Chuyện làm báo của “Tổ phản ứng nhanh Covid-19”

10:06 | 21/06/2022
(LĐTĐ) Trong những ngày Hà Nội “căng mình” chống dịch, với những khó khăn và mối đe dọa từ dịch bệnh, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc đã có một quyết định dứt khoát đó là thành lập “Tổ phản ứng nhanh Covid-19” để phản ánh, đưa tin kịp thời công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố.
Góp phần phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam Người làm báo trước thách thức hội tụ truyền thông Bế mạc Hội Báo toàn quốc 2022: Cuộc hội tụ đặc sắc của những người làm báo cả nước

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã nhiều lần tấn công, gây ra những tổn thất rất nặng nề trên cả nước, trong đó có thành phố Hà Nội. Cũng như lực lượng y tế, công an, quân đội, lực lượng báo chí là những người trong tuyến đầu chống dịch. Các phóng viên, nhà báo đã phải tăng tốc để truyền tải các thông tin nhanh nhất đến độc giả. Họ phải tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh với sức ép tin bài lớn… nhưng giữa khó khăn của bệnh dịch bủa vây, báo chí vẫn đảm bảo truyền tải thông tin nhanh, chính xác, chân thực nhất.

Chuyện làm báo của  “Tổ phản ứng nhanh Covid-19”
Phóng viên Tổ phản ứng nhanh phải thường xuyên đến tận nơi ghi nhận công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố (Ảnh phóng viên chụp lại được trong những ngày chống dịch).

Tại báo Lao động Thủ đô, ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Hà Nội, Ban Biên tập báo đã có chỉ đạo với nội dung trọng tâm là: Khẩn trương chuẩn bị và thực hiện nhanh chóng các biện pháp phòng chống dịch; bảo đảm an toàn, không để cán bộ, phóng viên, nhân viên bị nhiễm Covid-19; chuẩn bị các phương án và nội dung tuyên truyền công tác phòng, chống dịch trên các ấn phẩm báo in, báo điện tử...

Đặc biệt, có những thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ được giao và Chỉ thị của Thành phố, Ban biên tập cũng kịp thời ra quyết định: Chuyển cơ quan làm việc theo chế độ “thời chiến”; thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch tại trụ sở ở 1A Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội; nắm lại tình hình tư tưởng và xây dựng quyết tâm cho cán bộ, phóng viên, nhân viên trong cơ quan; thành lập Tổ phản ứng nhanh Covid-19, trực tiếp làm nhiệm vụ bám sát thực tế tình hình, đến các “điểm nóng”…

Tác nghiệp trong tâm dịch Covid-19 là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp và nguy hiểm. Vì thế, có ít cơ quan báo chí dám mạo hiểm tung 100% lực lượng của mình ra để phản ánh thông tin tại các “điểm nóng”. Dưới sự chỉ đạo cao nhất của đồng chí Tổng Biên tập, nhà báo Vũ Xuân Sinh, Trưởng ban Điện tử Thời sự - Nội chính và nhà báo Võ Hoàng Giang, Phụ trách ban Pháp luật - Bạn đọc trực tiếp chỉ đạo Tổ phản ứng nhanh, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, bắt đầu bước vào các “trận chiến”. Do vậy, bên cạnh đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên làm việc online, bám sát thông tin dịch bệnh, nhất là các vấn đề xã hội vẫn diễn ra hằng ngày thì Tổ phản ứng nhanh Covid-19 với một số phóng viên sẽ trực tiếp tác nghiệp ngoài hiện trường như: Đinh Luyện, Minh Phương, Mai Quý, Phương Ngân, Kim Tiến, Nguyễn Hoa…

Nội dung tuyên truyền tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành phố, Trung ương; hoạt động phòng chống ở các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị hành chính, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội; công tác xét nghiệm, truy vết, cách ly, phong tỏa và cứu chữa F0; bảo đảm an sinh xã hội và giữ gìn trật tự an ninh... Chú trọng tuyên truyền các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.

Ý thức được việc tuyên truyền trong tâm dịch là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm, bởi số lượng người mắc Covid-19 quá nhiều, xong các phóng viên Tổ phản ứng nhanh Covid-19 vẫn quyết tâm xông vào tâm dịch, nỗ lực bằng mọi cách để có được những hình ảnh, những dòng thông tin nhanh, nóng hổi về tình hình dịch bệnh gửi về cơ quan.

Chuyện làm báo của  “Tổ phản ứng nhanh Covid-19”
Phóng viên Minh Phương có mặt tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch cùng với lực lượng chức năng trong những ngày Hà Nội cách ly xã hội.

Là một trong những phóng viên năng nổ của Tổ phản ứng nhanh Covid-19, phóng viên Minh Phương (Ban Pháp luật - Bạn đọc) tâm sự: “Ngay từ những ngày đầu khi Covid-19 còn là một khái niệm “mới mẻ”, nhóm phóng viên trong Tổ phản ứng nhanh chúng tôi đã không ngần ngại lao vào những “điểm nóng” ở tâm dịch như: Ổ dịch tại phường Trúc Bạch (quận Ba Đình); ổ dịch tại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh); ổ dịch tại Bạch viện Bạch Mai… Cho đến những đêm thức trắng tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch cùng với lực lượng chức năng. Đó là những ký ức, những kinh nghiệm, bài học trong nghề khó quên”.

Là phóng viên chuyên trách mảng y tế nhiều năm nay, phóng viên Minh Khuê (Ban Văn Xã) cũng chia sẻ, những ngày dịch Covid-19 là quãng thời gian không thể nào quên. “Đến giờ ngồi nghĩ lại những ngày ăn ngủ với những đợt bùng phát dịch Covid-19, nhất là tại Hà Nội mà tôi vẫn “toát mồ hôi”. Trong suốt hơn 2 năm dịch bùng phát, phóng viên chúng tôi được yêu cầu để điện thoại 24/24, theo dõi, bám sát kịp thời thông tin về dịch bệnh. Hằng ngày đều tiếp xúc với khối lượng lớn thông tin về dịch bệnh nên rất nhiều cảm xúc đan xen. Đó là sự căng thẳng, áp lực về thông tin xen lẫn những vui mừng, xúc động khi được nghe, được chứng kiến những câu chuyện đẹp của đội ngũ y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch…”, phóng viên Minh Khuê nhớ lại.

Còn phóng viên Phương Ngân (Ban Thời sự - Nội chính) thì tâm sự: Nghề báo là một trong số ít nghề nghiệp không vì dịch Covid-19 mà ngừng lại. Không riêng gì ở báo Lao động Thủ đô mà tại các cơ quan báo chí khác, nhiều phóng viên, nhà báo, nhiều cơ quan báo chí cũng phải làm việc với cường độ công việc cao hơn gấp nhiều lần so với bình thường để kịp thời đưa những thông tin cần thiết đến bạn đọc.

Đó là khi tham gia các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp bất kể ngày đêm, đó là khi phóng viên bất chấp hiểm nguy để lao vào tâm dịch, ghi hình, chụp ảnh, phỏng vấn… để có được những dòng thông tin nóng hổi, những bức ảnh, những thước phim chân thực, sống động chuyển tải đến độc giả. “Dù có khó khăn đến mấy thì những phóng viên, nhà báo chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục dấn thân bởi sứ mệnh của người làm báo là đưa đến thông tin mà bạn đọc cần. Có dấn thân, có đi thực tế thì tác phẩm mới mang hơi thở cuộc sống, góp ích được cho xã hội”, phóng viên Phương Ngân nói…

Là người lãnh đạo, chịu trách nhiệm cao nhất tại cơ quan, Tổng Biên tập Lê Thị Bích Ngọc luôn theo dõi sát sao, đưa ra từng phương án và động viên tinh thần của cán bộ, phóng viên, biên tập viên tòa soạn nói chung. Đặc biệt, không ngừng nhắc nhở, động viên các thành viên trong Tổ phản ứng nhanh đoàn kết, hỗ trợ nhau trong công việc, báo cáo công việc một cách nhanh nhất. Khi biết cán bộ, phóng viên trực tiếp vào các “điểm nóng”, Tổng Biên tập Lê Thị Bích Ngọc luôn dặn dò: “Các phóng viên phải hết sức cẩn thận, đảm bảo an toàn cho chính bản thân, gia đình và cơ quan”. Cũng chính bởi điều đó, báo Lao động Thủ đô một trong những cơ quan báo chí giữ được an toàn cho đến khi cả nước chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19./.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này