Quy định cụ thể hơn về bảo đảm an ninh khi tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

19:12 | 03/06/2022
(LĐTĐ) Ngày 3/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Đại biểu Quốc hội đề nghị kéo dài thời gian miễn, giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân Bộ trưởng Bộ Tài chính: Muốn giảm giá xăng dầu phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và ba Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn

Phạm nhân tham gia trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết, Dự thảo Nghị quyết quy định trại giam chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, trực tiếp quản lý, giám sát khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân như trong trại giam.

Tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ quản lý giam giữ, bàn giao cho trại giam quản lý và phối hợp với trại giam thực hiện tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.

Việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải theo một số nguyên tắc, trong đó, phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động; thu nhập của tổ chức hợp tác với trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp…

Dự thảo cũng quy định không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam với 11 nhóm phạm nhân, trong đó có phạm nhân có từ 2 tiền án trở lên; tái phạm nguy hiểm; người nước ngoài; người dưới 18 tuổi; người đủ 60 tuổi trở lên; đã có hành vi trốn khỏi cơ sở giam giữ, trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc…

Quy định cụ thể hơn về bảo đảm an ninh khi tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội).

Cần thêm cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân hợp tác

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội) cho rằng việc tổ chức lao động, học tập phù hợp cho phạm nhân là nhằm tạo cơ hội để họ tự cải tạo, trở thành người có ích cho xã hội, tạo thuận lợi chuẩn bị cho việc tái hòa nhập cộng đồng của phạm nhân sau khi hoàn thành việc chấp hành án. Chính vì vậy, ông nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về sự cần thiết ban hành nghị quyết này.

Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng, thu nhập của tổ chức hợp tác với trại giam từ hoạt động lao động, xây dựng, từ hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp là phù hợp.

Tuy nhiên, theo đại biểu, cần có thêm cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hoá) cho biết Bộ luật Hình sự và Luật Thi hành án hình sự hiện hành đã thống nhất với tinh thần chế độ lao động là bắt buộc đối phạm nhân và có vai trò rất quan trọng trong giáo dục, cải tạo phạm nhân và là bước chuẩn bị các điều kiện để cho họ tái hòa nhập cộng đồng.

Thực tiễn trên thế giới cũng cho thấy điều hay xảy ra là các cựu phạm nhân thường phải sống với sự kỳ thị của xã hội, ngay cả khi họ ra tù và có thể là sự trừng phạt nhiều hơn cả bản án tù mà họ đã phải chấp hành. Nhiều phạm nhân khi được trả tự do lại thấy bế tắc và như bước vào nhà tù thứ hai theo đúng nghĩa đen của nó.

Quy định cụ thể hơn về bảo đảm an ninh khi tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hoá).

Chính vì thế, lao động, dạy nghề là điều quan trọng để giúp mở khóa cánh cửa nhà tù thứ hai này, để tạo điều kiện cho phạm nhân khi ra tù sẽ có cơ hội để làm điều tốt, sống có ích cho xã hội, tái hòa nhập cộng đồng, tìm tới hy vọng để bắt đầu với công việc mà họ được đào tạo, lao động trong quá trình chấp hành án.

Đồng thời, đại biểu đề xuất sửa đổi khoản 3 Điều 3 của dự thảo nghị quyết theo hướng "phạm nhân tham gia lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam được trả công theo quy định của pháp luật về lao động", đồng thời phải có những quy định bảo đảm cho phạm nhân đề phòng tai nạn lao động, kể cả bệnh nghề nghiệp.

Quy định cụ thể hơn về công tác bảo đảm an ninh

Đại biểu Lê Thanh Hoàn cũng đề nghị làm rõ thêm trong quá trình phạm nhân tham gia lao động, học nghề ngoài trại giam thì các quyền của phạm nhân như hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, chế độ y tế được đảm bảo như thế nào.

“Tôi đề nghị cần tiếp tục rà soát để quy định cụ thể hơn về công tác bảo đảm an ninh, an toàn, quản lý, giam giữ khi mỗi điểm lao động dự kiến chỉ có 2 cán bộ chiến sĩ quản lý trên tổng số 50 phạm nhân. Đồng thời, cần quy định cụ thể biện pháp phòng ngừa tình trạng lao động cưỡng bức, như quyền được chấm dứt lao động của phạm nhân theo đề nghị của họ cũng như việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan có liên quan”, đại biểu đoàn Thanh Hóa nói.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) góp ý, không không nên giới hạn số lượng trại giam được áp dụng thí điểm không quá 1/3 tổng số trại giam của Bộ Công an như Dự thảo Nghị quyết, mà nên căn cứ vào nguyên tắc trại giam nào đáp ứng đầy đủ các điều kiện thực hiện thí điểm thì đều có thể được áp dụng.

Quy định cụ thể hơn về bảo đảm an ninh khi tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội).

Dẫn nội dung Dự thảo nghị quyết quy định về nguyên tắc hành nghề, tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho các phạm nhân chỉ tập trung vào các ngành, nghề sản xuất tiêu thụ trong nước, đại biểu đề nghị cần mở rộng thêm cả lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân đối với các ngành, nghề có thể xuất khẩu ra nước ngoài, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập hiện nay.

Ngoài ra, cũng cần đưa những ngành, nghề phát huy được những năng khiếu, thế mạnh, sở trường của phạm nhân nhằm kích thích động viên họ trong quá trình lao động. Điều này sẽ giúp tăng cường sự đóng góp của phạm nhân đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, giúp có thêm cơ hội tiếp cận việc làm sau khi hết thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề đối với trường hợp phạm nhân đang điều trị tại cơ sở y tế, có con dưới 36 tháng tuổi được y tế trại giam xác nhận...

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) lại đề nghị bổ sung nguyên tắc nơi tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải cùng trên địa bàn, đơn vị hành chính cấp tỉnh, nơi đóng trại giam để bảo đảm không có khoảng cách quá xa so với trại giam, thuận lợi cho công tác quản lý, tăng cường lực lượng xử lý các vấn đề phát sinh (nếu có) và phù hợp với thẩm quyền kiểm sát hoạt động thi hành án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này