Sửa Luật Bảo hiểm xã hội để đảm bảo lương hưu và phúc lợi

14:22 | 16/06/2022
(LĐTĐ) Trước tình trạng gia tăng số người lao động đăng ký thủ tục nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, công nhân lao động đã kiến nghị với Chính phủ cần rà soát, sớm sửa đổi pháp luật về BHXH, bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động cả khi đi làm và lúc về hưu. Điều này không chỉ đảm bảo cuộc sống ổn định cho người lao động, mà còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của Đảng, Nhà nước.
Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội: Cần hướng tới bảo vệ người lao động tốt hơn Liên ngành Công an - BHXH thành phố Hà Nội: Hợp tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm

Tại buổi gặp gỡ, đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với công nhân lao động mới đây, công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà (Hợp tác xã Mây Tre Lá Ba Nhất, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) nêu thực tế: Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân khi mới 40-45 tuổi.

Sửa Luật Bảo hiểm xã hội để đảm bảo lương hưu và phúc lợi
Công nhân lao động bày tỏ nguyện vọng, mong Chính phủ sớm sửa đổi pháp luật về BHXH, bảo đảm quyền lợi cho công nhân lao động cả khi đi làm và lúc về hưu.

Từ thực trạng này, chị Hà đề nghị Chính phủ sửa đổi pháp luật để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân rút BHXH một lần. “Chúng tôi đều biết rút BHXH một lần thì khi về già không có lương hưu nhưng nhiều anh, chị, em khó khăn quá và thời gian đóng dài nên vẫn rút”, chị Hà bày tỏ.

Giải đáp về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Hiện cả nước có 55 triệu lao động, trong đó khoảng 20 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, nhưng chỉ có 16 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, chiếm tỷ lệ khá thấp. Trong Quý I, II/2022, có tình trạng một tỷ lệ nhất định người lao động rút BHXH một lần.

“Đây là điều không tốt, gây hệ luỵ lâu dài cho người lao động khi nghỉ hưu. Vì vậy, việc đầu tiên phải nâng cao đời sống, phúc lợi cho công nhân, người lao động, nhất là đối với công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất. Vấn đề này chúng ta đã rất tập trung trong và sau đợt dịch”, ông Đào Ngọc Dung cho biết.

Đề cập đến việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, ông Đào Ngọc Dung cho biết: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, hiện đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách BHXH, và đã được Quốc hội cho phép trong năm 2023 sẽ trình Quốc hội xem xét. Trong các nhóm này, chúng ta sẽ điều chỉnh giảm dần thời gian đóng BHXH của người lao động để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Cụ thể, Luật hiện tại quy định người lao động phải đóng BHXH tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu với tỷ lệ 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, khiến nhiều người không chờ được, chọn rút BHXH một lần. Tới đây, Dự thảo tới đây sẽ rút dần thời gian đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn, trên tinh thần công bằng, chia sẻ.

Ngoài ra, Luật cũng sẽ sửa đổi có quy định xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng khó khăn của công nhân lao động để ép công nhân mua bán, chuyển đổi sổ bảo hiểm qua nhiều hình thức trá hình.

Từ góc độ cơ quan thực thi chính sách, BHXH Việt Nam đề xuất với Chính phủ xem xét, hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH theo tinh thần tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH.

Theo đó, đại diện BHXH Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu để đề xuất phương án điều chỉnh chính sách hưởng BHXH một lần theo hướng: Quy định mức hưởng BHXH một lần (trừ trường hợp người lao động bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng) bằng đúng số tiền người lao động đóng góp vào quỹ hưu trí, tử tuất (8%/tháng, bằng 0,96 tháng lương bình quân cho một năm đóng BHXH).

Phần đóng góp của người sử dụng lao động (14%/tháng, bằng 1,68 tháng lương bình quân cho một năm đóng BHXH) được giữ lại trong quỹ hưu trí, tử tuất và ghi nhận cho chính người lao động đó (để duy trì phạm vi bao phủ của chính sách). Khi người lao động có điều kiện tham gia tiếp thì cộng nối với thời gian tham gia mới để tích lũy cho đủ điều kiện hưởng lương hưu. Trường hợp khi hết tuổi lao động mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc không may tử vong thì giải quyết hưởng BHXH một lần hoặc chế độ tử tuất trên cơ sở phần tiền còn lại (tính theo chỉ số giá tiêu dùng)./.

Qua thống kê của BHXH Việt Nam, kể từ ngày thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 (từ năm 2016 đến hết năm 2021), toàn quốc có 4.058.502 người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,63%.

Cụ thể: năm 2016 là 500.174 người, năm 2017 là 560.137 người (tăng 12% so với năm 2016), năm 2018 là 666.482 người (tăng 19% so với năm 2017), năm 2019 là 707.183 người (tăng 6,1% so với năm 2018), năm 2020 là 761.080 người (tăng 7,62% so với năm 2019), năm 2021 là 863.446 người (tăng 13,45% so với năm 2020).

Việc gia tăng số người hưởng BHXH một lần làm gia tăng số người rời khỏi hệ thống an sinh xã hội, gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018, đồng nghĩa với việc số lao động khi về già không có lương hưu tăng lên. Điều này không chỉ tác động đến cuộc sống người lao động mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của Đảng, Nhà nước.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này