Áp dụng hóa đơn điện tử bắt buộc: Nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa sẵn sàng

11:04 | 02/06/2022
(LĐTĐ) Để đạt mục tiêu đến ngày 1/7/2022 phải hoàn tất việc triển khai hoá đơn điện tử (HĐĐT) trên toàn quốc, ngành Thuế đã thực hiện các giải pháp đồng bộ và thống nhất, nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi chuyển đổi.
Kích hoạt hệ thống hoá đơn điện tử góp phần thúc đẩy chuyển đổi số Công bố hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc

Trở ngại trong quản lý đầu vào - đầu ra

Theo Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14 được Quốc hội thông qua, từ ngày 1/7/2022 tất cả các doanh nghiệp bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử, song qua quá trình thí điểm (từ 31/12/2021) đến nay một số doanh nghiệp vẫn gặp nhiều vướng mắc cần được xử lý.

Áp dụng hóa đơn điện tử bắt buộc: Nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa sẵn sàng
Công ty CP TS24 tư vấn triển khai hóa đơn điện tử cho khách hàng. Ảnh BT

Bà Trần Thu Hòa - Chủ hộ kinh doanh cá thể chăn, ga, gối tại huyện Thường Tín (Hà Nội) chia sẻ: “Từ trước đến giờ tôi chỉ dùng hóa đơn bán hàng, không dùng hóa đơn giá trị gia tăng. Chỉ có hóa đơn “đầu ra” chứ chưa hề biết “đầu vào”. Tôi cũng không biết dùng máy tính, việc bật, tắt, chạy phần mềm kê khai còn không biết làm chứ chưa nói đến việc quản lý “đầu vào”, “đầu ra”. Hơn nữa, hộ kinh doanh kê khai cũng không được khấu trừ thuế như công ty, chúng tôi muốn chuyển đổi sang doanh nghiệp nhưng nghe nói thủ tục chuyển đổi cũng rất phức tạp”.

Là đơn vị triển khai phần mềm hóa đơn điện tử cho hàng nghìn doanh nghiệp tại miền Bắc, ông Nguyễn Khánh Toàn - Đại diện Công ty CP TS24 cho biết, vừa qua, trong quá trình triển khai đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, có nhiều người dân còn gặp khó khăn khi chuyển đổi.

Khó khăn thứ nhất đối với người dân là trước đây hộ kinh doanh thường chỉ làm theo phương pháp khoán nên việc quản lý kế toán chưa được bài bản. Họ chưa quen quản lý hóa đơn “đầu vào”, “đầu ra”, quản lý thu chi theo Sổ sách kế toán. Theo thói quen cũ từ xưa, họ chỉ xuất hóa đơn cho khách hàng có yêu cầu.

Mặt khác, hóa đơn bán hàng của hộ cá thể không có khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Nhưng đối với người mua, nhất là đối với người mua là doanh nghiệp, họ sẽ lấy hóa đơn giá trị gia tăng nhiều hơn là hóa đơn bán hàng. Còn người bán hàng xuất hóa đơn bán hàng ra họ cũng cũng không được khấu trừ thuế. Nhiều hộ kinh doanh bày tỏ ý định chuyển sang doanh nghiệp, vừa được khấu trừ thuế mà lại quản lý thuế sẽ dễ hơn.

Còn về mặt kỹ thuật, có nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa kịp tiếp cận với công nghệ thông tin, chưa quen dùng máy tính, phần mềm. “Phần mềm tương đối dễ dùng, nếu hộ nào đã đăng ký hình thức kê khai thì họ sẵn sàng nắm bắt để sử dụng. Vấn đề vẫn là tư duy về quản lý hóa đơn. Nếu hiểu được quy trình thì phần mềm sẽ không phải là trở ngại chính”, ông Nguyễn Khánh Toàn cho biết.

Theo truyền thống, đại bộ phận người dân vẫn cho rằng hóa đơn thì đồng nghĩa với chứng từ bằng giấy. Tại nhiều vùng nông thôn hoặc vùng xa, HĐĐT chưa được nhiều người biết đến nên khi xuất cho khách hàng, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải thích cho khách hàng hiểu thế nào là HĐĐT và tính pháp lý của hóa đơn này. Ở nhiều nơi, số hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ chiếm tới 90% thì việc áp dụng 100% HĐĐT là thách thức không nhỏ. Trong quá trình thí điểm từ năm 2021 đến nay, không ít trường hợp làm sai quy trình, sai thông tin hóa đơn.

“Về tình huống này, ngành Thuế đã có hướng dẫn xử lý. Trong trường hợp hóa đơn đã phát hành và gửi cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc người bán và người mua chưa kê khai thuế, nếu phát hiện sai sót thì người mua và người bán thỏa thuận về việc xóa bỏ hóa đơn sai. Trong trường hợp hóa đơn đã phát hành và gửi cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận có chữ ký điện tử của cả hai bên và ghi rõ sai sót. Tuy nhiên việc xử lý hóa đơn sai sót trong thời gian mới triển khai vẫn còn nhiều lúng túng cho đơn vị phát hành hóa đơn, người sử dụng”, ông Nguyễn Khánh Toàn cho biết thêm.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Khánh Toàn, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận tốt với HĐĐT và cho biết đã giảm được nhiều chi phí khi sử dụng HĐĐT. Để đạt mục tiêu đến 1/7/2022 áp dụng 100% HĐĐT thành công, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành Thuế và các cơ quan, ban, ngành liên quan. Đặc biệt cần sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp chính quyền, địa phương trong tuyên truyền, phổ biến tới người dân, doanh nghiệp và vận động cũng như bắt buộc (khi đến hạn) doanh nghiệp triển khai thực hiện HĐĐT.

Hướng tới lợi ích chung

Việc ngành Thuế triển khai sử dụng HĐĐT thay cho hoá đơn giấy là việc làm vô cùng hữu ích cho người dân và doanh nghiệp. Tại Hội thảo “Hoá đơn điện tử theo Nghị định 123/2020 và Thông tư số 78/2021 - Những điều doanh nghiệp cần lưu ý khi áp dụng”, ông Nguyễn Văn Phụng - Cục trưởng Cục thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) nhận định, qua thời gian thử nghiệm cho thấy, HĐĐT mang lại nhiều lợi ích cho cả người bán và người mua cũng như cơ quan quản lý thuế.

Với người bán, HĐĐT tiết kiệm được lượng giấy tờ lớn. Việc lưu trữ cũng đơn giản hơn nhiều. Mặt khác, giao dịch được thực hiện ngay. Tương tự người mua cũng có những lợi ích như vậy. Đặc biệt, qua giao dịch điện tử, người bán, người mua và cơ quan Nhà nước có thể kiểm tra, nắm được các giao dịch, có thể kiểm tra chéo lẫn nhau, không lo lắng hoá đơn của doanh nghiệp bỏ trốn, không lo bị loại trừ chi phí…. khi kết nối dữ liệu về cơ quan thuế, bảo đảm cho một thị trường kinh doanh trung thực, lành mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Phụng, với các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp có nhiều thứ thay đổi, như: Cách làm khác, quản trị khác, tư duy cũng khác nên họ sẽ gặp khó hơn khi thực hiện. Lâu nay là hộ kinh doanh, với tư duy “tiền trao, tráo múc”, bán đứt là xong nhưng khi chuyển đổi thành doanh nghiệp thì cần giữ chứng từ, hoá đơn, đầu ra - đầu vào. Thậm chí, chỉ riêng việc viết hoá đơn cũng là mới đối với họ cho nên thực hiện HĐĐT còn bỡ ngỡ.

Một số ý kiến cũng e ngại, ở một số tỉnh thành, để 100% doanh nghiệp áp dụng HĐĐT là thách thức không nhỏ vì có tới 90% doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa nên điều kiện về đầu tư hạ tầng và trình độ nhân lực bộ máy chưa tương xứng. Đó là chưa nói đến nhiều doanh nghiệp tại các địa phương miền núi, việc cung cấp dịch vụ HĐĐT còn hạn chế, bất cập.

Để đạt mục tiêu đến ngày 1/7/2022 áp dụng bắt buộc HĐĐT trên toàn quốc, chấm dứt hoá đơn giấy, hợp đồng điện tử cũ, ngành Thuế đã đi rất nhiều bước thận trọng, chắc chắn, hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Ngành Thuế đã từng bước yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng mạng, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp và hoá đơn phải tăng cường nhân lực, giải pháp để hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tỉ mỉ, cẩn thận tại các chi cục Thuế, cục Thuế.

Trong bối cảnh hiện nay, để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp đều tính toán cắt giảm chi phí đầu vào, giảm bộ máy gián tiếp, thì việc sử dụng HĐĐT là một giải pháp hữu hiệu. HĐĐT cũng là kênh giám sát, quản lý doanh thu thuế tại các doanh nghiệp nên cần được hướng dẫn áp dụng nghiêm chỉnh và thực chất./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này