Du lịch bừng tỉnh sau “ngủ đông”, cơ hội cho ngành khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp

10:15 | 21/06/2022
(LĐTĐ) Dòng khách du lịch tăng trưởng nóng và các “đế chế” khách sạn toàn cầu không ngừng gia tăng vị thế tại Việt Nam củng cố niềm tin cho giới đầu tư vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Hạ tầng liên kết vùng tiếp tục là yếu tố tạo hấp lực cho BĐS đô thị vệ tinh Luật kinh doanh bất động sản: Nhiều nội dung cần tháo gỡ Cần gỡ điểm nghẽn "đất ở không hình thành đơn vị ở" cho BĐS nghỉ dưỡng

Nhu cầu bị dồn nén trong 2 năm Covid-19 nên thị trường du lịch vừa mở cửa, du khách đã lập tức xách ba lô lên và đi. Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm, các điểm du lịch đã đón 48,6 triệu lượt khách nội địa. Riêng trong tháng 5 là 12 triệu lượt khách, tăng 243% so với cùng kỳ 2021.

Dữ liệu phân tích từ Google Destination Insights cho thấy người Việt tìm kiếm dịch vụ cao cấp nhiều hơn sau đại dịch. Lượt tìm kiếm "khách sạn sang trọng tốt nhất" tăng 71% tại Việt Nam. Không chỉ tìm kiếm, du khách Việt sẵn sàng bạo tay chi trả số tiền lớn để có những trải nghiệm du lịch, tận hưởng cao cấp. Tất nhiên, họ yêu cầu cao hơn.

Du lịch bừng tỉnh sau “ngủ đông”, cơ hội cho ngành khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp
Ngành du lịch bừng tỉnh sau “giấc ngủ đông”

“Có thể nói, dịch Covid-19 đã đánh thức nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp của du khách Việt. Nếu trước đây, lượng khách đặt phòng tại khách sạn 5 sao, resort hạng sang chủ yếu là khách quốc tế thì thời điểm hiện tại, khách Việt đã lấy lại ‘vị thế chủ nhà’”, bà Nguyễn Thu Phương - Giám đốc công ty du lịch Indochina Pride Travel chia sẻ.

Mùa du lịch hè 2022, khách nội địa đặc biệt ưa chuộng các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4-5 sao. Trên nền tảng đặt phòng trực tuyến Agoda và Booking.com, nhiều nơi không còn phòng ngày cuối tuần cho đến hết tháng 7. Các ngày trong tuần cũng đang dần được đặt kín.

Các tour nghỉ dưỡng hạng sang, thiết kế riêng theo yêu cầu, combo vé máy bay - phòng nghỉ dưỡng, du thuyền… trở thành “tâm điểm” hút khách của các công ty lữ hành.

Tại Saigontourist, Vietravel hay Indochina Pride Travel và nhiều công ty lữ hành khác đều ghi nhận nhu cầu tăng đột biến về nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp ở cả khách lẻ, khách đoàn và MICE.

Du lịch bừng tỉnh sau “ngủ đông”, cơ hội cho ngành khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp
Tham vọng của gã khổng lồ và tân binh ngành khách sạn

Dòng người háo hức đi du lịch không chỉ khiến ngành du lịch “bừng tỉnh” sau giấc ngủ đông mà còn “đánh thức” luôn cả ngành khách sạn, lưu trú. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022 đã có 6 cơ sở lưu trú hạng 5 sao và 7 cơ sở lưu trú hạng 4 sao được ra mắt. Tính đến tháng 2/2022, khoảng 64 thương hiệu khách sạn khu vực và quốc tế đã hiện diện ở Việt Nam. Con số này dự kiến tiếp tục tăng trong những quý tới.

Theo các chuyên gia, những động lực tăng trưởng của ngành khách sạn vẫn như thời điểm trước đại dịch và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai. Bởi vậy thị trường Việt Nam được các ông lớn thế giới quan tâm hơn bao giờ hết.

Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường phát triển nhất Đông Nam Á của “gã khổng lồ” Accor - một trong năm Tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới. Trong những năm gần đây, Accor đã có thêm nhiều khách sạn mới tại Việt Nam dưới các thương hiệu chiến lược. Ngoài ra, còn hàng chục dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp khác đang triển khai và đi vào hoạt động trong những năm tới.

Accor đang tiến công mạnh mẽ trên phân khúc khách sạn phong cách sống (lifestyle) với kế hoạch tăng gấp ba lần số lượng khách sạn lifestyle vào năm 2023. Kế hoạch này gắn liền với Ennismore, công ty mà Accor chiếm phần lớn cổ phần. Ennismore sở hữu bộ sưu tập 14 thương hiệu với 90 khách sạn đang vận hành và 160 khách sạn đang phát triển.

Du lịch bừng tỉnh sau “ngủ đông”, cơ hội cho ngành khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp
Nhiều dự án khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp do Accor quản lý và vận hành sẽ ra mắt thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Trong cuộc đua mở các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp mới, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam (TNR Holdings Vietnam) vừa hé lộ kế hoạch hợp tác chiến lược với Accor và Ennismore. Theo đó, Accor và Ennismore sẽ trở thành đơn vị quản lý và vận hành ba khách sạn 5 sao cùng chuỗi căn hộ khách sạn dưới các thương hiệu Swissôtel, Hyde, Grand Mercure thuộc các dự án do TNR Holdings Vietnam quản lý và phát triển tại Hải Phòng, Đà Nẵng và Phú Yên.

TNR Holdings Vietnam là thành viên trong hệ sinh thái TNG Holdings Vietnam. Việc hợp tác với “gã khổng lồ” trong ngành quản lý khách sạn thế giới cho thấy TNG Holdings Vietnam đang dần mở rộng vị thế trong lĩnh vực khách sạn lưu trú ở Việt Nam, từ đó hướng ra thế giới.

Dòng khách du lịch quay trở lại giống như luồng sinh khí đem lại sức sống mới trong ngành du lịch và đánh thức những khát khao vươn mình của các nhà đầu tư trong lĩnh vực khách sạn nghỉ dưỡng. Trong bối cảnh du lịch vẫn được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong 30 cường quốc du lịch lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2025-2030, giới đầu tư càng được củng cố niềm tin rằng thời hoàng kim của khách sạn nghỉ dưỡng sẽ sớm quay trở lại.

Diệp Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này