Không để lãng phí nguồn lực đất đai!

09:33 | 02/06/2022
(LĐTĐ) Thực tiễn cho thấy, nếu có quy hoạch tốt, quản lý Nhà nước tốt, nhà đầu tư tốt thì không chỉ kinh tế địa phương phát triển mà người dân cũng được hưởng lợi và ngược lại. Bởi thế, vấn đề quy hoạch và tầm nhìn cơ quan quản lý cấp địa phương rất quan trọng.
Chuẩn bị ban hành Nghị quyết mới của Trung ương về đất đai Khó tiếp cận thông tin quy hoạch dẫn đến sốt ảo, thao túng thị trường đất đai
Không để lãng phí nguồn lực đất đai!
Ảnh minh họa.

Nghị trường Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV trong phiên làm việc ngày 30/5 thảo luận chuyên đề báo cáo giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực (1/1/2019). Trong đó, nhiều đại biểu đã nêu lên những bất cập liên quan đến quy hoạch, công tác quản lý quy hoạch và đi đến kết luận quy hoạch phải làm sao ít ảnh hưởng đến người dân nhất.

Như chúng ta đều biết, muốn phát triển kinh tế phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Muốn chuyển đổi mô hình tăng trưởng phải sử dụng quỹ đất, chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất một cách hợp lý, khoa học, dựa trên nền tảng: Nhà nước, nhà đầu tư, người dân đều hưởng lợi. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay liên quan đến công tác khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo… lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ cao nhất. Thậm chí, không ít cán bộ, doanh nhân đang vướng vào vòng lao lý cũng liên quan đến đất đai!

Nhân việc Quốc hội tiến hành thảo luận chuyên đề giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật công tác quy hoạch và việc trên địa bàn cả nước có rất nhiều dự án treo làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân, lại nhớ vừa qua có dịp về quê, nhìn mảnh đất ven biển vốn trước đây rừng phi lao tươi tốt chắn gió, chắn bão cho làng quê phía trong nay bị trơ trọi vì dự án bị bỏ hoang chưa triển khai mới thấy chua xót!

Một bác nông dân ở thôn Phú Đông, phường Hải Lĩnh, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (trước đây là thôn 2, xã Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia) cho hay, từ những năm 2018 bắt đầu tiến hành giải tỏa, đền bù, đến nay dự án từng được kỳ vọng ở quê ông vẫn nằm "trơ gan cùng tuế nguyệt". Người dân không có đất sản xuất, còn đất thì để hoang, mùa bão thì không còn phi lao để che chắn cho dân làng!

Theo dự kiến, đây sẽ là khu nghỉ dưỡng cao cấp góp phần chuyển dịch kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân. Nhưng từ đó đến nay, dù đã lần lượt đổi tên từ Khu nghỉ dưỡng sinh thái bốn mùa đến Khu du lịch Tiên Sa và hiện tại chuyển sang tên rất tây “Shiki Hải Lĩnh Park”. Mặc dù dự án bị “đắp chiếu” chưa thể thi công, nhưng vừa qua Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành quyết định về việc điều chỉnh quy hoạch khu nghỉ dưỡng cao cấp cả về mở rộng diện tích (lên trên 17 ha) lẫn vốn đầu tư.

“Dự án này qua bao năm, với 3 lần chuyển đổi tên vẫn chưa thể triển khai, thì cũng tại thôn Phú Đông (phần đất của thôn 1 trước đây đối diện với dự án Shiki Hải Lĩnh Park), một doanh nghiệp khác cũng đã xin tỉnh đầu tư dự án nghỉ dưỡng với quy mô khoảng 17 ha, hiện tại đang tiến hành đo đạc để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Người dân lo, nếu cứ như dự án cũ, lấy đất rồi chuyển đổi, rồi để đó..., không biết những hộ dân bị thu hồi đất sẽ đi về đâu. Vì thực tế, giá tiền đền bù chênh lệch rất lớn so với giá đất thị trường vốn đang trong cơn sốt như hiện nay. Còn đất tái định cư cũng chẳng thấy”, một người dân cho hay.

Tận mắt chứng kiến và nghe người dân kể lại, ở phạm vi bài viết này không đề cập đến công tác đền bù, mà chỉ đề cập góc độ quy hoạch, hy vọng có những góc nhìn khách quan, khoa học nhằm rút ra những bài học trong công tác quản lý Nhà nước. Ví dụ, kể từ khi huyện Tĩnh Gia chuyển thành thị xã Nghi Sơn, bên cạnh quy hoạch chung, lẽ ra tỉnh Thanh Hóa phải tiến hành quy hoạch phân khu.

Cụ thể, khu nào đã và sẽ làm công nghiệp, khu nào đã và sẽ làm dịch vụ, khu nào đã và sẽ sản xuất nông nghiệp, đất nào dành riêng cho công tác tái định cư khi người dân bị thu hồi đất một cách khoa học. Trên cơ sở đó, tỉnh, huyện sẽ tiến hành xúc tiến đầu tư để mời gọi doanh nghiệp có tiềm năng nhằm tạo động lực cho sự phát triển. Nghĩa là đề bài là thị xã tham mưu cho tỉnh ra quy hoạch, mặt bằng, doanh nghiệp chỉ căn cứ vào đó tiến hành xúc tiến đầu tư. Mặt bằng quy hoạch đã có, doanh nghiệp phải đầu tư về quy mô (diện tích, vốn, tính khả thi) như thế nào theo đúng yêu cầu của địa phương (đề bài) thì mới có đủ điều kiện tham gia tuyển chọn đầu tư.

Nhưng ở đây, trong công tác quy hoạch và đầu tư dường như đang có quy trình ngược. Doanh nghiệp đến địa phương ưng chỗ nào, làm đơn xin cấp có thẩm quyền để tiến hành quy trình đầu tư. Việc làm này không chỉ dẫn đến đầu tư manh mún, dàn trải, không hiệu quả, thậm chí dẫn đến quy hoạch treo.

Điển hình, cả dải đất của thị xã Nghi Sơn, đặc biệt từ khu du lịch Hải Hòa ra đến phường Hải Châu vốn khá đẹp (ngoại trừ dự án du lịch nghỉ dưỡng do Tập đoàn T&T đầu tư tại phường Tân Dân có quy mô tương đối lớn) thì hầu như không có dự án nào tầm cỡ. Đất đai bị “băm nhỏ”, bởi những dự án “nho nhỏ”, trong đó có một số dự án vẫn chưa thể triển khai. Nếu có quy hoạch tốt, tầm nhìn tốt, cả một dải ven biển kéo dài mấy chục cây số chắc chắn sẽ quy tụ được được các nhà đầu tư tiềm năng phát triển các dự án du lịch, nghỉ dưỡng quy mô… để cùng với vùng lõi khu công nghiệp, thị xã Nghi Sơn ngày càng phát triển hơn. Người dân thực sự hưởng lợi từ chuyển đổi mô hình tăng trưởng hơn!

Đất với nhân dân gắn bó như máu với thịt, dân số thì luôn tăng, nguồn lực đất đai thì có hạn, để sử dụng đất đai một cách bền vững, hài hòa, tránh lãng phí… đã đến lúc chúng ta nên rà soát lại công tác quy hoạch và quá trình chuyển đổi, mục đích sử dụng đất trên địa bàn cả nước hiện nay trước khi tiến hành sửa đổi Luật Đất đai như lộ trình mà Quốc hội đề ra. Kiên quyết thu hồi, nói không với những dự án treo, nhà đầu tư thiếu năng lực, đồng thời xem xét lại công tác quy hoạch gắn với trách nhiệm của chính quyền nhằm tránh lãng phí nguồn lực đất đai!

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này