Tiềm năng lớn từ thị trường game

08:55 | 09/06/2022
(LĐTĐ) Được đánh giá là có nhiều tiềm năng, thị trường game Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành một ngành công nghiệp giải trí phát triển trong tương lai. Đây là cơ hội nhưng cũng đồng thời là thách thức để ngành game nói riêng, ngành công nghiệp hình ảnh nói chung được bứt phá.
Samsung Galaxy Note 7 bị biến thành bom trong trò chơi điện tử Cảnh báo nguy cơ trẻ chậm nói do sử dụng các thiết bị điện tử cầm tay

Nhắc đến những tựa game nổi tiếng hiện nay, nhiều người nghĩ ngay đến những game do Mỹ, Nhật, Trung Quốc,... phát hành. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một nước cho ra những tựa game mang tính giải trí hấp dẫn với nội dung, đồ họa và chất lượng cao.

Tiềm năng lớn từ thị trường game
Phát triển ngành công nghiệp game phải đi liền với các chế tài kiểm soát chặt các cửa hàng kinh doanh game. (Ảnh minh họa: N.Hoài)

Trao đổi với phóng viên Lao động Thủ đô, ông Bùi Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công ty CP Công nghệ, Điện toán và Truyền thông Quốc gia (VCCTECH) cho biết, trên thực tế, thị trường game Việt Nam hiện lâu nay vẫn là các sản phẩm game nhập khẩu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, nhưng những "tác phẩm" game đình đám của Việt Nam thời gian qua đã để lại dấu ấn đáng nể. Những trò chơi điện tử "made in Việt Nam" còn gây ấn tượng bởi “câu chuyện” mà các nhà thiết kế dàn dựng đưa vào game.

"7554" là trò chơi điện tử nhập vai với thể loại bắn súng lấy bối cảnh lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là mô tả chiến thắng Điện Biên Phủ. Với nhiều game thủ trẻ, "7554" là niềm tự hào của người Việt Nam. Hay game "Thần tích" được xây dựng dựa trên những thần thoại và cổ tích Lạc Long Quân, Âu Cơ, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Thạch Sanh, Tấm Cám...

Nhắc đến những tựa game do Việt Nam sản xuất nổi tiếng khắp thế giới có thể "điểm danh" game bắn súng sinh tồn "Free Fire" đứng thứ 3 trong top 10 tựa game mobile có doanh thu cao nhất thế giới. Game biểu cảm sắc thái trên gương mặt "Face Dance Challenge" từng tạo một cơn sóng trên mạng xã hội. Hay game "Axie Infinity" là một hiện tượng không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới như Philippines, Indonesia, thậm chí cả châu Âu và thị trường Mỹ.

"Trong tư duy của nhiều người Việt, chơi game là vô bổ, thậm chí có hại, nạp tiền chơi game là lãng phí và theo "nghiệp game" khó có tương lai. Nhưng trên thế giới, game là ngành công nghiệp không khói, có đóng góp đáng kể vào ngân sách quốc gia", ông Bùi Thanh Tùng khẳng định. Ông Tùng cũng cho rằng, để ngành game có thêm uy tín, cần có các chính sách khuyến khích sản xuất game lành mạnh và có chế tài ngăn chặn các hành vi lợi dụng để đưa cờ bạc vào game. Một số game còn mang tính đồi trụy, gây tò mò, bất chấp hậu quả để thu lợi nhuận. Điều này sẽ gây ra những rào cản làm cho game bị bài xích, khó phát triển.

Còn theo ông Nguyễn Khánh Toàn - Giám đốc NWCorp, ngành game Việt Nam đang tăng trưởng theo cấp số nhân. So với các lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa, ngành game có lịch sử muộn hơn, xuất hiện từ cuối năm 2004 và đến nay đã nở rộ sau gần 20 năm phát triển. Theo một báo cáo của Appota - đơn vị cung cấp các giải pháp công nghệ và nội dung giải trí số cho thấy nếu năm 2019, số lượng game ra mắt là 171 thì con số này vào năm 2020 đã lên tới 212 game. Tương tự, lượt tải game di động năm 2019 là 1,38 tỷ lượt, thì năm 2021 là 1,55 tỷ lượt. Từ năm 2015 đến 2019, doanh thu từ hoạt động cung cấp trò chơi điện tử trên mạng đã tăng trưởng gấp đôi, kéo theo sự tăng trưởng về tiền thuế nộp ngân sách Nhà nước và nhân lực hoạt động trong ngành game online.

Tại tọa đàm "Kinh tế số - chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới", ông Đỗ Tuấn Anh - đại diện Appota cho biết, ngành game thế giới đang phát triển và phát triển vượt bậc trong 2 năm qua, ít nhất là gấp 2-3 lần những năm trước đại dịch.

Theo báo cáo Xu hướng ứng dụng di động 2022 về hiệu suất của ứng dụng trên toàn cầu vừa được Adjust - nền tảng phân tích marketing di động, số tiền người dùng chi cho mobile game lên đến 93,2 tỷ USD trong năm 2021, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm đến 52% số tiền người dùng chi vào thị trường game toàn cầu. Thị trường mobile game dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm là 12,3% trong giai đoạn 2021-2026.

Chỉ tính riêng tháng 12/2021, thị trường mobile game đã thu 7,4 tỷ USD từ các giao dịch của người dùng trên hai nền tảng Google Play và App Store. Đứng đầu bảng xếp hạng là Mỹ, sau đó là Nhật Bản và Trung Quốc. Có 8 mobile game công bố doanh thu hơn 1 tỷ USD trong năm 2021 là PUBG Mobile, Honor of Kings, Genshin Impact, Roblox, Coin Master, Pokémon Go, Candy Crush Saga và Garena Free Fire. Chi phí quảng cáo trên mobile game tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 295 triệu USD và được dự đoán sẽ cán mốc 350 tỷ USD vào năm 2022.

"Thị trường game Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh, nhưng tư duy về game của đại bộ phận người dân đều còn rất “sơ khai”, dù thực tế nhiều trò chơi điện tử đã được đánh giá là môn thi đấu thể thao điện tử bổ ích. Bên cạnh đó, chính đội ngũ các nhà quản lý, nghiên cứu chính sách vẫn chưa có những quan tâm, đánh giá đúng mức đối với lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn non trẻ này", ông Toàn chia sẻ quan điểm.

Năm 2016, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đã xác định "phần mềm và các trò chơi giải trí" là một trong 13 lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa. Tháng 11/2021, Chính phủ ban hành Quyết định về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển văn hóa Việt Nam đến 2030 đã có những chính sách chuyên biệt hỗ trợ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên cả hai văn bản quan trọng nhất này thì game vẫn chưa được coi là ngành ưu tiên trong phát triển công nghiệp văn hóa. Các quy định hầu hết hiện nay liên quan đến việc cấp phép và quản lý trò chơi chứ chưa có các chính sách chuyên biệt để hỗ trợ sự phát triển của ngành này.

Tại tọa đàm "Kinh tế số - chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới", ông Đỗ Tuấn Anh - đại diện Appota cho biết, ngành game thế giới đang phát triển và phát triển vượt bậc trong 2 năm qua, ít nhất là gấp 2-3 lần những năm trước đại dịch.

Đối với ngành game Việt Nam, tuy phát triển rất tốt nhưng dòng tiền lại không "chạy" vào túi doanh nghiệp trong nước. Ngành game chưa được quan tâm đúng mức, khiến doanh nghiệp phải cạnh tranh với nước ngoài nhưng trong tay gần như không có "vũ khí". Ông Đỗ Tuấn Anh cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư vào nghiên cứu sản xuất game, tuy nhiên, họ cần được nhìn nhận đúng để phát triển, vì ngành game vẫn còn nhiều dư địa.

Việt Nam thật sự có khả năng làm ra những tựa game có chất lượng tốt, lối chơi dễ tiếp cận nhiều đối tượng người chơi khác nhau, tuy nhiên điều cần thiết nhất vẫn là một định hướng cụ thể, nền tảng công nghệ tiên tiến và cả là nguồn lực để cạnh tranh trong lĩnh vực game truyền thống toàn cầu./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này