Nhân rộng các chuỗi nông sản an toàn để phát triển nông nghiệp bền vững

22:40 | 09/06/2022
(LĐTĐ) Để đẩy mạnh việc áp dụng và nhân rộng các mô hình nông sản an toàn, nhiều xã trên địa bàn huyện Đan Phượng đã xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, quảng bá sản phẩm. Song song với đó là xây dựng và nhân rộng được mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP trong phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm.
Các tỉnh phía Bắc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử Không để nông dân bị thiệt vì nạn phân bón giả, giá nông sản bấp bênh Làm tốt thương hiệu trong nước là bệ đỡ để đưa nông sản Việt ra nước ngoài

Tạo chuỗi nông sản bền vững

Xã Song Phượng, huyện Đan Phượng là xã điểm xây dựng nông mới của thành phố Hà Nội. Gắn với nền kinh tế thị trường thương mại ngày càng phát triển, số hộ kinh doanh tại xã ngày càng tăng, giao thông nội đồng được đầu tư kiên cố hóa.

Nhân rộng các chuỗi nông sản an toàn để phát triển nông nghiệp bền vững
Mô hình trông bưởi được nhân rộng ở nhiều xã huyện Đan Phượng.

Với mục tiêu tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh, xen canh, chú trọng đảm bảo chất lượng bền vững, nông dân xã Song Phượng đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cấy lúa sang trồng hoa, cây ăn quả, mang lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó nông dân còn phát triển các đàn gia súc, gia cầm, phấn đấu giá trị sản xuất hàng năm đạt 600 triệu đồng/ha.

Xã Song Phượng có mô hình trồng bưởi của Chi hội thôn Thuận Thượng với tổng số 42 hội viên tham gia. Có mô hình hợp tác xã trồng nấm có 11 thành viên tham gia với tổng số vốn điều lệ 250 triệu đồng. Cùng với đó là mô hình chi hội nghề nghiệp về làm kẹo lạc, mô hình thí điểm sử lý rác thải từ chế phẩm,… đều được xây dựng trên tiêu chí về thực phẩm, nông sản an toàn.

Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Phượng cho biết, với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, Hội đã tập trung vận động hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hội cũng đẩy mạnh việc áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm trong phát triển chuỗi nông sản thực phẩm theo tiêu chuẩn an toàn vì sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng và góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Nhân rộng các chuỗi nông sản an toàn để phát triển nông nghiệp bền vững
Nông sản sạch, an toàn được đưa đi tiêu thụ.

Đến với xã Hạ Mỗ hôm nay nhiều người không khỏi ngỡ ngàng với sự đổi thay của vùng nông thôn giàu sức sống. Đặc biệt, mô hình bưởi Tôm Vàng đã trở thành thương hiệu của xã sau cuộc hành trình đầy nỗ lực của người nông dân nơi đây.

Tự hào nói về mô hình nông sản hữu cơ này, ông Nguyễn Thế Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hạ Mỗ cho biết: “Ban đầu trồng bưởi người dân không hề lai tạo hay chiết, ghép, tác động vào cây, nhưng khi bưởi lớn lên và chín có màu vàng tươi, bà con hái ăn thử mới thấy múi to, tôm vàng, có vị ngon ngọt đến kỳ lạ, khác hẳn so với các giống bưởi khác. Giống bưởi được đặt tên Tôm Vàng từ đó. Bưởi Tôm Vàng cũng nhận được kết quả kiểm nghiệm nông sản sạch. Xã đang tiếp tục nhân rộng các mô hình nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ bền vững”.

Góp phần vào kinh tế nông nghiệp của huyện và Thành phố, không thể không kể đến xã Tân Hội. Mặc dù nghề chủ yếu của cư dân trong xã là nghề mộc, giò chả, nhưng với quyết tâm đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp của huyện, nông dân xã Tân Hội đã gieo trồng thành công 2 loại lúa hữu cơ chất lượng, năng suất cao, đó là CS 6 và Lai Thơm 6.

Nhân rộng các chuỗi nông sản an toàn để phát triển nông nghiệp bền vững
Nho Hạ Đen là "đặc sản" của vùng đất Đan Phượng.

Mô hình được dùng chế phẩm sinh học hữu cơ Sumitri để xử lý tàn dư đất cho cây lúa Lai thơm 6 và CS 6, kích hoạt hệ vi sinh vật có sẵn trong đất. Ông Nguyễn Quý Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hội cho biết: “Phương châm sản xuất hữu cơ là không làm tổn hại đất canh tác, làm cho đất đai có thể phục vụ canh tác lâu dài; dùng chế phẩm sinh học xử lý tàn dư đất cho cây lúa, kích hoạt hệ vi sinh vật có sẵn trong đất giúp người nông dân sản xuất không phải tiếp xúc với các chất nguy hiểm độc hại cho sức khỏe của chính mình. Sản phẩm sạch sản xuất từ canh tác hữu cơ sẽ ngày càng có giá trị cao và dễ tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước”.

Hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm an toàn

Để hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho nông sản, thực phẩm an toàn, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã và đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ nông sản an toàn, hỗ trợ hội viên nông dân tiếp cận thông tin thị trường, giá cả vật tư nông nghiệp; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là hỗ trợ nông dân kết nối các sàn giao dịch thương mại, hội chợ xúc tiến thương mại.

Hội cũng chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp để hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, kết nối với các nhà phân phối để tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông quảng bá, giới thiệu các mặt hàng nông sản an toàn của địa phương tới các vùng miền trong và ngoài nước, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm mạnh mẽ hơn.

Nhân rộng các chuỗi nông sản an toàn để phát triển nông nghiệp bền vững
Đan Phượng nhân rộng được mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP trong phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm.

Hội cũng tiếp tục xây dựng và nhân rộng các chuỗi cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn từng địa phương. Đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo chuỗi “từ sản xuất đến tiêu dùng”, tuyên truyền, khảo sát vận động chọn mô hình điểm hợp tác xã rau hữu cơ công nghệ cao ở một số cơ sở Hội để ra mắt cửa hàng giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn trên địa bàn huyện;

Vận động hội viên nông dân liên kết nhau thành vùng sản xuất hàng hóa nông sản thực phẩm an toàn. Đẩy mạnh vận động các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với các hộ nông dân từ khâu cung cấp vật tư, dịch vụ đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm có chất lượng an toàn thực phẩm. Liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn giữa cơ sở sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy sản) với các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh.

Tiếp tục vận động các hộ hội viên, nông dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, không phân biệt sản xuất tiêu dùng trong nước với xuất khẩu mà áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, xây dựng mô hình chăn nuôi “4 không - 2 sạch”;

Vận động hội viên, nông dân không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng vật tư nông nghiệp không rõ nguồn gốc, không kinh doanh thực phẩm không an toàn, không tiêu dùng thực phẩm không an toàn theo mô hình “3 không” (không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm; không kinh doanh chất cấm và nông sản thực phẩm không an toàn, kém chất lượng; không tiêu dùng nông sản thực phẩm bẩn, không sản xuất thiếu an toàn).

Bảo Thoa – Thiều Son

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này