Hiện thực hóa ước mơ làm cha mẹ

11:06 | 02/06/2022
(LĐTĐ) Nhiều năm qua, hàng chục nghìn cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn đã đến bệnh viện khám và điều trị. Trong số đó, rất nhiều trường hợp thành công mà câu chuyện của họ không chỉ là minh chứng cho những điều kỳ diệu của y học hiện đại, mà còn là nguồn động lực to lớn cho những cặp vợ chồng hiếm muộn đang trong hoàn cảnh tương tự có thêm hy vọng.
Khởi động giải chạy gây quỹ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn Tuần lễ vàng hỗ trợ gia đình vô sinh, hiếm muộn

Niềm vui những cặp vợ chồng hiếm muộn

Vừa qua, tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã diễn ra Lễ tổng kết Chương trình Tuần lễ vàng ươm mầm hạnh phúc 2022. Buổi hội thảo là cuộc hội ngộ, sẻ chia của hàng trăm cặp vợ chồng từng điều trị hiếm muộn thành công tại bệnh viện. Mỗi gia đình là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau nhưng cuối cùng, họ đã "chạm" vào hạnh phúc thiêng liêng là được làm bố, làm mẹ.

Hiện thực hóa ước mơ làm cha mẹ
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE.

Điển hình như trường hợp gia đình chị Đỗ Thị Thu và anh Ma Minh Ngọc (Nam Định) chia sẻ về nhiều năm trời đằng đẵng trong nhọc nhằn để sinh được con. Anh Ngọc mắc hội chứng hiếm gặp Klinefelter. Khi mắc phải căn bệnh này, nam giới bị suy sinh dục, rối loạn nội tiết, khả năng sinh tinh kém hoặc không sinh tinh.

Chị Thu tâm sự, nhiều khi hai vợ chồng tưởng chừng như đầu hàng vì không thể có được đứa con của chính mình. Nhờ được can thiệp phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của vợ. Cuối cùng, vợ chồng anh Ngọc đã hạnh phúc đón bé sau nhiều năm nỗ lực chạy chữa.

Hay trường hợp vợ chồng chị Phạm Thị Bích và anh Nguyễn Quốc Hưng gọi con gái là phép màu trời cho, bởi họ đã cùng nhau trải qua gần 12 năm kiệt quệ cả về vật chất và tinh thần để được đón con yêu chào đời. Năm 2009, anh Hưng, chị Bích nên duyên vợ chồng. Nhiều năm sau đó, tin vui vẫn chưa đến với gia đình anh chị.

“Bác sĩ nói hai vợ chồng sức khỏe bình thường. Chồng có chút vấn đề nhỏ là tinh trùng yếu và ít nhưng chưa phải can thiệp. Cứ chờ đợi mãi, tới khi tuổi cao rồi vẫn không đậu được thai, chúng tôi mới thật sự hoang mang”, chị Bích chia sẻ.

Sau khi chờ đợi việc sinh em bé tự nhiên không thành, anh chị quyết định đi làm thụ tinh trong ống nghiệm, từ số tiền dành dụm và vay mượn thêm từ hai bên nội, ngoại. Kết quả lần đầu thất bại, tinh thần sụp đổ. Kinh tế không có, hai vợ chồng quay ra sử dụng thuốc nam, thuốc bắc với hy vọng phép màu sẽ tới. Nhưng càng chờ càng vô vọng, chị Bích quyết định làm thụ tinh nhân tạo thêm một lần nữa.

“Ngày đến Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, bác sĩ thông báo tỷ lệ trữ buồng trứng rất thấp, chỉ 16%, cơ hội rất mong manh vì tuổi đã trên 40. Suốt hành trình hai lần chọc trứng, bác sĩ trữ được 3 phôi và may mắn 1 phôi đã đậu. Chúng tôi đón nhận hạnh phúc rón rén, cẩn thận từng chút một tới khi em bé chào đời”, chị Bích nghẹn giọng nói.

Tương tự là trường hợp gia đình chị Tống Thị Thu Hà và anh Trần Khắc Đạt (Phú Thọ) đến với nhau sau cuộc hôn nhân trước tan vỡ. Họ đều có con riêng. Tuy nhiên, khi kết hôn với nhau, anh bị quai bị nên khi khám, bác sĩ phát hiện tình trạng của anh là vô tinh. Khi đó, con riêng của chị mất, 2 vợ chồng quyết sinh con chung. Anh được can thiệp phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro Tese để làm thụ tinh trong ống nghiệm và đã sinh được một bé gái...

Theo các bác sĩ, bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn, đều chịu rất nhiều áp lực, cả về kinh tế lẫn tinh thần. Riêng với các gia đình khó khăn, áp lực đó càng đè nặng khi chi phí thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là thụ tinh trong ống nghiệm không phải là nhỏ. Do đó, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội muốn tiếp sức cho họ cả về kinh phí và kỹ thuật để giúp các gia đình chạm vào ước mơ làm cha làm mẹ.

Rút ngắn hành trình tìm kiếm con

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, việc ứng dụng một số kỹ thuật hiện đại, tiên tiến nhất, mang đến cơ hội có con cho ngày càng nhiều những trường hợp hiếm muộn, có tiên lượng thấp.

Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi cho biết: “Qua từng năm, tỷ lệ điều trị thành công cho bệnh nhân hiếm muộn cần can thiệp các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, điển hình là kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm càng tăng là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của Bệnh viện, đúng với phương châm “tất cả vì người bệnh”. Chặng đường 10 năm thành lập Khoa Hỗ trợ sinh sản (2012-2022) của Bệnh viện không quá dài nhưng với những người gắn bó với chuyên ngành hỗ trợ sinh sản như chúng tôi, đó là một chặng đường đầy thử thách, đầy trăn trở nhưng cũng tự hào và hạnh phúc. Trăn trở với muôn vàn nỗi niềm khác nhau từ người hiếm muộn, hạnh phúc khi được đồng hành cùng họ trong hành trình chạm đến mơ ước thiêng liêng”.

“Điển hình, trong điều trị hiếm muộn nam, việc áp dụng phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE đã mang lại những hiệu quả bất ngờ. Kỹ thuật này thường được chỉ định cho các trường hợp nam giới vô sinh không tắc nghẽn do những nguyên nhân như: Teo tinh hoàn do quai bị, hội chứng Sertoli, hội chứng sinh tinh giữa chừng, các bất thường về gene (hay gặp nhất là đột biến mất đoạn gene AZF trên nhiễm sắc thể Y), bất thường về nhiễm sắc thể (hội chứng Klinefelter). Có rất nhiều bệnh nhân vô tinh đã từng làm các kỹ thuật PESA, TESE không tìm thấy tinh trùng đã thành công nhờ Micro TESE và có được đứa con của chính mình”, bác sĩ Hiền cho hay.

Một kỹ thuật khác cũng được bệnh viện áp dụng thành công là kỹ thuật bơm Gel chống dính vào buồng tử cung sau phẫu thuật kết hợp với liệu pháp hormone. Kỹ thuật này giúp cải thiện đáng kể hiện tượng tái dính sau phẫu thuật, tỷ lệ thành công cao, lên tới 70%-80% (không dính buồng tử cung sau phẫu thuật), mở ra nhiều cơ hội có con cho các cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh, hiếm muộn.

Bên cạnh đó, hiện Bệnh viện có sử dụng hệ thống nuôi cấy và theo dõi phôi tự động (Timelapse) tích hợp trí tuệ nhân tạo cho phép thu thập hình ảnh phôi trong tủ cấy phôi, không bị gián đoạn khi đang nuôi cấy mà vẫn có hình ảnh của toàn bộ quá trình, giúp đánh giá chính xác chất lượng phôi và lựa chọn những phôi tốt nhất. Còn siêu âm 5D giúp phát hiện sớm các dị tật bất thường nhằm sớm can thiệp, bảo toàn sức khoẻ cho thai nhi.

Theo Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi, việc đưa vào hoạt động Hệ thống nuôi cấy và theo dõi phôi tự động (Timelapse) tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI-Artificial Intelligence) để theo dõi và đánh giá quá trình hình thành và phát triển của phôi đã cho kết quả phân tích phôi nhanh chóng và chính xác hơn.

"Có rất nhiều ca bệnh hiếm muộn khó điều trị, khi đến bệnh viện vẫn đạt tỷ lệ thành công cao nhờ áp dụng phác đồ điều trị và can thiệp y khoa thích hợp, tỷ lệ thành công trung bình từ 65-70%", bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi cho biết thêm. Trước đây vẫn còn không ít trường hợp mà y học chưa thể can thiệp, bác sĩ Lợi cho biết, bệnh viện sẽ không ngừng nỗ lực để giúp các gia đình hiếm muộn, đặc biệt là các trường hợp khó không rơi vào bế tắc trong hành trình tìm con./.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này