Hoạt động dầu khí cần gắn liền với đảm bảo quốc phòng, an ninh

22:11 | 15/06/2022
(LĐTĐ) Ngày 15/6/2022, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Các đại biểu đoàn thành phố Hà Nội đã tham gia thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào dự án Luật.
Đảm bảo vai trò của Công đoàn trong thực hiện quyền dân chủ của người lao động Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 Kết hợp cả “tiền kiểm” và “hậu kiểm” khi phổ biến phim trên không gian mạng

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, một trong những định hướng sửa đổi quan trọng là cần hình thành cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư nước ngoài.

“Tôi nghĩ rằng định hướng đó hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cũng rất cần đề cao tính thận trọng, vì trên thực tế dầu khí là nguồn tài nguyên không tái tạo. Trong những năm qua sản lượng luôn giảm. Năm 2018, số thu từ dầu thô chiếm 4,6%, đến năm 2021 còn 2,6%.

Trữ lượng dầu khí cũng là vấn đề rất cần quan tâm. Bên cạnh đó, trên thực tế thời gian qua cũng có những trường hợp đầu tư thu hút nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí cũng phải trả giá rất đắt. Vì vậy, tôi nghĩ trên cơ sở cân nhắc lợi ích quốc gia, không đầu tư bằng mọi giá”, đại biểu nói.

Hoạt động dầu khí cần gắn liền với đảm bảo quốc phòng, an ninh
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội).

Đề cập đến quy định không thu tiền sử dụng khu vực biển là chính sách đã được áp dụng trong nhiều năm, tuy nhiên, theo đại biểu, với vai trò của một ngành được cho là siêu lợi nhuận thì có cần thiết chúng ta phải áp dụng lâu dài chính sách ưu đãi này không là điều cần cân nhắc.

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) khẳng định sửa đổi Luật Dầu khí để thể chế hóa và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và khắc phục những bất cập, hạn chế của chính sách, pháp luật về dầu khí hiện hành, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới là hết sức cần thiết và cấp bách.

Để có được khung pháp lý hoàn chỉnh đồng bộ, thống nhất và khả thi, thúc đẩy và phát triển hoạt động dầu khí, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá kỹ lưỡng tác động và dự báo tốt bối cảnh tình hình khu vực và thế giới, nhất là tình hình biển Đông, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Đồng thời, tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến các bộ luật, luật khác.

Hoạt động dầu khí cần gắn liền với đảm bảo quốc phòng, an ninh
Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội).

Theo đại biểu, trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra nhanh chóng, cần hỗ trợ để tài nguyên dầu khí được khai thác kịp thời và đưa vào sử dụng, bảo đảm giá trị vốn có, làm nguyên liệu và nhiên liệu. Điều cần đặc biệt quan tâm là hoạt động dầu khí cần gắn liền với khẳng định chủ quyền biển đảo và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Ngoài việc điều chỉnh hoạt động điều tra cơ bản tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và các hoạt động liên quan, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần quan tâm bổ sung hoạt động chế biến để tạo ra các sản phẩm hóa dầu. Công tác điều tra cơ bản dầu khí cần đầu tư nguồn lực rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, vì vậy đề nghị bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác điều tra cơ bản dầu khí cũng như các hoạt động dầu khí khác.

Mặt khác, cần có cơ chế để kết hợp các hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và về tài nguyên môi trường biển và hải đảo, chia sẻ, sử dụng dùng chung cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực của các cơ quan; chia sẻ thông tin, dữ liệu, kết quả điều tra để tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả chất lượng điều tra trên biển.

Đại biểu cũng cho rằng, vấn đề môi trường lớn nhất cho hoạt động dầu khí là sự cố tràn dầu, trong khi các sự cố tràn dầu không rõ nguyên nhân diễn ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại lớn về kinh tế, để lại hậu quả lâu dài đối với môi trường biển. Nguy hiểm hơn, khó phát hiện hơn, gây hậu quả lâu dài là hiện tượng dầu khí âm thầm rò rỉ, thoát ra từ các hoạt động dầu khí.

Vì vậy, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị làm rõ và bổ sung vào dự thảo Luật các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí và các cơ quan quản lý trong việc xây dựng, trình duyệt và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.

Hoạt động dầu khí cần gắn liền với đảm bảo quốc phòng, an ninh
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội).

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) nhìn nhận, trong khuôn khổ pháp luật và chính sách hiện hành thì sức cạnh tranh của ngành dầu khí Việt Nam đang suy giảm, khó có thể thu hút thêm đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những nhà đầu tư chiến lược. Vì vậy, Quốc hội đưa ra bàn để sửa đổi luật lần này là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn..

Theo đại biểu, để thực hiện chính sách ưu đãi trong lĩnh vực này thì thuế là một trong những giải pháp quan trọng, chủ trương là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 32% về 25% là một quyết định rất phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần phải phân tích sâu hơn về mức thuế này trên cơ sở tính toán tương quan chung trong các nước ASEAN và trên thế giới đã thực hiện chính sách thuế để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này như thế nào.

Ngoài ra, đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng cho biết ông đồng ý với kiến nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi thẩm định dự án Luật này là đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí vì điều này cũng rất quan trọng.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật Dầu khí phải làm rõ vai trò, quyền và trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động dầu khí của quốc gia, đặc biệt là giảm các rủi ro pháp lý. Đồng thời, do các dự án tìm kiếm, khai thác phụ thuộc vào các dự án chế biến tiêu thụ như nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy điện khí, vì vậy luật cũng cần có các quy định để ưu tiên cho các dự án liên quan, các dự án sử dụng các sản phẩm trong chuỗi giá trị hoạt động dầu khí để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả chung.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này