…/.

Tú Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này