Quan hệ lao động trên địa bàn huyện Gia Lâm tương đối ổn định

17:32 | 14/06/2022
(LĐTĐ) Nhờ chính quyền và tổ chức Công đoàn phối hợp thực hiện có hiệu quả việc nắm bắt tình hình quan hệ lao động và có các phương án phòng ngừa nên trong thời gian qua, quan hệ lao động trên địa bàn huyện Gia Lâm tương đối ổn định, không xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể…
LĐLĐ huyện Gia Lâm: Sinh hoạt Câu lạc bộ nữ công quý I năm 2022 LĐLĐ huyện Gia Lâm: Nhiều hoạt động thiết thực trong Tháng Công nhân năm 2022 Hỗ trợ Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên huyện Gia Lâm

Ông Nguyễn Đức Thể - Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Gia Lâm, cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Gia Lâm có 05 cụm công nghiệp với gần 4.000 doanh nghiệp, tạo việc làm cho trên 21.000 lao động. Riêng LĐLĐ huyện quản lý trực tiếp 285 Công đoàn cơ sở với 15.571 đoàn viên/16.415 công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ).

Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã gây ra rất nhiều khó khăn cho người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống; việc chăm sóc, giáo dục con cái có nhiều xáo trộn, làm thay đổi đời sống tâm lý, tinh thần, thói quen…

Sát cánh cùng người lao động, nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho đoàn viên được tổ chức Công đoàn huyện triển khai thực hiện kịp thời với quy mô rộng lớn, từ đó xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả với sự dấn thân của cán bộ Công đoàn.

LĐLĐ huyện đã chủ động, kịp thời và nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ đa dạng dành cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hỗ trợ cho lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch, công nhân, lao động tại các doanh nghiệp trong thời gian giãn cách xã hội...

Quan hệ lao động trên địa bàn huyện Gia Lâm tương đối ổn định
Lãnh đạo LĐLĐ huyện Gia Lâm trao hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động khó khăn, bị ảnh hưởng dịch Covid -19

Lãnh đạo LĐLĐ thành phố Hà Nội, Huyện ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân và LĐLĐ huyện đã dành nhiều thời gian trực tiếp về cơ sở, nắm tình hình, làm việc với các địa phương, doanh nghiệp tại các địa phương vùng tâm dịch; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động để có các giải pháp đảm bảo việc làm, hỗ trợ đời sống.

Tại cơ sở, các cấp Công đoàn đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc, tổ chức sản xuất an toàn tại những doanh nghiệp đủ điều kiện với một số mô hình tiêu biểu như “Tổ An toàn Covid - 19”, “Vùng xanh doanh nghiệp”, “Chuyến xe siêu thị không đồng” với phương châm “Nơi nào công nhân khó, nơi đó có Công đoàn”… trực tiếp tổ chức, tham gia các hoạt động chăm lo đời sống, hỗ trợ cho công nhân, lao động, các nhiệm vụ của công tác phòng, chống dịch.

Qua các đợt triển khai phòng, chống dịch Covid-19, các cấp Công đoàn huyện Gia Lâm đã chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền trên 6,5 tỷ đồng. Trong số đó, LĐLĐ huyện chi trực tiếp hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hơn 2,5 tỷ đồng; hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính công đoàn 45 triệu đồng…

Đặc biệt, được sự chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, Huyện ủy Gia Lâm, LĐLĐ huyện đã hỗ trợ các Công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có đông công nhân lao động nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng của đoàn viên, người lao động, kịp thời phát hiện những vấn đề bức xúc, khó khăn... của người lao động để phối hợp với chủ doanh nghiệp có các biện pháp tháo gỡ, giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

LĐLĐ huyện đã chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn tới đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động về việc đồng hành, chia sẻ khó khăn, lấy quan tâm, chăm lo việc làm, đời sống, thu nhập của đoàn viên, người lao động làm động lực ổn định doanh nghiệp và ngược lại, phát triển doanh nghiệp là cơ sở để tạo việc làm, thu nhập và nâng cao đời sống của đoàn viên, người lao động. Đồng thời, LĐLĐ huyện cũng kịp thời chia sẻ thông tin, cập nhật tình hình về quan hệ lao động giữa các doanh nghiệp có công đoàn cơ sở để rút kinh nghiệm, chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp phòng ngừa.

Quan hệ lao động trên địa bàn huyện Gia Lâm tương đối ổn định
Lãnh đạo LĐLĐ huyện Gia Lâm thăm hỏi, nắm bắt tình hình đời sống việc làm của công nhân và trao hỗ trợ cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn

Cùng với đó, LĐLĐ huyện thường xuyên nắm tình hình, hỗ trợ, hướng dẫn Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp, đề xuất với người sử dụng lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại định kỳ hoặc đột xuất hoặc theo vụ việc theo quy định của Bộ luật Lao động và Hướng dẫn số 41/HD-TLĐ ngày 11/11/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam hướng dẫn Công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

LĐLĐ huyện còn phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan chức năng liên quan để rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn, nợ lương, nợ Bảo hiểm xã hội có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động để có phương án ngăn chặn, hỗ trợ, giải quyết kịp thời, giảm thiểu tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công tự phát xảy ra.

Nhờ thực hiện có hiệu quả việc nắm bắt tình hình quan hệ lao động và có các phương án phòng ngừa nên trong thời gian quan trên địa bàn huyện Gia Lâm không xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn huyện.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này