Phóng viên tác nghiệp SEA Games 31

08:53 | 21/06/2022
(LĐTĐ) Có khi chỉ là một bữa ăn nhanh ngay tại nơi thi đấu, khi là một vài chiếc kẹo, cái bánh để tạm quên cơn đói rồi lên xe di chuyển và tác nghiệp; có thể nói, sự tỏa sáng của kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 tại nước nhà không thể không nhắc đến những đóng góp thầm lặng của các phóng viên, nhà báo đến từ nhiều hãng thông tấn báo chí quốc gia.
Cận cảnh "Ngôi nhà chung" của phóng viên tác nghiệp SEA Games 31 Việt Nam tạo ấn tượng đẹp với phóng viên tác nghiệp SEA Games 31

Bỡ ngỡ, lo lắng, hồi hộp… là cảm xúc chung của rất nhiều phóng viên, nhà báo khi lần đầu tiên được tác nghiệp trên các sân thi đấu của SEA Games 31, nhất là đối với những phóng viên trẻ. Không ngoại lệ, với anh Phạm Đắc Huy, phóng viên ảnh báo điện tử VTC News thì kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 thật đặc biệt. Chia sẻ với chúng tôi về kỷ niệm ấy, anh Huy nói: “SEA Games 31 để lại nhiều kỉ niệm đáng nhớ đối với tôi. Đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội được tác nghiệp tại đấu trường thể thao lớn, kể từ khi bén duyên với nghề báo”.

Phóng viên tác nghiệp SEA Games 31
Anh Phạm Đắc Huy, phóng viên ảnh báo điện tử VTC News.

Theo anh Huy, với vai trò là một phóng viên ảnh, nhiệm vụ chính của chàng trai sinh năm 1998 này là thu thập tin tức và chụp ảnh các sự kiện thể thao, các bộ môn thi đấu. Do có hơn 40 môn với 526 nội dung thi đấu ở cách xa nhau nên phóng viên phải liên tục di chuyển giữa các địa điểm để kịp thời thu thập thông tin và ghi lại những hình ảnh ấn tượng về vận động viên. Trong đó, có cả những khoảnh khắc giàu cảm xúc khi vận động viên chiến thắng và mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Nhớ về lần đầu tiên tác nghiệp tại SEA Games 31, anh Huy kể: “Có những ngày tôi phải di chuyển liên tục gần 300km để thực hiện nhiệm vụ đưa tin. Vì là một Đại hội Thể thao có lượng thông tin khổng lồ, liên tục được cập nhật, xử lý, nên có lúc tôi không khỏi bỡ ngỡ. Là một phóng viên ảnh tác nghiệp độc lập, tôi gặp khá nhiều khó khăn khi phải mang vác các thiết bị lớn, nhiều máy ảnh, ống kính to, nặng và phải di chuyển liên tục giữa các địa điểm thi đấu, mất rất nhiều sức lực.

“Có một người đồng nghiệp từng nói với tôi, đã làm phóng viên nên một lần tác nghiệp tại SEA Games. Đúng vậy, thời điểm bắt được khoảnh khắc ấn tượng của các vận động viên hạnh phúc lắm. Là một phóng viên trẻ được tác nghiệp ở giải lớn đó là may mắn, cũng là trải nghiệm quý báu giúp tôi trưởng thành hơn với nghề. Còn trẻ mà, tôi nghĩ cứ đương đầu để sau này sẽ không hối tiếc về thanh xuân của mình”, phóng viên Nguyễn Thanh Xuân trải lòng.

Cùng với đó, lịch tổ chức các môn thi đấu dày đặc, có khi các môn thi đấu diễn ra trùng nhau nên tôi ít khi có một bữa ăn đúng nghĩa, thong thả. Có khi là một bữa ăn nhanh ngay tại nơi thi đấu, khi chỉ là một vài chiếc kẹo, cái bánh để tạm qua cơn đói rồi lại tiếp tục di chuyển và tác nghiệp. Ấn tượng với tôi nhất có lẽ là trên sân vận động Mỹ Đình, nơi vừa tổ chức môn điền kinh, nhảy xa ba bước chạy vượt rào… Đặc biệt là cả chung kết bóng đá nam với sự theo dõi của hàng ngàn người hâm mộ”.

Về khâu tổ chức Đại hội của nước nhà, chàng trai phóng viên người Hải Dương chia sẻ, mọi địa điểm thi đấu đều có phòng/trung tâm báo chí để cung cấp kịp thời thông tin về các nội dung thi đấu, vận động viên và lịch thi đấu. Tại các địa điểm thi đấu, tình nguyện viên luôn hướng dẫn và sẵn sàng hỗ trợ các phóng viên trong nước và quốc tế. Nhiều nhà thi đấu có phục vụ ăn nhẹ, bánh ngọt, nước uống cho phóng viên tác nghiệp.

Trung tâm báo chí chính MPC có trang bị các laptop công cộng với cấu hình mạnh, hệ thống wifi miễn phí tốc độ cao và các màn hình lớn liên tục cập nhật kết quả thi đấu để phục vụ đội ngũ phóng viên trong nước và quốc tế cập nhật thông tin. “Có thể nói, điều kiện để các phóng viên tác nghiệp tại SEA Games 31 tốt hơn những gì tôi tưởng tượng”, anh Huy cho hay.

Bên cạnh những phóng viên lần đầu tác nghiệp SEA Games, cũng có người đã từng được tham dự, xử lý tin tức vài lần tại đấu trường thể thao lớn nhất Đông Nam Á này. Tuy nhiên, với chị Nguyễn Thanh Xuân, phóng viên tại Sport5.vn thì kỳ Đại hội ở Việt Nam vẫn đem tới những cảm xúc đặc biệt.

“Thực ra tôi không bỡ ngỡ khi được phân công tác nghiệp ở SEA Games 31. Vì đây là kỳ SEA Games thứ 2 của tôi. Trước đó, vào năm 2019 tôi đã từng đi Philippines. Nhưng Đại hội tổ chức ở Việt Nam thì chắc chắn sẽ vất vả hơn nhiều, vì phải làm rất nhiều môn. Có lẽ khó khăn nhất với tôi là việc phải di chuyển các địa điểm thi đấu. Ngày 2/5 tôi có mặt tại Phú Thọ - nơi diễn ra nội dung bóng đá nam. Nhưng đến ngày 10/5, tôi về Hà Nội làm môn nhảy cầu, bơi và sau đó tiếp tục di chuyển đi Quảng Ninh thu thập tin tức môn bóng đá nữ”, chị Xuân chia sẻ.

Với cô phóng viên trẻ sinh năm 1999 người Yên Bái này, lần tác nghiệp tại SEA Games 31 là cơ hội được bắt đầu làm các môn thể thao đỉnh cao vì ngoài môn bóng đá trong nước, chị được phân công phụ trách thêm môn bơi, điền kinh, bóng chuyền, đấu kiếm…

Phóng viên tác nghiệp SEA Games 31
Chị Nguyễn Thanh Xuân, phóng viên tại Sport5.vn.

“Tại SEA Games 31 tôi có nhiều kỷ niệm với môn bóng đá. Kỷ niệm nhất chắc ở Quảng Ninh. Buổi sáng đầu tiên tôi đặt chân đến Cẩm Phả trời đổ mưa lớn, ngập cả đường. Các trận đấu diễn ra ngày hôm đó phải tạm hoãn, gần 12h đêm mới xong trận đấu. Ngày hôm sau, tôi cùng đồng nghiệp tiếp tục di chuyển đến Nhà thi đấu Đại Yên theo dõi môn bóng chuyền nữ.

Còn với trận chung kết bóng đá nam ở Mỹ Đình, khoảng 17h, tôi đã có mặt trên sân chuẩn bị sẵn tâm lý làm việc. Trời mưa như trút nước làm máy ảnh của tôi bị lỗi kỹ thuật. Khoảnh khắc toàn đội ăn mừng Huy chương Vàng SEA Games 31, tôi đành phải dùng điện thoại để quay và chụp”, chị Nguyễn Thanh Xuân cho hay.

Ngoài những phóng viên trẻ tác nghiệp tại SEA Games 31, đối với một phóng viên đã có gia đình và đang phải chăm sóc con nhỏ như chị Bùi Phương - phóng viên báo Lao động Thủ đô thì đây là một trong những lần công tác vô cùng đặc biệt.

Tâm sự với chúng tôi, chị Phương nói: “Toàn bộ nhóm phóng viên theo SEA Games chúng tôi đều căng mình tập trung cho công việc. Đặc biệt, buổi lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31 được báo Lao động Thủ đô lên phương án làm live (truyền trực tuyến)... trong khi vấn đề đường truyền là một trở ngại lớn trong quá trình tác nghiệp do trong sân mạng không ổn định. Khó khăn này đòi hỏi phóng viên chúng tôi phải nhanh nhạy, sáng tạo tìm ra phương án tối ưu truyền hình ảnh và nội dung kịp thời về cho e-kip tại tòa soạn tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch nhằm mang đến cho bạn đọc những thông tin nhanh nhất.

Ngoài ra, việc đưa tin diễn biến các trận đấu, công tác tổ chức, chuẩn bị cơ sở vật chất cho vận động viên và đoàn đại biểu cũng được chúng tôi cập nhật hoàn chỉnh. Vì thế, có những lúc nhỡ bữa hoặc ăn tạm bánh mì rồi lại lao đi tác nghiệp là chuyện bình thường. Có những hôm 11 giờ khuya mới về nhà cũng là điều không tránh khỏi”.

Chị Phương cho rằng, việc vượt qua áp lực và khó khăn trong quá trình tác nghiệp, đó là một điều may mắn vì được trực tiếp theo dõi nhiều trận đấu đỉnh cao, có cơ hội tiếp xúc, phỏng vấn các vận động viên nổi tiếng bằng da bằng thịt. Đặc biệt, được học hỏi rất nhiều kiến thức chuyên môn, cách tác nghiệp chuyên nghiệp mà hiếm có cơ hội được học ở một trường lớp chính quy./.

Quang Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này