Muốn phát triển bền vững phải sản xuất an toàn

08:35 | 02/06/2022
(LĐTĐ) Được làm việc trong môi trường an toàn, người lao động mới yên tâm làm việc, nâng cao năng suất lao động, góp phần vào sự phát triển ổn định của doanh nghiệp giúp phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đất nước.
Phát huy vai trò Công đoàn trong công tác an toàn vệ sinh lao động Lấy hiệu quả công việc làm thước đo cho sự trưởng thành Huyện Ba Vì: Hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động

Quan tâm bảo vệ sức khỏe người lao động

Trên đây là những nhận định được rút ra từ buổi tọa đàm “Vai trò công tác an toàn, vệ sinh lao động trong việc thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19” do Viện Khoa học An toàn và vệ sinh Lao động (trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức mới đây theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam; ông Nguyễn Anh Thơ - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động đồng chủ trì buổi toạ đàm.

Muốn phát triển bền vững phải sản xuất an toàn
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết: Kể từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường và kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội từ sức khỏe, tính mạng, đời sống của các tầng lớp nhân dân, người lao động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách chưa có tiền lệ nhằm vừa chống dịch Covid-19, sản xuất an toàn và phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới nhằm thực hiện “mục tiêu kép” với ưu tiên hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh người dân, cố gắng cao nhất bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành một số chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp.

“Hiện nay tình hình dịch bệnh đã tạm lắng và đi vào ổn định, những việc chăm lo đời sống và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho đoàn viên Công đoàn và người lao động vẫn là ưu tiên hàng đầu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Hoạt động này góp phần tham mưu, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, an sinh xã hội trong quá trình triển khai thực hiện chương trình phục hồi nền kinh tế của Chính phủ giai đoạn sau đại dịch” - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh khẳng định.

Chú trọng an toàn vệ sinh lao động

Ông Nguyễn Khánh Long - Trưởng phòng Chính sách Bảo hộ lao động, Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận xét, đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng với tính mạng, sức khoẻ của người dân mà còn gây ra những thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế do phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, phòng, chống dịch bệnh trong bối cảnh dịch bùng phát nhanh, khi chúng ta chưa chủ động được nguồn vắc xin để tiêm phòng cho người dân.

Đại biểu dự Tọa đàm cũng kiến nghị, cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá, dự báo về các yếu tố nguy cơ, rủi ro hiện tại và tương lai đối với việc làm của người lao động trong bối cảnh chung của thế giới và Việt Nam hậu đại dịch Covid-19, trong đó bám sát những khuyến nghị, hướng dẫn, các bộ công cụ của Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về an toàn vệ sinh lao động để nghiên cứu, áp dụng, cụ thể hóa trong điều kiện của Việt Nam. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các chương trình huấn luyện an toàn vệ sinh lao động hiện hành, bổ sung trong tài liệu huấn luyện kiến thức mới về nhận diện, đánh giá các nguy cơ hiện hữu và tương lai, các biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó, không để xảy ra những tình huống bất ngờ, mất kiểm soát…

Để góp phần bảo đảm hiệu quả, bền vững của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, ông Nguyễn Khánh Long cho rằng các cơ quan, đơn vị chức năng cần tổ chức rà soát, đánh giá những nội dung chính sách, pháp luật hiện hành về an toàn, vệ sinh lao động, làm rõ những điểm còn hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với xu thế chung của thế giới, gây hạn chế, khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trong việc tuân thủ.

Nhấn mạnh về môi trường làm việc an toàn đối với đoàn viên công đoàn, người lao động, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thơ, quyền Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động cho rằng, những vấn đề cấp bách về an toàn, vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động cần được giải quyết trong giai đoạn 2021 -2025 gồm: Ngăn chặn sự gia tăng tai nạn lao động, đặc biệt là các vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết nhiều người trong lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, hóa chất, hóa dầu; tăng cường giám sát ô nhiễm môi trường lao động, từng bước cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động, vệ sinh lao động, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Cùng đó, cần nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động, đặc biệt là khu vực làng nghề, khu vực nông nghiệp, trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, về việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, gắn kết với ý thức bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, việc làm và sự phát triển bền vững.

Các nghiên cứu, báo cáo khảo sát đã xác định rõ từng nguy cơ, rủi ro đối với an toàn sản xuất, an toàn cháy nổ, môi trường, sức khỏe nghề nghiệp, nguy cơ lây nhiễm Covid-19, cũng như các yếu tố về sinh học hóa chất hay bất kỳ nguy cơ gây tai nạn, sự cố hay bệnh tật nào khác đồng thời phân tích, đưa ra biện pháp, cách thức quản trị các rủi ro để phòng ngừa hiệu quả tai nạn, sự cố sản xuất, cháy nổ, ô nhiễm môi trường.

Từ các nghiên cứu, khảo sát này, ông Nguyễn Anh Thơ cho rằng, được làm việc trong môi trường an toàn, người lao động mới yên tâm làm việc, nâng cao năng suất lao động, góp phần vào sự phát triển ổn định của doanh nghiệp giúp phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đất nước.

Từ góc nhìn của một chuyên gia lao động, bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho rằng, đối thoại xã hội là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, đồng thời khuyến khích các nông trại, hợp tác xã hợp tác với nhau để cùng hướng đến mục tiêu chung là khôi phục nền kinh tế trong nước.

Theo bà Ingrid Christensen, vấn đề an toàn vệ sinh lao động là vấn đề quan trọng mà người sử dụng lao động, doanh nghiệp cần phải nhận thức quan tâm để cải thiện đầu tư. An toàn vệ sinh lao động, môi trường làm việc tốt là điều kiện cần thiết để duy trì sự phát triển của bất kỳ doanh nghiệp nào./.

Tú Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này