Phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030: Đảm bảo nâng cao chất lượng sống cho người dân

16:00 | 16/06/2022
(LĐTĐ) Phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, gắn liền với việc phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Theo đó, bên cạnh mục tiêu đáp ứng nhu cầu về nhà ở của nhân dân, Dự thảo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 cũng đặc biệt chú trọng đến mục tiêu nâng cao điều kiện, chất lượng sống cho người dân Thủ đô.
Sau tiền lương, nhà ở là nhu cầu bức thiết nhất với công nhân lao động Tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh xây dựng nhà ở công nhân Phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030: Cần tuân thủ Luật Thủ đô và đảm bảo cảnh quan, kiến trúc đô thị

Phát triển đa dạng các loại hình nhà ở

Phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, gắn liền với việc phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại; giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014, nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Theo Dự thảo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, Thành phố sẽ phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhằm giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở đồng thời phát triển đô thị bền vững, hiện đại, góp phần đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh; tăng cường công tác quản lý xây dựng nhà ở. Đặc biệt, đảm bảo chỗ ở ổn định cho công nhân và phát triển nhà ở công nhân gắn liền với trách nhiệm của người sử dụng lao động, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, chính quyền địa phương và các tổ chức Công đoàn; quy định nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp.

Phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030: Đảm bảo nâng cao chất lượng sống cho người dân
Giai đoạn 2021 - 2030, thành phố Hà Nội sẽ phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, phát triển đô thị hiện đại, bền vững.

Về mục tiêu, đến năm 2025, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn Thành phố phấn đấu đạt 29,5m2/người, trong đó khu vực đô thị đạt 31m2/người và khu vực nông thôn đạt 28m2/người.

Cụ thể, về nhà ở xã hội: Phát triển mới khoảng 1,25 triệu m2 sàn nhà ở; chuẩn bị đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung; rà soát, điều chỉnh quy hoạch để bố trí, quy hoạch bổ sung quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đồng bộ các thiết chế Công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp. Tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu theo quy định của Trung ương, nhà ở cho thuê mua phải đạt tối thiểu 5% diện tích nhà ở xã hội tại dự án.

Về nhà ở tái định cư: Phát triển mới khoảng 0,565 triệu m2 sàn nhà ở. Đối với nhà ở thương mại: Phát triển mới khoảng 19,69 triệu m2 sàn. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ 14 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và ưu tiên triển khai cải tạo, xây dựng lại 6 khu có nhà nguy hiểm cấp D. Tiếp tục cải tạo, chỉnh trang nhà ở, khu phố cũ. Về nhà ở riêng lẻ: Phát triển mới khoảng 22,5 triệu m2 sàn (khoảng 4,5 triệu m2 sàn/năm).

Chương trình cũng đặt mục tiêu cụ thể về chất lượng nhà ở: Cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà đơn sơ; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn Thành phố đạt 90%, trong đó khu vực đô thị đạt 95%, khu vực nông thôn đạt 85%. Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị hình thành mới có quy mô sử dụng đất từ 20ha trở lên phải được quy hoạch xây dựng theo xu hướng nhà ở xanh, thông minh, ứng dụng công nghệ số.

Về mục tiêu đến năm 2030: Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn Thành phố phấn đấu đạt 32m2 sàn/người, trong đó khu vực đô thị đạt 33m2/người và khu vực nông thôn đạt 28m2/người. Về chất lượng nhà ở: Hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà đơn sơ tại khu vực đô thị, trong đó tập trung xóa bỏ nhà tạm, nhà đơn sơ tại các khu nhà “ổ chuột” trong nội đô dọc theo các sông, kênh trên địa bàn Thành phố; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố khu vực đô thị đạt 95%, khu vực nông thôn đạt 85%.

Cơ bản đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố. Phấn đấu 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động. Tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu theo quy định của Trung ương, nhà ở cho thuê mua phải đạt tối thiểu 5% diện tích nhà ở xã hội tại dự án.

Ngoài xác định các chỉ tiêu mới về nhà ở, Dự thảo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 cũng nêu rõ việc huy động nguồn lực về đất đai, tài chính, lao động và định hướng phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 đảm bảo phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 khoảng 880.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 11.700 tỷ đồng. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 437.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách 3.663 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 khoảng 363.000 tỷ đồng, ngân sách khoảng 8.037 tỷ đồng.

Cần tính toán đồng bộ, chi tiết

Tại hội nghị phản biện Dự thảo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức ngày 14/6, các nhà khoa học, chuyên gia cho rằng: Chương trình phát triển nhà ở phải phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

Phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030: Đảm bảo nâng cao chất lượng sống cho người dân
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 diện tích sàn nhà bình quân đạt 32m2/người.

Nêu lên thực tế, Chương trình phát triển nhà ở của thành phố Hà Nội được xây dựng trong bối cảnh có nhiều yếu tố biến động, có ý nghĩa chiến lược ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung nghiên cứu đề xuất như: Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội; dự án xây dựng đường vành đai 4 trong vùng Thủ đô Hà Nội… các chuyên gia cho rằng, Thành phố cần có những tính toán cụ thể, thấu đáo hơn để phù hợp với tình hình. Bên cạnh đó, cần phải tuân thủ Luật Thủ đô; tuân thủ các quy hoạch về dân số, đất đai và những vấn đề liên quan đến quản lý kiến trúc đô thị để tạo quy chuẩn về không gian môi trường, điều kiện sống, hạ tầng kỹ thuật và điểm nhấn đô thị.

Góp ý vào dự thảo, TS Lê Văn Hoạt - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhận định, Chương trình phát triển nhà ở của Thành phố là hết sức quan trọng, cần có chiến lược lâu dài. Mặc dù Dự thảo được chuẩn bị khá công phu, nhưng theo ông Lê Văn Hoạt, Dự thảo còn thiếu điểm nhấn, do đó, ông đề nghị cần phải đánh giá thực trạng phát triển và quản lý nhà ở trên địa bàn Thành phố là nội dung quan trọng, cần bổ sung, hoàn chỉnh thêm để đưa vào nội dung Chương trình phát triển nhà ở. Trong đó cần chỉ rõ thực trạng và cơ cấu, chất lượng của nhà ở trên địa bàn Thành phố; chỉ rõ những thành tựu và các mặt hạn chế trong đầu tư xây dựng và trong quản lý nhà ở.

Các chuyên gia cũng đề nghị Sở Xây dựng, các cơ quan chuyên môn làm rõ, bổ sung các thông tin cần thiết trong quá trình xây dựng Dự thảo về điều tra xã hội học, rà soát tính toán các nhóm số liệu cụ thể như đối tượng thụ hưởng, đối tượng chính sách xã hội, người già, người có công, người khuyết tật để đề xuất phân khúc nhà ở cho các đối tượng hợp lý. Bên cạnh đó, cần cập nhật nội dung cụ thể các kế hoạch, đề án đã ban hành trong lĩnh vực này.

Từ những ý kiến đóng góp tại hội nghị phản biện, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho rằng, quá trình xem xét ban hành Chương trình, Thành phố cần tuân thủ Luật Thủ đô, Quy hoạch về dân số, đất đai và những vấn đề liên quan đến quản lý kiến trúc đô thị để tạo quy chuẩn về không gian môi trường, điều kiện sống, hạ tầng kỹ thuật và điểm nhấn đô thị… Chương trình nhà ở cũng phải góp phần bình ổn thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng và mục tiêu quan trọng là người dân Thủ đô phải được hưởng thụ, có điều kiện sống tốt hơn. /.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:

Cần định hướng cụ thể cho từng loại nhà ở

Phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030: Đảm bảo nâng cao chất lượng sống cho người dân

Dự thảo cần phân tích khoa học hơn để định hướng cụ thể cho từng loại nhà ở: Nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở riêng lẻ, nhà ở thương mại, nhà ở công vụ. Trong nghiên cứu sửa đổi Luật Thủ đô có đề cập đến chính sách đặc thù là nhà ở cho cán bộ, viên chức của Trung ương và Thành phố, nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Do đó, đề nghị nên xem xét yếu tố này trong chương trình phát triển nhà ở. Đây cũng là kinh nghiệm từ nước ngoài khi thực hiện mô hình chùm đô thị.

Về giải pháp phát triển các loại hình nhà ở, Dự thảo đã nêu 5 loại hình nhà ở. Riêng với nhà ở xã hội, đã nêu 6 giải pháp cụ thể. Tuy vậy từ thực tiễn vừa qua, từ đặc thù cho Luật Thủ đô cần đề cập bổ sung về chính sách nhà ở với người có công và hộ thu nhập thấp. Đồng thời xác định mục tiêu xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng để tránh hiện tượng không thu hút người ở, chuyển nhượng tùy tiện và phải điều chỉnh như thực tế diễn ra vừa qua. Đối với nhà ở xã hội trong các khu công nghiệp, cần xác định giao quyền cho Thành phố điều chỉnh quy hoạch.

Về nhà ở tái định cư, cần bổ sung cơ chế tạo thuận lợi và thu nhập cho đối tượng giãn dân trong nội đô lịch sử, đang là điểm nghẽn trong quản lý dân cư. Về nhà ở của các hộ gia đình và cá nhân, cần bổ sung thêm giải pháp tạo cơ chế chính sách để bảo tồn, phát huy giá trị nhà ở có giá trị di dân trong khu vực đô thị.

-------------------------------------

Bà Bùi Thị An - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về kinh tế (Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội):

Phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030: Đảm bảo nâng cao chất lượng sống cho người dân

Đảm bảo quỹ nhà cho người ngoại tỉnh làm việc tại Hà Nội

Tôi thấy trong Dự thảo chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 đã “quét” khá đầy đủ các đối tượng. Tuy nhiên, muốn đặt vấn đề liên quan đến các đối tượng để cho thuê là lao động tự do, vãng lai.

Các lao động này từ các tỉnh khác về Hà Nội lao động kiếm sống; và liệu chúng ta có khả năng lo được cho các đối tượng này được thuê nhà trong điều kiện họ tạm trú ở Thủ đô một thời gian dài không?

Chính vì vậy, về vấn đề phát triển nhà ở xã hội, tôi đề nghị cần nâng tỷ lệ nhà cho thuê từ 5% lên 10% trong 1.250.000m2 sàn, vì dự báo lượng lao động ngoại tỉnh sinh sống, làm việc trên địa bàn Thủ đô có nhu cầu thuê nhà vẫn còn nhiều.

-------------------------------------

Ông Lê Đức Bính - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:

Xem xét, kết nối nguồn vốn đầu tư của bà con Việt kiều

Chương trình phát triển nhà ở của thành phố Hà Nội là chương trình lớn, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của đời sống mỗi gia đình (đó là ăn, ở, mặc và đi lại). Chương trình đã được Sở Xây dựng tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố rất công phu, có điều tra, khảo sát, lập dự án, có tính khả thi tốt; đã phản ánh đầy đủ các khía cạnh của phát triển nhà ở.

Phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030: Đảm bảo nâng cao chất lượng sống cho người dân

Tuy nhiên, hiện nay trong bức tranh tổng thể về nhà ở của Hà Nội, bên cạnh những khu nhà ở chất lượng cao, vẫn còn những nơi chất lượng ở còn thấp, vì vậy, chúng tôi mong muốn Thành phố nhìn lại bức tranh đó để chúng ta đưa ra chương trình hài hòa, tổng thể và tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân Thủ đô. Tôi cho rằng, chúng ta cần đánh giá hiện trạng các loại nhà ở của Thủ đô hiện nay và trong tương lai. Ngoài các nhà biệt thự, chung cư, nhà ở xã hội còn có các nhà đặc chủng cho đối tượng xã hội yếu thế (như người cao tuổi, người khuyết tật), nhà công vụ...

Vấn đề nhà ở là vấn đề được nhân dân Thủ đô rất quan tâm, vì vậy, theo tôi, khi ban hành Chương trình nhà ở, làm sao để bức tranh nhà ở Thủ đô có sự cải thiện mới, đột phá để Hà Nội sánh tầm với các Thủ đô trong khu vực và thế giới. Dự báo về nhu cầu nhà ở của Thành phố có thể gia tăng, nhất là khi vùng Thủ đô được mở ra, các loại đường vành đai được kết nối, do đó Thành phố cần nghiên cứu lại diện tích bình quân đầu người. Về nguồn vốn thực hiện, ngoài nguồn sách của Thành phố, xã hội hóa... cần xem xét, kết nối nguồn vốn của người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư ở địa phương.

-------------------------------------

Ông Phạm Ngọc Thảo - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội):

Làm rõ phân khúc nhà ở và giá bán

Phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030: Đảm bảo nâng cao chất lượng sống cho người dân

Tôi cho rằng, Chương trình cần làm rõ về phân khúc nhà ở. Vấn đề này liên quan rất nhiều đến kết quả thực hiện Chương trình nhà ở của Thành phố. Việc định hướng phát triển căn hộ phù hợp với nhu cầu thực tế đang đòi hỏi là cần thiết, song cần điều tra xã hội học thật tốt để nắm vững nhu cầu căn hộ theo xu hướng nào, tỷ lệ mới, phân khúc là bao nhiêu để phát triển, xây dựng phù hợp.

Bên cạnh đó, nên chú ý xu thế phát triển các căn hộ vừa phải, trung bình, đáp ứng nhu cầu của các cặp vợ chồng trẻ muốn sống độc lập; những gia đình bình dân, kinh tế còn eo hẹp; xu thế tiện lợi chuyển đổi căn hộ.

Về chính sách giá căn hộ, thực tế cho thấy số đông người lao động còn hạn chế trong thu nhập, do mức lương nhìn chung còn thấp. Vì vậy, Thành phố cần định hướng và có giải pháp chỉ đạo phù hợp để hạ thấp giá thành căn hộ, giúp người dân có nhu cầu mua nhà đủ khả năng chi trả. Vừa qua, do giá nhà còn rất cao, lệch pha, nên nhà ở xây dựng nhiều, nhưng sức mua của người lao động còn thấp, dẫn đến tình trạng có hàng chục nghìn nhà bỏ hoang, lãng phí lớn về đất đai và tiền của, gây bức xúc trong xã hội./.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này