Làm báo ở phương Nam của Tổ quốc

08:46 | 21/06/2022
(LĐTĐ) Là vùng kinh tế trọng điểm với những vấn đề nóng của xã hội thường xuyên xảy ra, đòi hỏi người làm báo phải có tính năng động và cái nhìn bao quát cao, thậm chí là hi sinh. Đặc biệt, tinh thần luôn sẵn sàng cho một sự kiện có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Báo chí tự hào đồng hành cùng dân tộc Người làm báo trước thách thức hội tụ truyền thông

Luôn sẵn sàng tâm thế

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) được coi là trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước, do đó các sự kiện cũng thường xuyên xảy ra. Là nhà báo, dù phụ trách thông tin ở bất cứ lĩnh vực nào cũng luôn đặt mình trong tâm thế sẵn sàng. Đặc biệt là phóng viên luôn theo các sự kiện nóng, có khi phóng viên phải dậy sớm từ lúc 3 giờ sáng để đến hiện trường và trở về nhà lúc nửa đêm. Điều quan trọng của phóng viên là đem đến cho độc giả những thông tin chính xác và chân thật nhất.

Làm báo ở phương Nam của Tổ quốc
Các phóng viên trong một buổi tác nghiệp.

Nhà báo Hoàng Lộc, công tác tại báo Tuổi Trẻ tâm sự, đã mang tâm thế là người làm báo thì dù phụ trách ở lĩnh vực nào, ở địa phương nào thì trọng trách luôn phải đấu tranh chống sự bất công, tôn vinh những thứ tốt đẹp của xã hội luôn phải đặt lên hàng đầu. Khu vực phía nam là nơi hội tụ rất đông các cơ quan báo chí, nơi sôi động hơn các vùng khác, nhất là ở TP.HCM là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước thì vai trò của báo chí càng dặc biệt quan trọng hơn.

Tuổi Trẻ là tờ báo có lượng độc giả cao và định chế tham khảo của các cơ quan quản lý trong và ngoài nước, do đó đòi hỏi phóng viên của tờ báo luôn có trách nhiệm cao. Là phóng viên phụ trách mảng y tế của báo, trong suốt 2 năm chống dịch, tôi luôn đặt mục tiêu là phải cung cấp thông tin trung thực cho người dân. Đặc biệt, trong hoàn cảnh người dân rất hoang mang vì dịch bệnh vì vai trò của báo chí càng quan trọng. Trong suốt quá trình ấy, với trách nhiệm của mình bên cạnh cung cấp, cập nhật các thông tin về dịch bệnh thì cần có các bài, tuyến bài phản ánh những vướng mắc của công tác phòng, chống dịch, qua đó hỗ trợ ngành y tế có sự điều chỉnh kịp thời.

Bên cạnh đó, Tuổi Trẻ là một trong các tờ báo tiên phong vào các điểm nóng để ghi nhận công việc, sự hi sinh của lực lượng y tế. Đơn cử như thông tin việc các lực lượng y, bác sĩ dốc sức cứu chữa các ca bệnh thập tử nhất sinh người Anh. Những thông tin này đã giúp bạn đọc trong và ngoài nước thấu hiểu được sự lỗ lực của toàn ngành y tế trong việc cứu chữa bệnh nhân mắc Covid-19. Đây là bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhất, có thời gian điều trị lâu nhất. Ngay thời điểm đó không ai nghĩ bệnh nhân này có thể vượt qua được dịch bệnh. Nhưng với cả hệ thống y tế từ các giáo sư đầu ngành của y tế Việt Nam phải vào cuộc, phải tiến hành hàng trăm cuộc họp, hội chẩn online của các giao sư đầu ngành từ hồi sức cho đến cấp cứu, dược…và đây cũng là ca bệnh tốn nhiều chi phí nhất trong điều trị các bệnh nhân mắc Covi-19 vừa qua. Nó như tạo cho thế giới nhìn nhận về thành quả cũng như tinh thần Việt Nam.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, tôi ấn tượng nhất với đội ngũ những người làm y tế đã xông pha vào các điểm nóng để chống dịch. Bất cứ đâu phát sinh dịch bệnh như: Hải Dương, Bắc Ninh, Đà Nẵng, TP.HCM họ đều có mặt. Hình ảnh một Thứ trưởng Bộ Y tế nắm chặt tay để động viên nhân viên y tế trong phòng y tế ở một bệnh viện Đà Nẵng đã để lại một cảm xúc đặc biệt động viên tinh thần chiến đấu trong lực lượng y tế. Hình ảnh ấy cũng là chất xúc tác để các nhân viên tế thấy rằng ngoài bệnh nhân ra thì mình cũng không bị bỏ rơi, mà luôn có lãnh đạo đồng hành mặc dù bên cạnh họ là sự chết chóc, đau thương luôn diễn ra hàng ngày, hàng giờ…

Báo chí trong bối cảnh hôm nay, đòi hỏi mỗi phóng viên, mỗi nhà báo luôn luôn chủ động tìm tòi và học hỏi từ đồng nghiệp, từ những kiến thức chuyên ngành để bồi bổ kiến thức. Nhất là hiện chúng ta đang đứng trước công nghệ số đòi hỏi người làmbáo luôn luôn thay đổi bản thân mình bằng việc bổ túc các kỹ năng tác nghiệp. Một phóng viên phải thực sự đa năng mới đáp ứng được nhu cầu trong một số hoàn cảnh nhất định. Phóng viên không nên tự giới hạn mình trong một lĩnh vực, một thể loại. Ngoài ra đã xác định theo nghề thì phải xác định đây là một cuộc chơi và luôn sẵn sàng trên mọi mặt trận để tu bổ, bồi dưỡng kiến thức cho mình.

Nhớ lần đi biên giới Tây Nam

Nhà báo Đặng Trung Kiên, công tác tại báo Quân đội Nhân dân chia sẻ: Lúc tôi mới vào nghề, một người anh làm báo nhiều năm chia sẻ rằng, làm báo mà lười, không nhiệt huyết, không đam mê thì tự khắc lụt nghề. Còn nhiều yếu tố khác nữa đầy áp lực và khó khăn để có thể trở thành nhà báo giỏi. Làm báo ở đâu cũng thế, miền nào cũng thế, cũng đòi hỏi những yếu tố đầy thách thức và áp lực. Làm báo ở những đô thị lớn, trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội sôi động, người làm báo có những áp lực riêng. Ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo cũng có những thách thức lớn.

Anh bạn đang làm ở một tờ báo tại TP.HCM mỗi lần gặp cứ khẩn khoản đề nghị: Cậu đi biên giới nhớ rủ tớ với nhé”. Biên giới rộng dài, đi lại khó khăn, đi đường có khi mất cả ngày. Lên biên giới phải ở lại thì mới cảm được, viết sâu được”, mình nói thế. Rồi mình cũng có mấy lần rủ đi thật. Nhưng những lần rủ rê ấy anh đều cáo bận. “Đi một hai ngày được không, dạo này mình bận quá. Hội nghị hội thảo liên miên, rồi tiệc tùng”.

Làm báo ở phương Nam của Tổ quốc
Phóng viên tác nghiệp tại sự kiện.

Đi biên giới một chuyến dài ngày không dễ, nhất là đối với các nhà báo đảm nhiệm những vấn đề, nội dung thời sự. Nhà báo phải đủ nhiệt huyết để sắp xếp công việc, thời gian bằng được cho chuyến đi thực tế dài ngày.

Biên giới Tây Nam hai mùa mưa nắng, thời điểm nào cũng lắm khó khăn. Ngày nắng như thiêu như đốt, đất đỏ bụi mù. Ngày mưa đường sình lầy nhão nhoẹt. Những ngày dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ biên phòng, dân quân vất vả căng mình nơi biên giới, trong lán trại dã chiến, tạm bợ, trong rừng sâu, nhà báo đến cũng vất vả không kém, đêm ở lại giữa rừng biên giới, ngủ trong lán trại trực Covid-19 mà cứ thấp thỏm, không an giấc. Tiếng muỗi vo ve. Rắn rết ám ảnh. Đêm tĩnh mịch âm u đến rợn người. Vào những phum sóc, gặp những già làng, say bên chén rượu, “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) như cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng.

Nhà báo lên biên giới cần phải trải mình như thế mới cảm được, thu nhặt được những câu chuyện hay, mới có những cảm xúc chân thật làm nên tứ và chất liệu cho bài viết sống động, chân thực. Nhiều nhà báo sau chuyến đi dài ngày ở biên giới, hải đảo khi trở về đều ăm ắp cảm xúc, chất liệu. Câu chữ cứ chảy tuôn làm nên những tác phẩm báo chí đi vào lòng bạn đọc, khác với những ngày dài chạy đua với những sự kiện và phản ánh, đưa tin kiểu thông tấn. Mỗi lần thấy lửa nghề phai nhạt, bạn hãy nhấc chân đi và viết. Bởi lẽ, những chuyến đi ấy nuôi dưỡng cảm xúc và niềm đam mê. Nơi miền biên ải với bao khó khăn bộn bề, nhà báo sẽ được hòa vào nhịp đập cuộc sống, giữ lửa cho ngòi bút cháy mãi.

Tôi còn nhớ như in vào đợt dịch Covid-19, khi mọi người đều ở trong nhà, thì phóng viên như chúng tôi phải đi khắp nơi, đến tận các bệnh viện dã chiến, tận các ổ dịch để ghi nhận, để thông tin đến bạn đọc. Sau này khi dịch đi qua, có lúc thảnh thơi ngồi nghĩ lại không biết động lực nào khiến những nhà báo trẻ như chúng tôi lại dám quyết tâm làm những điều như thế. Đó chỉ có một điều duy nhất là đi để viết, để cống hiến mà thôi./.

Thành Đồng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này