Phát huy bền vững giá trị di tích

08:50 | 09/06/2022
(LĐTĐ) Thời gian qua, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn được quan tâm, đầu tư và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên để phát huy giá trị, hiệu quả nguồn tài nguyên di sản lâu dài và bền vững, ngành văn hóa Thủ đô cần khẩn trương xây dựng đề án tổng thể về phát huy giá trị di tích; hoàn thành công tác kiểm kê và đẩy nhanh số hóa di tích…
Đón bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đền Voi Phục, đền Quán Thánh Xây dựng đề án tổng thể về phát huy giá trị di tích trên địa bàn Hà Nội

Nhiều khó khăn trong công tác tu bổ, tôn tạo

Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích có trên địa bàn, toàn Thành phố hiện có 5.922 di tích được kiểm kê; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố. Chiếm 1/3 về số lượng di tích cả nước được xếp hạng, phong phú về loại hình, giàu có về giá trị. Các di tích trên địa bàn Thành phố là niềm tự hào của Thủ đô văn hiến, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa di sản.

Phát huy bền vững giá trị di tích
Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước mỗi năm.

Trong thời gian qua, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Thành phố luôn được cấp ủy, chính quyền từ Thành phố tới cơ sở quan tâm, đầu tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các di tích thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quản lý được thực hiện tốt công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị, trung bình mỗi năm (từ 2015 đến nay), Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám… đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước.

Tại các quận, huyện, thị xã, việc phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cũng được quan tâm, chú trọng, nhờ đó, đã triển khai kịp thời và tương đối đồng bộ các biện pháp quản lý di tích tại cơ sở; các di tích cơ bản đều có Ban quản lý…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Thành phố còn một số khó khăn, hạn chế. Trong giai đoạn 2013-2020, di tích xuống cấp nhiều nhưng thiếu nguồn lực, kinh phí bảo quản, tu bổ và phát huy giá trị. Giai đoạn này có 1.125/1.617 lượt di tích xuống cấp được tu bổ, tôn tạo, đạt tỷ lệ 69,7%. Bên cạnh đó, có một thực trạng đã xảy ra nhiều năm qua là một số di tích tại Hà Nội bị xâm hại, khiến người quan tâm đến di sản không khỏi lo lắng. Điển hình như việc tự ý tu bổ, cải tạo di tích đình Lương Xá, huyện Ứng Hòa; chùa Lâm So, huyện Quốc Oai…; di tích quốc gia chùa Đậu (huyện Thường Tín) từng xảy ra tình trạng vi phạm Luật Di sản văn hóa và các quy định hiện hành của pháp luật, khi những người quản lý di tích tự ý xây dựng nhiều hạng mục công trình, không thông qua các cơ quan chức năng. Hay di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng (huyện Ba Vì) từng xảy ra tình trạng tự ý lắp cổng sắt mới với hoa văn và màu sắc hiện đại, khập khiễng với tổng thể di tích vốn có kiến trúc cổ kính… Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là nhận thức, ý thức của đơn vị quản lý và nhân dân ở một số địa phương về tu bổ, tôn tạo còn hạn chế; thiếu sự giám sát, hướng dẫn của chính quyền địa phương; lực lượng tham gia thi công thiếu kiến thức chuyên môn...

Sớm ban hành đề án tổng thể về bảo tồn giá trị di sản

Tại cuộc họp báo cáo công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định Hà Nội sở hữu một số lượng lớn di tích với nhiều loại hình, trong đó có những di tích cổ được xem như những báu vật trong kho tàng di sản quốc gia, đó là niềm tự hào của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhận định, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích là vấn đề rất cần thiết và cũng là nội dung được thành phố Hà Nội quan tâm. Đặc biệt, Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đã đặt vấn đề đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích với tỉ trọng đầu tư lớn. Đó là điều đáng mừng cho công tác quản lý di tích tại Hà Nội trong thời gian tới. Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý, bên cạnh điều đáng mừng thì vấn đề đặt ra là phải triển khai như thế nào để hiệu quả không lãng phí, qua đó bảo tồn, phát huy được giá trị của những di tích quý giá, kéo dài tuổi thọ và phát huy giá trị di tích.

Lãnh đạo Bộ cũng nhấn mạnh việc Hà Nội cần sớm có đề án tổng thể về bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Trong đó đánh giá tổng thể hệ thống di tích, những di tích xuống cấp cần sửa chữa, từ đó có danh sách ưu tiên, lộ trình đối với tất cả các di tích. Đối với hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, cần tập trung vào trọng tâm là những vấn đề đã tồn tại lâu, cần giải quyết, tháo gỡ vướng mắc.

Cũng đặt ra một số vấn đề về hiệu quả công tác bảo tồn di tích tại cơ sở, đại diện Ban quản lý Di tích đình chùa Ngọc Lâm (quận Long Biên) bày tỏ mong muốn được Thành phố quan tâm hơn về những cơ chế với đội ngũ trông coi di tích, để họ yên tâm nhận nhiệm vụ, gắn bó lâu dài bên cạnh “làm vì cái tâm”; đồng thời có phương án kết nối du lịch với di tích tạo nên du lịch tâm linh, phát huy tối đa giá trị lịch sử của di tích…

Về giải quyết, tháo gỡ vướng mắc trong công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết đây là nhiệm vụ được Thành phố đặc biệt quan tâm.Theo đó, Hà Nội đã tập trung triển khai Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND thành phố Hà Nội về việc Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp Thành phố.

“Khác với hai nhiệm vụ trên, nhiệm vụ tu bổ, tôn tạo di tích đặc biệt hơn hẳn, do đặc thù kiến trúc, hàm lượng giá trị văn hóa trong mỗi công trình đặt ra những yêu cầu về quy trình thực hiện, kiến thức, tay nghề… làm sao triển khai hiệu quả, giữ gìn và phát huy tốt giá trị nguyên gốc”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị, ngành văn hóa Thủ đô khẩn trương triển khai 4 nhiệm vụtrọng tâm, gồm: Xây dựng đề án tổng thể về phát huy giá trị di tích trên địa bànThành phố, làm cơ sở, định hướng cho các địa phương triển khai nhiệm vụ; thànhlập ban chỉ đạo công tác quản lý tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trênđịa bàn thành phố Hà Nội; hoàn thành công tác kiểm kê và đẩy nhanh số hóa di tích; nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ công tác quản lý di tích tại cơ sở, có chế độ đãi ngộ cho người trông coi di tích, kinh phí bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp tham gia hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích tại cơ sở./.

Ngân Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này