Thành phố Hồ Chí Minh: Xung lực phát triển từ đường vành đai 3

16:39 | 02/06/2022
(LĐTĐ) Dự kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chính phủ sẽ trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có tính chất liên vùng, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn đồng thời tạo đột phá cho việc phát triển kinh tế, xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội nghiên cứu giãn tiến độ 1 năm Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khoá XV sẽ quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Giải quyết nhiều điểm nghẽn

Theo đại diện UBND TP.HCM, địa phương được giao chuẩn bị đầu tư và điều phối chung dự án: Với tính chất vừa là đường cao tốc vành đai liên vùng, vừa là đường cao tốc độ thị, đường Vành đai 3 TP.HCM có vai trò hết sức quan trọng không chỉ đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có tuyến đi qua (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) mà còn là tiền đề, điều kiện cần để kêu gọi đầu tư, phát triển khu đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ của các khu vực có tuyến đi qua.

Nâng cao khả năng kết nối giữa các đô thị vệ tinh dọc theo hai bên đường, giảm ách tắc giao thông ở TP.HCM, đồng thời tạo không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng sử dụng quỹ đất, tăng hiệu quả đầu tư đối với các dự án khác đang được triển khai thực hiện.

Thành phố Hồ Chí Minh: Xung lực phát triển từ đường vành đai 3
Hệ thống đường Vành đai, quốc lộ Vùng TP.HCM.

Việc đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM là hết sức cần thiết, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong Vùng, mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị.

Bên cạnh đó, dự án sẽ giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu hiện đang quá tải tại TP.HCM và các địa phương khác, nhất là khi Cảng hàng không Quốc tế Long Thành hoàn thành và đưa vào khai thác.

Ngoài ra, việc xây dựng tuyến đường Vành đai 3 khép kín cùng với cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến sẽ hoàn thành năm 2023, sẽ tạo một giải pháp hữu hiệu để phân luồng giao thông liên tỉnh khi đi qua TP.HCM.

Các chuyên gia nhận định, khi có đường Vành đai 3, xe liên tỉnh không còn phải qua TP.HCM, toàn bộ hàng hóa từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đưa về các cảng biển và ngược lại được lưu thông nhanh chóng, tiết giảm thời gian và chi phí vận chuyển.

Đường Vành đai 3 dài khoảng 76,34 km, đi qua địa bàn TP.HCM (47,51 km, đi qua thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh), tỉnh Đồng Nai (11,26 km, đi qua huyện Nhơn Trạch), tỉnh Bình Dương (10,76 km, đi qua thành phố Dĩ An, Thủ Dầu Một, Thuận An), tỉnh Long An (6,81 km, đi qua huyện Bến Lức).

Dự án là tuyến đường cao tốc loại A, quy mô 8 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h, đường song hành có quy mô ít nhất 2 làn xe. Dự kiến sau khi được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, trong quý III/2022 - quý II/2024 sẽ giải phóng mặt bằng để đến quý IV/2023 khởi công xây lắp và hoàn thành toàn dự án vào năm 2026.

Đặc biệt, khi đường Vành đai 3 khép kín sẽ cùng với cao tốc Bến Lức - Long Thành (đang thi công), các xe hướng tây bắc - đông nam và ngược lại có thể đi qua cao tốc Bến Lức - Long Thành để lên cao tốc TP.HCM - Trung Lương về miền Tây. Tương tự, các xe từ Quốc lộ 13 và Quốc lộ 22 có thể tiếp cận khu vực cảng phía Đồng Nai, TP.HCM qua đoạn Nhơn Trạch - Tân Vạn. Đường Vành đai 3 cũng tạo ra một hướng kết nối giữa TP.HCM với sân bay Long Thành ngoài cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vốn đang quá tải.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Đường Vành đai 3 sẽ tạo ra một trục giao thông chiến lược, kết nối và lan tỏa, tạo tiền đề tháo gỡ các điểm nghẽn. Dự án có tính chất kết nối liên vùng, là điểm đầu của 5 tuyến cao tốc (TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành) kết nối với các tuyến quốc lộ hướng tâm, tạo năng lực thông hành lớn, tốc độ cao qua đó đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Việc khai thác các quỹ đất dọc tuyến sau khi dự án được đưa vào vận hành còn tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương phục vụ tái đầu tư, phát triển. Không gian đường Vành đai 3 tạo hành lang công nghiệp kết nối các kho cạn về cụm cảng biển, giúp giảm thời gian đi lại, tăng số vòng vận tải, giảm chi phí logistics và tạo lợi thế cạnh tranh.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM, đơn vị được giao lập, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, cho biết: Đường Vành đai 3 là đường vành đai đô thị, đi qua các khu vực đô thị, khu dân cư và định hướng trong tương lai phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị mới... Nhờ đó sẽ thu hút các nhà đầu tư đối với phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, trung tâm logistics.

Tìm cơ chế nguồn vốn

Đối với những dự án có tính chất liên vùng, đi qua nhiều địa bàn, vấn đề nguồn vốn đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng đang là bài toán nan giải. Dự tính tổng mức đầu tư của dự án đường Vành đai 3 khoảng 147.292 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 1 là 75.378 tỷ đồng, dự kiến ngân sách Trung ương là 38.741 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương 4 tỉnh (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An).

Quá trình nghiên cứu dự án, các đơn vị liên quan cũng đã xem xét các phương thức đầu tư PPP (đối tác công tư) với nhiều kịch bản khác nhau, trong đó kịch bản khả thi nhất là đầu tư PPP phần đường cao tốc.

Về phương án thu hồi vốn đầu tư, sau khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn đầu tư cho ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương tương ứng theo tỷ lệ nguồn vốn đầu tư.

Thành phố Hồ Chí Minh: Xung lực phát triển từ đường vành đai 3
Bình đồ hướng tuyến Vành đai 3 TP.HCM.

Về công tác giải phóng mặt bằng, dự án sẽ chiếm dụng 642,7ha đất, ảnh hưởng tới 3.863 hộ dân và buộc phải tái định cư cho 1.476 hộ dân. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 41.589 tỷ đồng (TP.HCM khoảng 25.610 tỷ đồng, Bình Dương khoảng 13.528 tỷ đồng, Đồng Nai khoảng 1.284 tỷ đồng, Long An 1.168 tỷ đồng). Phần đền bù, giải phóng mặt bằng được chia làm 4 dự án thành phần ở 4 địa phương nơi dự án đi qua.

Về phương án hỗ trợ, tái định cư, hiện các địa phương đã sơ bộ phương án tổ chức thực hiện công tác tái định cư theo quy định, cũng như chuẩn bị các địa điểm, số lượng nền, căn hộ để bố trí tái định cư đảm bảo quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Riêng địa bàn tỉnh Bình Dương, dự kiến áp dụng chính sách hỗ trợ bằng tiền để người dân tự lo nơi ở mới.

Đối với TP.HCM, hiện nay Thành phố đã dự kiến bố trí đủ số lượng nền, căn hộ phục vụ tái định cư cho dự án. Còn tỉnh Đồng Nai sẽ bố trí tái định cư tại dự án khu tái định cư huyện Nhơn Trạch, tỉnh Long An bố trí tái định cư tại dự án khu tái định cư huyện Bến Lức./.

Xuân Tình – Thành Đồng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này