Nhức nhối tình trạng phân lô, tách thửa đất nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh

11:54 | 14/06/2022
(LĐTĐ) Do sự buông lỏng quản lý nên tại một số địa bàn ở thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã, đang xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, phân lô tách thửa đất nông nghiệp sai quy định. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng lớn đến diện mạo đô thị mà còn gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.
Thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng vẫn còn rất thấp Phát hiện, xử lý nhanh những vi phạm về trật tự xây dựng Tăng cường quản lý đất đai, chống lấn chiếm, xây dựng trái phép

Để chấn chỉnh công tác quản lý về đất đai, trật tự xây dựng, ngày 5/12/2017, UBNDTP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 60/2017/QĐ-UBND (gọi tắt là Quyết định 60) về Quy định diện tích tối thiểu được tách thửa; Tiếp đó, ngày 25/7/2019 Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Chỉ thị 23-CT/TU (gọi tắt Chỉ thị 23) về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng đã giải quyết cơ ban nhu cầu chính đáng của người dân, đồng thời tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn, tạo sự đồng thuận mạnh mẽ trong nhân dân. Song hiện tại một số địa bàn, trong đó có các huyện Bình Chánh, Củ Chi đang diễn ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, phân lô tách thửa đất nông nghiệp, sai quy định...

Công trình vi phạm ngay gần UBND xã

Tại TP.HCM, từ nhiều năm nay huyện Bình Chánh luôn là điểm nóng về vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Đáng chú ý, từ giữa tháng 5/2020, sau khi các cơ quan báo chí phản ánh tình trạng nhức nhối này, Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM đã tới hiện trường kiểm tra và phát hiện hàng loạt công trình không phép mọc lên trên đất nông nghiệp, cùng với đó là tình trạng mua bán nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Sau đó, nhiều cán bộ xã và cán bộ huyện Bình Chánh liên quan đến quản lý đất đai, trật tự xây dựng đã bị kỷ luật, thậm chỉ bị xử lý hình sự vì buông lỏng quản lý, tiếp tay, bao che sai phạm.

Nhức nhối tình trạng phân lô, tách thửa đất nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh
Một ngôi nhà xây dựng trên kênh tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Để tìm hiểu việc chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, phóng viên Báo Lao động Thủ đô trở lại địa bàn xã Đa Phước, huyện Bình Chánh giữa tháng 6/2022. Qua mục sở thị, chúng tôi nhận thấy bên cạnh những cánh đồng lúa, những khu đất nông nghiệp trồng cây ngắn ngày là những dãy nhà trọ, nhà xưởng lợp tôn tạm bợ, chênh vênh bên những dòng kênh.

Nhiều khu đất nông nghiệp vừa được san ủi, đất cát ngăn chèn cả dòng kênh, thậm chí có khu đất nông nghiệp đối diện với trụ sở UBND xã Đa Phước, huyện Bình Chánh được san ủi, lắp cống, chuẩn bị xây tường rào kiên cố mà không hề có sự kiểm tra, xử lý nào của lực lượng chức năng.

Dọc con đường liên ấp 4-5 xã Đa Phước là hàng loạt nhà trọ, xưởng, kho được xây dựng trên đất nông nghiệp, thậm chí có nhà cấp 4 xây hẳn trên kênh. Qua tìm hiểu, các công trình xây dựng, việc san ủi không phép trên đất nông nghiệp diễn ra tại thửa 27 tờ bản đồ (TBĐ) số 22 (đường liên ấp 4-5 xã Đa Phước, xây kho), thửa 47 TBĐ số 22 (đường liên ấp 4-5 xã Đa Phước, xây kho), thửa 2 và 4 TBĐ số 20 (đường Bà Cả, làm xưởng kho), thửa 19 TBĐ số 19 (xây kho), thửa 38 TBĐ số 7 (xây kho), thửa 14 TBĐ số 21 (xây dựng hồ câu cá giải trí không phép), thửa 143 TBĐ số 8 (xây kho), thửa 607 TBĐ số 8 (xây kho), thửa 174 và 175 TBĐ số 7 (xây nhà không phép).

Nhức nhối tình trạng phân lô, tách thửa đất nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh
Đất nông nghiệp bị san ủi, lắp cống thoát nước, đối diện với trụ sở UBND xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Đáng chú ý là thửa 615 TBĐ số 1 đường Đa Phước, hiện trạng đất lúa không được san lấp theo luật định nhưng đã được san lắp và đặt cống giáp với đường Đa Phước đối diện UBND xã Đa Phước chỉ hơn 50 mét.

Thực tế này diễn ra đã lâu nhưng không hiểu sao vẫn có thể “qua mắt” lực lượng chức năng và đến nay vẫn tồn tại như một sự thách thức dư luận, gây bức xúc trong nhân dân khu vực. “Tại sao nhiều công trình không phép “mọc” trên đất nông nghiệp, thậm chí diễn ra ở ngay khu vực đối diện với trụ sở UBND xã Đa Phước mà chính quyền xã lại không hay, hoặc không xử lý?”, ông T, một người dân (đề nghị giấu tên) đặt câu hỏi.

Để làm rõ thông tin, Phóng viên Báo Lao động Thủ đô đã liên hệ với UBND xã Đa Phước nhưng nhiều ngày qua chính quyền nơi đây vẫn chưa có "hồi âm”(?).

Tách thửa, phân lô "tràn lan" trên đất nông nghiệp

Điều đáng chú ý, Quyết định 60 của UBND TP.HCM quy định: Đối với việc tách thửa đất nông nghiệp, thửa đất mới và hình thành và thửa đất còn lại phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 500m2 đối với đất trồng cây hằng năm, đất nông nghiệp khác và 1.000m2 đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối.

Quy định là vậy nhưng ở huyện Củ Chi, TP.HCM lại diễn ra việc cho phép tách thửa đất nông nghiệp tràn lan, tách thửa sai quy định. Việc tách thửa đất nông nghiệp có diện tích lớn thành nhiều thửa đất nhỏ không đủ điều kiện tách thửa, cò đất, giới đầu nậu cắm biển dự án, ngày đêm túc trực rao bán, nhất là gần đây rộ thông tin huyện Củ Chi sẽ lên thành phố và dự án tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua địa bàn.

Qua thực địa, Phóng viên báo Lao động Thủ đô đã chứng kiến cảnh tách thửa đất nông nghiệp khá nhiều, không đúng quy định trên địa bàn huyện Củ Chi. Điển hình, ở xã Trung Lập Hạ trong cùng ngày 5/3/2022 UBND huyện Củ Chi ký cho phép một khu đất nông nghiệp được tách thành 20 sổ. Trong đó, đáng chú ý có một số thửa đất (có mục đích sử dụng là trồng cây hàng năm) không đủ diện tích quy định vẫn được tách thửa.

Nhức nhối tình trạng phân lô, tách thửa đất nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh
Đất nông nghiệp bị "xẻ" thành nhiều nền và tiến hành xây dựng trái phép tại xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Đơn cử là thửa đất số 1044 có diện tích sau tách thửa là 293,8m2, thửa 1048 có diện tích 431,8m2 (đều thuộc TBĐ số 10). Đang còn là đất nông nghiệp, nhưng các lô đất này hiện đang được san ủi, làm đường, trồng cây, làm nhà cấp 4 và được rao bán như đất dự án.

Tương tự, tại xã Tân Thạnh Đông trong cùng ngày 21/12/2021 UBND huyện Củ Chi ký cấp hàng loạt Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là GCN) đối với 18 thửa đất (đều thuộc tờ bản đồ số 30) được tách thửa. Điều đáng nói, các thửa đất này đều là đất nông nghiệp, sau khi có quyết định tách thửa đã được các đối tượng san ủi, cắm cọc và rao bán như đất nền của một dự án nhà ở thương mại với giá bán từ 1,5 – 5,5 tỷ đồng/nền.

Một địa bàn khác ở xã Nhuận Đức, khu đất thuộc tờ bản đồ số 27 đang là cấy lúa, không có đường đi, nhưng đầu năm 2022 đã được UBND huyện Củ Chi cho phép tách thành hàng chục lô. Đơn cử là thửa 1442 (diện tích 500m2), thửa 1482 (504,5m2), thửa 1478 (506,8m2)… Hiện phần còn lại của khu đất đang được chủ đất huy động phương tiện máy móc, nhân lực tiến hành đổ đá, múc đất, rải đá làm đường, trồng cây ăn quả, xây dựng tiểu cảnh, làm nhà chòi… để tiếp tục phân lô, tách thửa nhằm bán cho khách hàng dưới những lời quảng cáo “có cánh” như khu nghỉ dưỡng lý tưởng, khu nghỉ dưỡng sinh thái…

Không kém "nhiệt” là địa bàn xã Thái Mỹ. Địa bàn này đa số vẫn là đất nông nghiệp, tập trung nhiều cánh rừng tràm. Thế nhưng tại đây việc phân lô đất nông nghiệp vẫn âm thầm diễn ra. Trong cùng ngày 27/1/2022 UBND huyện Củ Chi ký cấp Giấy chúng nhận các thửa đất nông nghiệp được tách như thửa 694 (635,5m2), thửa 695 (diện tích 500m2) đều thuộc Tờ bản đồ số 54. Khu đất này có mục đích sử dụng là cây hàng năm hiện đã được san lấp mặt bằng, khoan giếng nước, trồng nhiều cây lâu năm, xây bê tông xung quanh. Đặc biệt, trên mỗi lô đều được đổ bê tông, lát gạch với diện tích 16m2 với mục đích để xây dựng chòi làm nơi nghỉ dưỡng. Giá mỗi lô được cò đất ở đây rao từ 1,35 đến 1,8 tỷ đồng.

Nhức nhối tình trạng phân lô, tách thửa đất nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh
Đất nông nghiệp bị "xẻ" thành nhiều nền và tiến hành xây dựng trái phép tại xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao UBND huyện Củ Chi lại cho phép tách thửa đất nông nghiệp không đúng quy định và cho tách tràn lan đất nông nghiệp? Từ đây nhiều khu đất nông nghiệp đã không còn sử dụng đúng mục đích, biến tướng thành đất ở hoặc xây cất công trình nhà ở bất hợp pháp. Cò đất, giới đầu cơ đã nhộn nhịp “bay về”, vẽ nên các “dự án” dưới tên gọi “khu dân cư”, “khu nhà vườn sinh thái”… với giá bán lên tới hàng tỷ đồng cho mỗi nền mà có lẽ hàng chục năm nay, người dân làm nông huyện Củ Chi cũng không thể ngờ tới.

Những cánh đồng lúa mất dần, những mảnh ruộng vườn trồng cây thu hẹp lại, kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất của địa phương bị xáo trộn, thay đổi nghiêm trọng trong khi giới cò đất, đầu nậu “xào qua xáo lại” các lô đất được tách thửa, nghiễm nhiên bỏ túi hàng tỷ đồng. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho tình trạng này?

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, thực hiện Chỉ thị 23, trong 6 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Sở Xây dựng đã phối hợp các đơn vị kiểm tra gần 26.500 lượt, giảm hơn 13.000 lượt so với cùng kỳ năm 2021. Qua kiểm tra phát hiện 189 công trình vi phạm trật tự xây dựng, trong đó sai phép chiếm 58,7%, không phép chiếm 28%, vi phạm khác chiếm 23,3%.

Về vấn đề tách thửa, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Việc tách thửa đất nông nghiệp có diện tích lớn hơn 2.000m2 phải lập dự án theo quy định pháp luật; trường hợp thửa đất thuộc khu vực không phù hợp quy hoạch để sản xuất nông nghiệp và thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố thì không được tách thửa.

Tình Trần

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này