Sau tiền lương, nhà ở là nhu cầu bức thiết nhất với công nhân lao động

09:09 | 11/06/2022
(LĐTĐ) Sau vấn đề tăng lương tối thiểu, nhà ở là nhu cầu bức thiết nhất với công nhân lao động. Đây là vấn đề căn cơ, có tính chất quyết định đến sự ổn định, gắn bó lâu dài của công nhân lao động với việc làm tại các khu đô thị, thành phố lớn.
Ngày 12/6: Thủ tướng Chính phủ sẽ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động 63 tỉnh, thành phố Chương trình “Giờ thứ 9+” trên VTV3 - sân chân mới dành cho công nhân lao động 10 nhu cầu bức thiết công nhân lao động mong Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm chỉ đạo giải quyết

Ngày 12/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với công nhân lao động tại Bắc Giang với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”. Chương trình sẽ có sự tham dự của 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên trước thềm cuộc gặp gỡ, đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với công nhân lao động, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động, vấn đề được nhiều công nhân lao động quan tâm, có nhu cầu bức thiết hiện nay là nhà ở, trường học, thiết chế Công đoàn.

Sau tiền lương, nhà ở là nhu cầu bức thiết nhất với công nhân lao động
Nhiều công nhân lao động hiện đang phải thuê trọ, trong điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn. Ảnh: M.Q

“Sau tiền lương, vấn đề nhà ở, trường học và thiết chế Công đoàn là nhóm vấn đề được nhiều công nhân lao động đặc biệt quan tâm vì ảnh hưởng đến quyết định có gắn bó lâu dài với nơi làm việc và công việc hiện tại hay không. Nếu đảm bảo được nhà ở ổn định, có trường học gần nơi làm việc, công nhân lao động ngoại tỉnh mới tính tới việc có đưa con theo mình hay không, bởi nếu không, nhiều công nhân phải gửi con về quê nhờ người thân trông giúp...”, ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ.

Trao đổi thêm về vấn đề nhà ở cho công nhân lao động, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Đây là vấn đề tổ chức Công đoàn và người lao động đã quan tâm và nhiều lần đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Qua nhiều lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động, Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành cùng phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân.

Thời gian qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp sẵn sàng chung tay vào cuộc với tổ chức Công đoàn xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, hiện nay, do những vướng mắc của Luật, như Luật đất đai, cơ chế chính sách... nên việc triển khai trên thực tế gặp nhiều khó khăn.

“Tổng LĐLĐ Việt Nam đã, đang và sẽ quyết tâm theo đuổi chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân lao động, với mục tiêu khơi thông nguồn lực để nhiều chủ thể được tham gia. Tổng LĐLĐ Việt Nam đang kiến nghị tách riêng vấn đề nhà ở cho công nhân lao động, bởi có những đặc thù về vận hành, tổ chức, quản lý đối tượng (khác với nhà ở xã hội)", ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022 là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động sôi nổi của Tháng Công nhân năm 2022.

Chương trình là diễn đàn để đoàn viên, công nhân lao động được gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ; được Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chỉ đạo giải quyết các vấn đề được nêu và truyền thông điệp tới người lao động cả nước.

Để chuẩn bị cho Chương trình, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, ngày 16/5/2022, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Công đoàn, các cơ quan báo chí Công đoàn mở diễn đàn, tổ chức nghiên cứu, nắm bắt, tổng hợp kiến nghị, ý tưởng, đề xuất của công nhân lao động với Đảng, Nhà nước. Đến nay đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động tập trung vào 10 nhóm vấn đề; trong đó có vấn đề nhà ở.

Tại tỉnh Bình Dương, một trong những địa phương tập trung đông công nhân lao động, qua khảo sát của LĐLĐ tỉnh với 2.100 công nhân lao động đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh về nhu cầu, mong muốn, cho thấy: Đa số công nhân lao động (91,3%) mong muốn được tăng lương; 41,2% công nhân mong tỉnh có thêm chính sách hỗ trợ về nhà ở; 9,5% công nhân mong tỉnh xây dựng thêm nhà trẻ đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người lao động.

Bên cạnh đó, người lao động cũng bày tỏ mong muốn có thêm nhiều điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí (12,9%), đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông (32,5%). Có đến 56,6% công nhân mong các ngành chức năng có các biện pháp kiểm soát không để tăng giá cả hàng hóa.

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này